(Congannghean.vn)-Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân mà còn liên quan tới đạo đức xã hội, thế nhưng, vì lợi nhuận, nhiều cá nhân và cơ sở kinh doanh thực phẩm đã bất chấp các chuẩn mực đạo đức để sản xuất, kinh doanh trái pháp luật, thu lợi bất chính. Qua công tác đấu tranh với các cá nhân và cơ sở này cho thấy, trên địa bàn Nghệ An vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở vi phạm với mức độ nghiêm trọng.
Nghệ An là tỉnh đông dân cư, đồng thời là trung tâm đầu mối tiếp nhận, chuyển giao các loại thực phẩm, hàng hóa. Trong số đó, có không ít hàng hóa là thực phẩm độc hại, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đang được sử dụng khá phổ biến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Theo số liệu của Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường Công an tỉnh, hiện trên địa bàn Nghệ An, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chỉ mới kiểm soát được khoảng 15.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, vẫn còn hàng nghìn cơ sở hoạt động tự do, chưa được đăng ký, quản lý về cơ sở, tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, vệ sinh môi trường và phòng chống nhiễm khuẩn.
Thực phẩm “bẩn” được vận chuyển đi tiêu thụ bằng xe khách bị phát hiện và tiêu hủy |
Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An, còn tồn tại một số vi phạm trong lĩnh vực VSATTP, chủ yếu được chia thành 3 nhóm: Vi phạm các quy định về sản xuất, chế biến thực phẩm, được cụ thể hóa ở các loại hình như dùng chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, tạo nạc, đưa tạp chất bẩn vào thực phẩm; sử dụng hóa chất, chất bảo quản, phụ gia quá mức cho phép; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Nhóm vi phạm luật và các quy định về kinh doanh thực phẩm, nổi bật là mua bán các loại thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng và quá hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về nhãn mác, bao bì.
Nhóm thứ 3 là những vi phạm về quy định bảo vệ môi trường, chủ yếu trong các lĩnh vực không thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đã cam kết, không xử lý theo quy định gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Thực hiện đợt cao điểm tấn công truy quét tội phạm, Phòng Cảnh sát PCTP về Môi trường đã tổ chức nhiều đợt ra quân, qua đó, phát hiện và xử lý 63 vụ việc vi phạm pháp luật về VSATTP, trong đó đáng chú ý là khám phá, bóc gỡ một đường dây cung cấp thực phẩm “bẩn”, kém chất lượng tồn tại trong nhiều năm qua trên địa bàn phường Đông Vĩnh, TP Vinh. Đường dây này đã sản xuất hàng trăm tấn giò sử dụng thực phẩm “bẩn”, chất tẩy công nghiệp, chất tạo màu, tạo mùi và chất keo dính độc hại.
Cũng trên địa bàn TP Vinh, tại các phường Lê Mao và Đội Cung, đã phát hiện, xử lý hàng chục tấn măng tươi sử dụng quá hàm lượng lưu huỳnh để bảo quản, măng được chế biến thành thực phẩm trong môi trường độc hại, nhiễm bẩn kéo dài nhiều năm và đã đưa ra thị trường tiêu thụ hàng trăm tấn. Trước đó, đã phát hiện hàng nghìn kg nội tạng gia súc, gia cầm và trứng thối rữa, kém chất lượng được nhập lậu; xử lý, tiêu hủy kịp thời trước khi đưa ra tiêu thụ. Báo động hơn, tại xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương, có một nhóm đối tượng chuyên bơm nước bẩn, nhiễm kim loại nặng, có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vào thịt bò tại các lò mổ tập trung, với mục đích làm tăng trọng lượng của thịt để kiếm lời bất chính kéo dài trong nhiều năm. Qua đấu tranh, nhóm đối tượng trên đã bị phát hiện và triệt xóa.
Để giảm bớt các vi phạm trong lĩnh vực trên, trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCTP về Môi trường Công an tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động điều tra, xử lý tội phạm vi phạm trên lĩnh vực VSATTP, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện việc xã hội hóa công tác phòng, chống tội phạm và đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân để từ đó, từng bước đảm bảo sự trong sạch, lành mạnh trên lĩnh vực đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay.
.