Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201204/19581-mien-bien-ai-tan-hoang-vi-quang-397897/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201204/19581-mien-bien-ai-tan-hoang-vi-quang-397897/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Miền biên ải tan hoang vì quặng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 16/04/2012, 18:00 [GMT+7]
19581

Miền biên ải tan hoang vì quặng

Đổi rừng lấy quặng
 
Tri Lễ là xã thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Quế Phong và cũng là xã biên giới giáp nước bạn Lào (nơi nổi tiếng trồng cây thuốc phiện). Tri Lễ nằm lọt thỏm giữa một lòng chảo khá rộng lớn, xung quanh đều là dãy Trường Sơn nối dài. Toàn xã có ba thành phần dân tộc sinh sống chủ yếu, đó là đồng bào Thái, Mông và Khơ mú.
 
Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, kể từ khi tuyến đường Tri Lễ ra thị trấn Kim Sơn được rải nhựa, chính quyền để cho một số doanh nghiệp cũng như người dân tứ xứ đổ về đây khai thác quặng sắt, quặng thiếc, thậm chí có lúc có vàng nên làm cho núi rừng bị đào phá tan hoang. 
 
Để thâm nhập vào các đại bản doanh khai thác quặng thiếc này ai nấy đều nơm nớp lo sợ, vì chốn thăm thẳm này chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra, khi các ông chủ đều có lính canh gác cẩn mật các cơ sở khai thác. Tuy nhiên, để thị sát các điểm đào bới khoáng sản trên địa bàn Tri Lễ không khó, vì vào thung lũng này duy chỉ có con đường độc đạo mới rải nhựa nói trên. Chỉ cần ngước mắt về bên phải là đủ để chứng kiến đồi núi đang ngày một bị đào phá tan hoang.
 
Núi rừng Tri Lễ tan hoang vì quặng
 
Vượt qua địa phận xã Châu Thôn, bản làng đầu tiên nằm bên tuyến đường này là bản Tà Pàn thuộc xã Tri Lễ. Một người dân địa phương ở đây cho biết, trước đây cuộc sống bà con bản Tà Pàn bình yên, môi trường trong sạch, cảnh quan núi rừng đẹp và hùng vĩ. Chưa đầy một năm trở lại đây, người ta đưa máy móc vào mở đường, móc ruột rừng để lấy quặng sắt. Ngoài hệ thống máy đào, máy múc, còn kéo theo từng đoàn xe tải ngày đêm chạy rầm rập làm cho bản làng hứng chịu đầy bụi bặm.
 
Nói rồi người dân này đưa chúng tôi ra tận một khu vực trước đây là bãi đất giờ giống như một hồ nước chứa đầy chất thải độc hại, có màu đục ngầu nằm sát trục đường chính. Đứng dưới chân dãy Trường Sơn này nhìn thốc lên thấy đồi núi tan hoang. Điều đáng nói, bên cạnh các hầm mỏ khai thác quặng thiếc là những rừng cây còn xanh tốt. Dưới chân núi còn thấp thoáng những nếp nhà sàn, nhà trệt của bà con đồng bào Thái sinh sống.
 
Lần theo tuyến đường chính vào trung tâm xã Tri Lễ, rất nhiều con đường dã chiến khác (do các doanh nghiệp mở ra chạy quanh trên các ngọn đồi để vận chuyển khoáng sản) cũng chạy song song gần cả chục cây số. Tại bản Na Lịt lên bản Piêng Lôm cho thấy, trên đồi là máy móc đào xới nham nhở, còn dưới triền núi là các bản làng bà con bản địa vẫn sinh hoạt bình thường.
 
Tuy nhiên, khác với ngày xưa đó là đồng bào nơi đây bây giờ phải hứng chịu dòng nước độc hại, đó là chưa kể bụi bặm và tiếng ồn ào của máy móc đào bới, xe tải chạy rầm rập ngày đêm. Điều đáng nói, hầu hết các khu vực khai thác quặng đều được đào bới sát với khu vực dân cư sinh sống.
 
Đứng trên cầu Sông Quang bắc qua sông Nậm Quàng, anh Lương Văn Cường, một người dân bản Na Lịt cho biết, địa phận này do Công ty Ngọc Sáng vào đây khai thác. Trước đây bản làng Na Lịt ngút một màu xanh thẳm của núi đồi biên cương. Thế mà chưa đầy nửa năm, Công ty này vào đây “xẻ thịt” “rừng, bạt núi khai thác quặng.
 
Bản làng kêu cứu 
 
Theo quan sát của chúng tôi, thay bằng dòng nước trong veo và mát lạnh trước đây thì bây giờ hầu như khúc nào của con sông này cũng có màu đục, đỏ, thậm chí có chỗ còn có màu xanh lét như đoạn qua bản Na Lịt, Piêng Lôm, Na Chạng, Tà Pàn... Mặc dù nước bị ô nhiễm nhưng trẻ em dân bản vẫn chiều chiều ra sông để tắm. 
 
Chị Lô Thị Lương, bản Piêng Lôm cho biết, ngày nắng nước đỡ đục nhưng mang về nhà phải lắng cợn mới nấu ăn được, hôm nào trời mưa nước sông không thể dùng được. Chị Lương cho biết thêm, sông Nậm Quàng cung cấp nước uống, sinh hoạt không những cho bà con các bản làng Tri Lễ mà còn cho cả đồng bào các xã lân cận như Châu Phong, Quang Phong và Cắm Muộn… nhưng nay do khai thác quặng sắt ồ ạt nên nước đã ô nhiễm nặng.
 
Ông Lương Tiến Hành (một cựu chiến binh, người dân tộc Thái) trú tại bản Lằm phản ánh, do nạn phá rừng khu vực biên giới để khai thác khoáng sản nên làm cho cuộc sống bà con bị xáo trộn. Từ năm 2009 đến nay, gia đình ông Hành cùng với năm hộ gia đình khác trong bản bao gồm: ông Duẫn, ông Hiển, ông Nình, ông Sòng và ông Lợi có diện tích nhiều ha lúa nước gieo cấy không phát triển được.
 
Theo ông Hành cũng như một số hộ dân này cho biết, nguyên nhân chính là do nạn khai thác quặng phía trên đồi nên đã làm cho đất trồng lúa của họ ở phía dưới triền đồi bị khô, đất nhiễm chất độc hại từ quặng sắt thải ra nên làm cho cây lúa không phát triển được.
 
Trước những thực trạng trên, một số bà con ở bản Lằm đã hai lần viết đơn trình lên nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương cấp xã và huyện nhưng sự việc vẫn chưa được trả lời. 

Anh Lương Văn Cường, công an viên của bản Lằm cảnh báo, ngoài những hệ lụy trên, bây giờ một số bà con bản làng Tri Lễ cũng đã bắt đầu hoang mang lo lắng, khi họ sợ rồi đây lượng công nhân kéo nhau vào Tri Lễ khai thác quặng ngày một đông nên rất dễ kéo theo nhiều tệ nạn xã hội khác và sẽ làm ảnh hưởng an ninh biên giới.

Ông Lô Xuân Thu, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết, Tri Lễ là xã biên giới, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, gần đây bắt đầu xuất hiện các doanh nghiệp vào địa phương khai thác khoáng sản, chủ yếu là quặng sắt nên việc gây ô nhiễm hay đảo lộn cuộc sống của bà con dân bản là không tránh khỏi. Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Tri Lễ là do UBND tỉnh Nghệ An cấp.
 
Hầu hết các điểm khai thác ở đây đều xảy ra ở gần khu vực dân cư nên sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con. Mỗi năm xã Tri Lễ chỉ được các Công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn đóng góp kinh phí 2 triệu đồng/tháng, nhưng cũng chỉ từ năm 2010 trở về trước, nay không thấy ai đóng. 

Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến những vấn đề trên, ông Lang Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong trả lời một cách hết sức vô trách nhiệm: “Việc ô nhiễm môi trường như thế nào chúng tôi phải kiểm tra đã rồi mới báo cáo lại được. Chính quyền địa phương chưa nắm được”. Khi được hỏi danh sách các doanh nghiệp nào vào khai thác quặng sắt trên địa bàn Tri Lễ? Ông Minh cũng trả lời: “Làm sao tôi nắm được, cái đó là do Phòng tài nguyên. Còn việc cấp phép là do cấp trên, bộ và tỉnh (Bộ Tài Nguyên & Môi trường và tỉnh Nghệ An - PV). Còn đơn thư phản ánh của dân chúng tôi chưa nhận được”.

Trao đổi vấn đề này với PV,  Đại tá Đinh Ngọc Văn, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho hay, Tri Lễ là địa bàn thuộc khu vực biên giới. Việc cấp phép khai thác khoáng sản nơi đây là do phía chính quyền. Thường việc xây dựng hoặc khai thác khoáng sản lẽ ra phải xin phép Biên phòng nhưng họ đã bỏ qua. Chúng tôi chỉ được tham gia ở góc độ quản lý con người nơi biên giới, góc độ an ninh quốc phòng. Việc khai thác sâu vào lãnh thổ biên giới nhưng bỏ qua Biên phòng là vấn đề còn bất cập.

Phan Sáng
.