Thứ Ba, 03/03/2020, 10:17 [GMT+7]

Nghe 'tin đồn' học phí 30 triệu, dân cấp tập học lái xe

Trước "tin đồn" học phí đào tạo cấp giấy phép lái xe (GPLX) sẽ tăng từ 20 - 30 triệu đồng vào cuối năm nay, nhiều người dân đổ xô đi học lái xe khiến học viên tại các trung tâm đào tạo tăng đột biến. 

Hoang mang về quy định mới

Thông tin về việc tăng 2-3 lần học phí, thời gian học nhiều hơn và đương nhiên, việc sát hạch trở nên khó khăn hơn khiến không ít người đang có dự định học để được cấp GPLX hoang mang, lo lắng. Bởi nếu như thông tin trên là sự thật, họ sẽ phải bỏ ra một số tiền lớn; quan trọng hơn, người học lái xe sẽ phải trải qua chương trình đào tạo lý thuyết và thực hành ngặt nghèo, khó khăn hơn so với thời điểm hiện tại.

Lâm Thế Anh (20 tuổi) - sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội - cho biết: “Bố mẹ khuyên em đi học lái xe ngay trong thời gian này vì đang rảnh. Lý do quan trọng khác là nếu để đến cuối năm thì có thể học phí sẽ tăng cao và việc thi lấy GPLX sẽ khó hơn”.

Chị Hoàng Minh Phương (42 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Hiện nay, nhiều trung tâm tăng học phí cả khoá khoảng 2 - 3 triệu so với năm ngoái. Tôi sợ sau này thi sẽ khó hơn, nên dù đắt bất thường, tôi vẫn đăng ký học và đóng trọn gói luôn”. Theo chị Phương, đây là số tiền “chấp nhận được” để nhanh chóng có cho mình GPLX trước khi quy định mới được áp dụng.

Nghe 'tin đồn' học phí 30 triệu, dân cấp tập học lái xe
Thi sát hạch lái xe sẽ khó hơn trước

Khi liên hệ với người đàn ông tên H., giáo viên một trung tâm đào tạo lái xe có tiếng của Hà Nội, ông H. cho hay, hiện nay số lượng người đến đăng ký rất đông, nếu đăng ký học ngay thì cũng phải cuối năm mới được thi. Học phí trọn gói mà trung tâm đưa ra thời điểm này là 10 triệu đồng.

Ông H. còn gợi ý: “Nếu ngại học ý thuyết, muốn đỗ 100% thì lúc đấy (trước thời gian thi lý thuyết – PV) đưa thêm 1,5 – 2 triệu nữa. Đăng ký thời gian này còn đỡ chứ nếu để đến cuối năm học phí tăng cao mà thi khó hơn nhiều”.

Trên thực tế, nguồn gốc của thông tin tăng học phí thi bằng lái ô tô bắt nguồn từ những quy định mới trong Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành ngày 08/10/2019 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (Thông tư 38).

Theo nội dung Thông tư 38 nói trên, mỗi học viên phải học tất cả các phần: Lý thuyết, đạo đức người lái xe, cấu tạo sửa chữa xe, nghiệp vụ vận tải, kỹ thuật lái xe, học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, lái xe trên cabin tập lái, lái xe trên đường giao thông. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đang có một số đề án nâng số câu hỏi lý thuyết từ 450 lên 600 câu hỏi, nhưng chưa có thời hạn áp dụng cụ thể.

Chính những quy định mới được bổ sung theo hướng siết chặt chương trình đào tạo, sát hạch bằng lái ô tô dẫn đến tâm lý lo lắng, đối phó của nhiều người. Điều này khiến trong thời gian qua, rất nhiều người đổ xô đi đăng ký học lái xe để “chạy lịch”. Cũng không loại trừ, một số trung tâm đào tạo lái xe cố tình “thổi” thông tin nhằm hút được nhiều người đăng ký học hơn.

Siết chặt đầu ra là cần thiết

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Lương Duyên Thống – Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) khẳng định, không có việc giá học phí lái xe ô tô tăng đến mức vài chục triệu đồng.

“Hiện nay, mức học phí của mỗi người học lấy bằng lái B2 chỉ từ 7-8 triệu đồng và hoàn toàn không có chuyện học phí tăng lên 30 triệu. Việc có thông tin tăng mức học phí chỉ là chiêu trò đồn thổi để dụ dỗ người học trước khi Thông tư 38 có hiệu lực”, ông Thống nói.

 “Học phí đào tạo đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 72/2011/TTLT-BTV-BGTVT của liên bộ Tài chính và GTVT, đã giao cho các cơ sở đào tạo tự xây dựng và công bố mức học phí đào tạo. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại thì nội dung đào tạo cũng như chi phí về ô tô tập lái, xăng dầu, trả lương cho giáo viên…chưa có gì thay đổi lớn”. – ông Thống thông tin.

Trao đổi với ông Nghiêm Xuân Đỉnh – Phụ trách đào tạo Trung tâm Đào tạo lái xe LOD Hà Nội, việc chi phí học và sát hạch cấp GPLX trong thời gian tới sẽ không thay đổi nhiều. Khi Thông tư 38 được áp dụng triệt để, trung tâm có thể điều chỉnh đôi chút học phí do thời gian học lý thuyết và đặc biệt là thực hành tăng lên 1.000 – 1.100 giờ/người đối với hạng B1, B2 và C (trước đây là từ 340 – 752 giờ/người). Mức tăng này chỉ vào khoảng 20 – 50%

Tuy vậy, ông Đỉnh cho biết, đến nay, Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra thời gian áp dụng đại trà cho các trung tâm, do đó trong thời gian tới sẽ chưa có sự thay đổi gì về chương trình học cũng như học phí.

Ông Nghiêm Xuân Đỉnh cũng nhận định, việc người dân đi học quá đông sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng đào tạo. Nếu tâm lý học viên là học cho xong, lấy bằng lái xe để “chạy đua” với thời gian thì chất lượng đào tạo không thể cao được.

“Theo kinh nghiệm dạy lái xe của tôi trong hơn 15 năm qua, chỉ có khoảng 20% số học viên sau khi lấy GPLX là có thể áp dụng thực tế ngay, còn lại 80% học là…cho có. Lái xe là một kỹ năng cần trau dồi thường xuyên, nếu chỉ học để đấy thì sau một quãng thời gian mới lái xe ra đường sẽ khó có thể an toàn được” – ông Đỉnh chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ban hành Thông tư 38 là hết sức cần thiết nhằm góp phần loại bỏ tình trạng học qua loa, cắt xén chương trình; lái xe thiếu kỹ năng, kém đạo đức khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Nhất là trong thời gian qua có quá nhiều người sau khi được cấp GPLX nhưng vẫn không nắm rõ kỹ năng lái xe và luật giao thông đường bộ, dẫn tới nhiều vụ tai nạn thương tâm.  

Đã đến lúc, GPLX chỉ nên cấp cho những ai thực sự xứng đáng!

.

Nguồn: Nguyễn Hoàng/Vietnamnet