Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201203/19079-nhung-nguoi-me-nhan-tam-hon-ho-du-398328/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201203/19079-nhung-nguoi-me-nhan-tam-hon-ho-du-398328/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những người mẹ nhẫn tâm hơn “hổ dữ” - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 21/03/2012, 14:39 [GMT+7]
19079

Những người mẹ nhẫn tâm hơn “hổ dữ”

Để che mắt các cơ quan chức năng hay thoát khỏi việc thụ án với mục đích tiếp tục hành nghề buôn bán trái phép chất ma túy, những người đàn bà, những người mẹ trong các chuyên án ma túy đã được triệt phá đã biến con cái thành phương tiện, thậm chí còn coi một trong những quyền thiêng liêng nhất của mình là sinh đẻ để tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật.
 

 

 

 

 

Biến con 9 tuổi thành “giao dịch viên ma túy”

Trong chuyến công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Phú Thọ, chúng tôi được Thiếu tá Phan Anh Tuấn kể lại một chuyên án mà anh vừa cùng đồng đội triệt phá. Đây được coi là chuyên án ma túy liên tỉnh lớn nhất từ trước tới nay tại miền Trung du này. Tuy nhiên, đó cũng là chuyên án khiến anh bị ám ảnh nhất. Ám ảnh bởi sự nhẫn tâm của người mẹ và sự bơ vơ của những đứa con.

Thiếu tá Phan Anh Tuấn cho biết, vào khoảng năm 2006, anh nhận được nhiều nguồn tin của trinh sát địa bàn và quần chúng phản ánh về một đối tượng buôn bán ma túy cộm cán đang ẩn mình, không chỉ tham gia vào một đường dây ma túy lớn, mà đối tượng này còn lôi kéo nhiều người thân thích tham gia vào các hành vi phạm tội. Được giao nhiệm vụ xác minh làm rõ, Thiếu tá Phan Anh Tuấn đã cùng với đồng đội cải trang xuống địa bàn, sau một thời gian tích cực rong ruổi thu thập thông tin, chân dung về đối tượng này đã được Thiếu tá Phan Anh Tuấn cơ bản dựng lên. Theo đó, đối tượng có tên là Nguyễn Thị Thúy Liễu, trú tại khu 4, xã Yên Nội, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

Xác minh nhân thân, cơ quan điều tra được biết Liễu sinh ra trong một gia đình đông con, bố lại thường xuyên uống rượu say nên kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Vì thế, lên lớp 9 Liễu đã phải chia tay trường lớp để bắt đầu tìm kiếm hướng mưu sinh. Công việc được Liễu lựa chọn chính là buôn bán lẻ ma túy cho các đối tượng nghiện ngập ở trong vùng. Công việc nhàn nhã lại thu lợi lớn càng khiến cho Liễu dấn sâu hơn vào con đường phạm tội. Nhưng càng kiếm được nhiều tiền, Liễu càng suy tính việc kiếm được nhiều hơn nữa để thỏa mãn nhu cầu của một thiếu nữ mới lớn đua đòi.

Sau mấy phi vụ còm cõi, Liễu tìm đường lên các địa bàn ở tỉnh khác như Mộc Châu, Sơn La tìm mua ma túy với giá mềm rồi lén lút vận chuyển về bán tại địa bàn với số lượng ngày càng lớn. Chưa dừng lại ở đó, Liễu còn lôi kéo những người thân của mình vào con đường phạm tội mà thị đã tiên phong dẫn đường. Kết quả, “tập đoàn ma túy gia đình” của thị dựng lên cũng nhanh chóng lọt vào tầm mắt của cơ quan điều tra. Lần lượt các thành viên đắc lực nhanh chóng phải “dọn nhà” vào sau song sắt. Bắt đầu từ mẹ Liễu là Đỗ Thị Thơi nhập vào Trại giam Tân Lập, tiếp đó chị gái Nguyễn Thị Huê rồi các em trai Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Văn Phấn, Nguyễn Văn Hòa nối gót nhau vào nhà giam.

 

Chân dung các bà mẹ bị bắt giữ trong các đường dây ma túy.

Đối tượng Nguyễn Thị Thúy Liễu cũng chịu chung kết cục khi thị bị bắt quả tang trong một lần giao dịch. Tuy nhiên, do đang phải nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên Liễu được tạm hoãn thi hành án. Nhận thấy cơ hội từ chính sách khoan hồng này của nhà nước, Liễu bắt đầu nung nấu ý định liên tục mang thai và nuôi con nhỏ để tránh thi hành án. Từ đó, thị như một chiếc máy đẻ, hễ thấy con sắp tròn 36 tháng tuổi là y như rằng thị tìm người khác trao thân để mang thai. Thế nên, trong một thời gian ngắn, Liễu đã sinh liền tù tì 4 đứa con săm sắp nhau.

Mặc dù đang nợ án, nhưng không vì thế mà Liễu cải tà quy chính, thị càng hoạt động mạnh mẽ hơn. Đến ngày 31/1/2009, Liễu bị Công an tỉnh Phú Thọ "sờ gáy" nhưng dù bị tuyên phạt 3 năm tù giam thì kết cục thị vẫn chưa phải vào trong cánh cửa nhà tù vì vẫn đang nuôi con nhỏ. Thêm vào đó, việc bắt quả tang hành vi mua bán hay thu thập chứng cứ phạm tội của Liễu cũng hết sức khó khăn.

Thiếu tá Phan Anh Tuấn cho biết, là một đối tượng lọc lõi nên Liễu đã khéo léo lôi kéo nhiều người thân thích xung quanh để biến họ thành những người cảnh giới trung thành, đường vào nhà Liễu lại chỉ có một con đường độc đạo nên khi có bóng dáng của người lạ xuất hiện là y như rằng thông tin này được cấp báo cho Liễu, thế nên dù đã có lần ập vào nhà thị nhưng chưa lần nào cơ quan điều tra tìm được chứng cứ phạm tội của thị.

Nhẫn tâm hơn, để che đậy hành vi phạm tội của mình, Liễu còn sử dụng con cái mình vào các phi vụ mua bán, vận chuyển ma túy. Phương thức của Liễu là khi có hàng, Liễu không trực tiếp bán mà cho hai con trai giao dịch. Mọi mua bán đều được thực hiện qua điện thoại. Đến giờ hẹn, con trai Liễu sẽ mang hàng ra, nhận tiền mang về. Có lúc, heroin được giấu ở gốc cây, dưới viên gạch, bãi cỏ, khách mua hàng sẽ tự đến lấy. Cháu Ngô Đức Hoàng khi đó mới chín tuổi nhưng đã được mẹ huấn luyện nên rất thuần thục trong từng bước giao dịch.

Thậm chí, theo Thiếu tá Phan Anh Tuấn, mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng được đào tạo trong môi trường đầy sự lọc lõi nên các con của Liễu, đặc biệt là cháu Hoàng cũng sớm có những mánh lới riêng. Khi được Thiếu tá Tuấn hỏi, Hoàng còn hồn nhiên tiết lộ: “Mỗi khi đưa thuốc ra cho các chú ấy, cháu lại lén bớt lại một tí, đến khi gom đủ bằng một lần bán khi có người đến mua, cháu bán trực tiếp cho các chú ấy mà không phải vào lấy của mẹ, tiền đó cháu dùng để chơi game”.

Nếu con trai lớn chuyên làm nhiệm vụ “giao dịch viên” cho mẹ thì đứa con nhỏ hơn chưa đầy bốn tuổi cũng bị Liễu trưng dụng làm nhiệm vụ ngụy trang trong mỗi chuyến hàng. Thủ đoạn của Liễu là đóng vai một người mẹ mẫn cán đang đưa con nhỏ đi học, với chiếc cặp của con, khi nhận hàng xong, Liễu liền nhanh tay nhét vào, hoặc quấn quanh người cháu. Nhiều năm trời, Liễu đã bắt đứa con nhỏ của mình đồng hành trong rất nhiều phi vụ trót lọt.

Sinh ra được 4 người con, nhưng vì chỉ coi việc sinh đẻ là mánh lới thoát án đang  treo lơ lửng trên đầu nên Liễu chẳng ngó ngàng gì đến con cái, thị coi con cái như cây cỏ, tự sinh tự dưỡng mà không cần bàn tay chăm sóc của người mẹ. Thế nên, 2 trong 4 người con của Liễu đã chẳng may rơi xuống hố nước cạnh nhà rồi chết đuối. Sự nhẫn tâm của người mẹ này dường như được đẩy lên đỉnh điểm khi hàng xóm của Liễu cho biết, sau khi nghe tin các con chết, Liễu còn buột miệng nói: “Chết cũng được, đỡ mất công nuôi”.

Cũng theo các trinh sát theo dấu đối tượng Nguyễn Thị Thúy Liễu thì việc bám đuôi Liễu không phải là một việc đơn giản. Sau khi chồng phải vào tù vì lái xe gây chết người, Liễu nhanh chóng có một danh sách các thể loại bồ bịch. Một mặt, đây chính là điểm tựa cho thị trong thế giới đầy rẫy hiểm nguy, mặt khác đội ngũ bồ bịch của thị còn là “đối tác” quan trọng giúp thị có thai bất cứ lúc nào để tránh việc phải thụ án.

Trong đó, có một đối tượng mà Liễu đặc biệt ưu ái, để có cơ hội gần gũi người tình, Liễu không tiếc tiền mua cho gã một chiếc xe khách chuyên chạy tuyến đường dài có giá gần một tỉ đồng. Thế nên, mỗi khi thấy Liễu lên đường là các trinh sát phải bám theo, nhưng vì sợ lộ nên tất cả đều phải đi bằng xe máy, có những chuyến đi xuyên đêm với quãng đường hơn 200km là những ký ức không thể nào quên của những người lính tham gia chuyên án này. “Có lần tôi và một đồng chí nữa đèo nhau bám theo, vì mất ngủ nên có lúc người cầm lái đã loạng quạng suýt nữa đâm vào vỉa đá ven đường” – Thiếu tá Tuấn kể. Còn khi đến đích, cả Liễu và người tình rủ nhau vào khách sạn vui vẻ, ngược lại các trinh sát phải mật phục ở bên ngoài chờ đợi.

Tuy nhiên, chiêu bài có thai, nuôi con của Liễu rồi cũng đến lúc mất tác dụng vì dù có là một cỗ máy đẻ đi chăng nữa thì máy cũng phải có lúc nghỉ ngơi. Đó chính là lúc thời cơ chín muồi để tổ công tác quyết định cất vó. Sáng 1/5/2011, như thường lệ, Liễu cùng chị gái Nguyễn Thị Huê và con trai bắt xe khách về Bến xe Mỹ Đình, rồi bắt taxi ngược lên Sơn La chuẩn bị nhập hàng. Cùng lúc đó, một tổ trinh sát cũng được lệnh bí mật bám theo.

Đến Mộc Châu, một mình Liễu vào nhà Sồng A Dê (bản Co Tang, xã Loóng Luông) mua 6 bánh heroin với giá 930 triệu đồng. Khi tới cầu Phong Châu, Tam Nông (Phú Thọ), Công an tỉnh Phú Thọ và Cục CSĐT tội phạm về ma túy lập tức bủa vây bắt giữa Liễu và Huê đang vận chuyển sáu bánh heroin. Khám xét nhà Liễu thu một máy ép heroin, hai cân tiểu ly. Chiếc máy ép này do Sồng A Dê tặng Liễu để đề phòng khi vận chuyển bánh heroin về tới nhà bị vỡ, có thể ép lại để tiêu thụ.

Ngay sau đó, Dương Thị Bẩy ở cùng xã Yên Nội, là mắt xích quan trọng trong đường dây tiêu thụ hàng của Liễu bị bắt. Khai thác nóng các đối tượng, lần lượt các chân rết trong đường dây bị bắt giữ, đa số trong đó là con nghiện, có tiền án về tội trộm cắp, buôn bán ma túy. Riêng đối tượng Hà Anh Tuấn ở phường Nam Thành, TP. Điện Biên, lái xe khách tuyến Điện Biên - Vĩnh Phúc (bồ của Liễu) bị bắt về tội không tố giác tội phạm. Với chiến công này, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 4 cá nhân thuộc Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - Công an tỉnh.

Đến tháng 2/2012, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47) Công an tỉnh Phú Thọ đã kết thúc điều tra đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy do Nguyễn Thị Thúy Liễu cùng 31 bị can khác gây ra trên địa bàn Phú Thọ và một số tỉnh lân cận.

 

 

Mang bầu, sinh con để “né án”

Không coi thiên chức sinh đẻ làm vũ khí “né” án, nhưng đối tượng Nguyễn Thị Tuyết (48 tuổi) ở xã Thanh Châu, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) lại định hướng cho những đứa con của mình bước theo con đường tội lỗi mà thị đang bước. Sở hữu một khuôn mặt ưa nhìn, sau khi lấy chồng là Phạm Xuân Thuật, Tuyết liền tỉ tê với chồng về con đường làm ăn sao cho nhanh giàu mà đỡ phải vất vả. Con đường đó chính là mua ma túy về xé lẻ rồi bán cho các con nghiện ở xung quanh.

Để hoạt động được trôi chảy, Tuyết cũng huy động các con mình làm nhiệm vụ cảnh giới cho bố mẹ “làm việc”, khi có động chính những đứa con của thị đang hồn nhiên chơi bóng, chơi trốn tìm ở xung quanh lập tức biến thành những chân rết đắc lực loan báo cho bố mẹ kịp thời tẩu tán tang chứng. Tiếp đến, cũng giống như đối tượng Nguyễn Thị Thúy Liễu, Tuyết huấn luyện cho các con làm trung tâm vận chuyển ma túy từ mẹ ra cho các con nghiện tìm đến. Khi thiếu nhân lực, Tuyết còn bắt con mình cắt nhỏ những ống nhựa thường dùng để uống giải khát, cho heroin vào rồi hơ lên lửa, hàn kín 2 đầu. Khi các con đã biết mặt tiền, mỗi ngày Tuyết lại giao cho một nắm heroin để thay nhau bán. Đứa nào đi học sáng thì chiều bán, còn ai học chiều thì sáng phải có nhiệm vụ canh cổng, bán ma tuý cho con nghiện, chỉ tiêu mà Tuyết giao cho các con là làm sao mỗi ngày mỗi đứa phải bán được 50 gói heroin.

Năm 2003, Tuyết bị bắt quả tang khi đang buôn bán ma túy. Hết thời gian thụ án, Tuyết lập tức quay lại đường cũ. Lại đi tù, nhưng lần này, chưa thụ án được bao lâu, Tuyết được cho về vì bị ung thư. Được thể, Tuyết tiếp tục lao vào bán ma túy ngày một công khai, trắng trợn hơn. Công an đành bắt Tuyết đi tù và lần này thị đã chết tại bệnh viện do ung thư phổi trong khi còn nợ ba bản án với 23 năm tù giam. Mẹ chết, con gái Tuyết là Phạm Thị Nhung trước đó đã bỏ học để bán ma túy cùng mẹ nên cũng sớm kế nghiệp đấng sinh thành một cách xuất sắc. 14 tuổi, Nhung lấy Lê Văn Dụ, một kẻ “có sừng có mỏ” trong nghề buôn bán ma túy, đến năm 15 tuổi Nhung đã sinh con đầu lòng.

Nhà Nhung được thừa kế lại từ mẹ khá thuận tiện cho việc đi lại, có nhiều ngõ ngách thông nhau và gần cả quốc lộ 1A lẫn đường 21B nên con nghiện từ Hoà Bình, Ninh Bình hay dưới Nam Định, Thái Bình lên, chỉ cần đi bộ một đoạn là tới chỗ bán ma tuý. Trước đó, để bán ma tuý, mẹ Nhung đã cho xây tường bao và chiếc cổng khá kiên cố. Ở bên ngoài, muốn đột kích vào nhà Nhung rất khó vì trong nhà nuôi một đàn chó dữ, tường có chăng dây thép gai và được nối trực tiếp với nguồn điện. Cổng chính bao giờ cũng im ỉm khóa nên con nghiện muốn mua ma tuý chỉ việc thò tay qua lỗ khoá, đưa tiền vào là có ma tuý đưa ra.

Tháng 1 năm 2011, khi chồng bị đột tử, trong thời gian bị truy nã, Nhung cũng bị bắt khi đang bán ma túy cho con nghiện nhưng lợi dụng được cho về khám bệnh, thị lập tức bỏ trốn. Bị truy nã toàn quốc, Nhung sống chui lủi nhưng vẫn không bỏ nghề bán ma túy để rồi khi bị bắt, thị ta đã kịp “tậu” được cái bụng bầu to tướng mà tác giả không ai khác chỉ là đám con nghiện vãng lai. Vợ chồng những người em của Tuyết như Nguyễn Thị Hiền – Nguyễn Văn Bừng; Nguyễn Thị Hậu – Hoàng Thiên Quang và Nguyễn Đình Tựa – Hoàng Thị Thủy đều là những gia đình ma túy đầy “chiến tích”.

Góp mặt vào danh sách những người mẹ coi con cái là lá chắn còn phải kể đến đôi vợ chồng “tâm đầu ý hợp” Lê Văn Minh (45 tuổi) – Lê Thị Ngoạn (47 tuổi) ở thôn Bảo Lộc 2, xã Thanh Châu, Phủ Lý (Hà Nam). Hoạt động mua bán trái phép chất ma túy từ lâu đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hà Nam, nhưng với vỏ bọc khéo léo của mình, việc bắt quả tang hành vi mua bán của đôi vợ chồng này không phải là điều dễ dàng. Bởi vợ chồng y luôn sử dụng hai đứa con nhỏ là Lê Thị Trang (12 tuổi) và Lê Văn Hiệp (15 tuổi) làm trung gian để bán lẻ ma túy. Chúng chia ma túy thành những gói nhỏ rồi cho hai con thay nhau bán suốt ngày đêm. Nhà Minh được thiết kế như một chiếc lô cốt “bất khả xâm phạm”, tường bao bên trên cắm thủy tinh và cũng được chăng dây thép gai có đấu điện, cửa sắt hầu như không bao giờ mở, chỉ để hở một ô nhỏ đưa ma túy ra bán cho con nghiện.

Phải đến ngày 30/6/2010, sau khi nghiên cứu kỹ địa bàn và thủ đoạn phạm tội của Minh và Ngoạn, Đội CSĐT tội phạm về ma túy, CATP Phủ Lý mới bắt quả tang đôi vợ chồng này đang cùng hai con đang bán ma túy. Nhưng do Ngoạn còn 3 đứa con nhỏ, trong đó đứa nhỏ nhất mới 16 tháng tuổi nên thị được tại ngoại. Lợi dụng sự khoan hồng của pháp luật, Ngoạn lại cùng hai con tiếp tục bán ma túy. Ngày 5/9/2010, nhân lúc bọn trẻ đi khai giảng năm học mới, Ngoạn phải chường mặt ra bán nên các trinh sát dễ dàng bắt quả tang. Khi bị bắt, do Ngoạn đang mang bầu đứa con thứ 5 nên chỉ có Minh, chồng của chị ta phải vào trại tạm giam, còn Ngoạn được tại ngoại nhưng vẫn tiếp tục bán ma túy với số lượng nhiều hơn trước.

Đến cuối tháng 5/2011, Ngoạn tiếp tục bị bắt khi đang bán ma túy cho con nghiện, hai đứa con của Ngoạn cũng được đưa lên lấy lời khai. Theo hai cháu thì mỗi ngày chúng được bố mẹ giao cho khoảng 100 gói heroin để bán. Hiền học buổi chiều thì sáng bán, còn em Hiền là cháu Trang, sáng đi học, chiều về tranh thủ “giúp bố mẹ” bán ma túy.

Kết thúc chuyên án, cháu Nguyễn Văn Hiền (14 tuổi) con trai lớn của vợ chồng Minh - Ngoạn đã được cơ quan Công an đề nghị đưa đi trường giáo dưỡng nhằm mục đích uốn nắn dạy bảo để Hiền tránh xa môi trường ma túy, không theo vết xe đổ của bố mẹ. Tuy nhiên, với một quãng thời gian dài được “định hướng” buôn ma túy từ nhỏ của những đấng sinh thành, khó ai có thể tin tưởng một cách chắc chắn rằng Hiền sẽ gột rửa được hết những hành vi tội lỗi mà bàn tay thơ ngây của em đã sớm nhúng chàm. Tuy nhiên, như các chiến sĩ ở Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - Công an Tỉnh Hà Nam thì việc được tách ra khỏi môi trường nuôi dạy của cha mẹ cũng đã mở ra cho em một lối thoát để tìm được con đường sáng trong cuộc đời dài của mình.

Cách không xa địa bàn Hà Nam, các cơ quan điều tra cũng từng phải đau đầu bởi sự nở rộ của các bà bầu liên tục sinh con để né án. Tiêu biểu như đối tượng Trần Thị Hậu ở đường Trần Huy Liệu, phường Năng Tĩnh, Nam Định, với 11 đứa con lẫn cháu lít nhít đầy nhà nên mặc dù bị bắt quả tang hành vi phạm tội, nhưng Hậu vẫn được hoãn thi hành án 10 năm tù để chăm sóc lũ nhỏ. Sau khi bắt rồi lại thả Trần Thị Hậu chưa được bao lâu, Công an lại bắt tiếp Nguyễn Thị Hà cũng là một "nữ quái" đang buôn bán chất ma túy, nhưng cũng giống như “đồng nghiệp” của mình, Hà đã kịp mang bầu trước đó.

Một gương mặt khác là Trần Thị Oanh (35 tuổi) ở phường Quang Trung (Nam Định) đã lĩnh án 9 năm tù giam, nhưng cứ đến thời gian thi hành án thì Oanh lại mang bụng chửa vượt mặt nên đành phải... hoãn. Với ba đời chồng, Oanh có ba đứa con nhỏ. Được ở nhà nuôi con nhỏ, Oanh lại tích cực buôn bán ma tuý, hễ cứ động đến chuyện bắt giam hoặc thi hành án là y như rằng Oanh lại trình diện cơ quan chức năng với cái bụng chửa từ một người đàn ông bất kỳ nào đó. Vậy là các cơ quan pháp luật đành phải... thua. Cùng cảnh như Oanh còn có vô số các "nữ quái" kiểu đó ở Nam Định.

Nói về những đối tượng này, Thiếu tá Phan Anh Tuấn (Công an tỉnh Phú Thọ) chua chát: “Cũng là cha của hai đứa nhỏ, tôi không thể hiểu được vì sao lại tồn tại những người cha, người mẹ như thế trong xã hội, có cảm giác con cái với họ chỉ như phương tiện mà thôi, tình mẫu tử luôn là thứ yếu, thậm chí không được tính đến”. Tâm sự của đồng chí Tuấn cũng là ý nghĩ chung của nhiều người khi chứng kiến những hành động tội lỗi của những đối tượng trong các chuyên án kể trên. Bởi lẽ, khi đã coi thiên chức người phụ nữ và quyền làm mẹ là một thứ vũ khí để ngụy trang thì không có gì lạ khi chúng lại dấn thân sâu vào một cái nghề chuyên đi gieo rắc cái chết trắng cho xã hội


CSTC
.