Trong khi xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, thì ở trong nước, một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong những ngày vừa qua là hoạt động lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản, cho các địa phương có dịch, gặp nhiều khó khăn.
Tại cuộc họp ngày 23/2 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19, khi bàn về kết nối tiêu thụ hàng hoá của Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Bộ Công Thương đã làm việc với các nhà tiêu thụ lớn, họ đã sẵn sàng, nhưng hiện đang gặp khó khăn trong khâu tổ chức lưu chuyển (hiện mỗi tỉnh làm một cách khác nhau cho nên rất vướng).
Những ngày vừa qua, hoạt động lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản của Hải Dương gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nhân Dân |
Theo Bộ Công Thương, nếu không giải quyết được các khó khăn, vướng mắc này thì chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng, thậm chí bị đứt gãy, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương.
Liên quan vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu – một chuyên gia về công tác chống dịch, cho rằng việc một số địa phương “bế quan toả cảng” là không đúng. Bởi cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành văn bản quy định “hàng rào kỹ thuật” để bảo đảm việc thông thương hàng hoá trong điều kiện phòng chống dịch bệnh. Ông đề nghị các địa phương cần nghiên cứu quy định của Trung ương đã ban hành để áp dụng đúng, tránh “ngăn sông cấm chợ”, ảnh hưởng tới sản xuất, dân sinh.
Thực tế, với vị trí trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hải Dương có quy mô GDP hiện đứng thứ 11 trong toàn quốc, với nguồn thu ngân sách vượt mốc 20.000 tỷ đồng từ năm 2019 và từ năm 2017, Hải Dương là một trong 16 tỉnh, thành phố tự cân đối thu, chi và có đóng góp với ngân sách Trung ương.
Công tác phòng chống dịch nhất định sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất kinh doanh, đó là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, có một thực tế khác rất cần lưu ý, đó là trong năm 2020, thương mại quốc tế của Việt Nam tuy bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước, qua đó giúp Việt Nam xuất siêu 19,1 tỷ USD, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước.
Sang năm 2021, cả xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam đều có sự khởi đầu ấn tượng. Lũy kế từ đầu năm đến 15/2, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 38,46 tỷ USD, tăng mạnh gần 36,9% so với cùng kỳ 2020, tương đương con số tăng thêm hơn 10 tỷ USD. Còn tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 35,7 tỷ USD, tăng hơn 7 tỷ USD so với cùng kỳ 2020, tương đương gần 25,3%.
Thực tế này cho thấy, nếu chúng ta có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh trong điều kiện bình thường mới với các đối tác quốc tế, thì cũng hoàn toàn có thể có các giải pháp phù hợp để bảo đảm lưu thông hàng hóa trong nước. Tình trạng bình thường mới, theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.
Năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hạ quyết tâm tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” và muốn thực hiện điều này thì càng trong khó khăn, càng phải nỗ lực, “khó khăn gấp đôi thì nỗ lực gấp ba”. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ đầu tiên sau Tết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cơ quan tiếp tục tham mưu các giải pháp để chỉ đạo điều hành thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau Tết trở lại nhịp điệu bình thường trong bối cảnh có COVID-19.
Thực hiện đúng yêu cầu này, chắc chắn cách tổ chức phòng chống dịch ở địa phương sẽ chủ động hơn, hiệu quả kinh tế hơn. Một điều cần rút ra từ Hải Dương là sự phối hợp ăn ý, đồng bộ, sự chia sẻ và cùng có trách nhiệm giữa các ngành, các địa phương, để chúng ta giữ được nhịp độ phát triển trong tình trạng bình thường mới.
.