(Congannghean.vn)-Kiên định với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, nhiều năm qua, Nghệ An đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ và tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Tỉnh coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và thực hiện liên tục.
Sự phát triển của doanh nghiệp gắn liền với sự vận động, chuyển mình của tỉnh Nghệ An những năm qua |
Mới đây, tại Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2020” do Bộ Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội chiều 25/11, đồng chí Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh một lần nữa khẳng định: Với phương châm hành động “xem vướng mắc của doanh nghiệp là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, từ đó tập trung cùng tháo gỡ”, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt và có tính đột phá để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Kịp thời xử lý, giải quyết những vướng mắc, đảm bảo các dự án hoạt động hiệu quả nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Thúc đẩy các phong trào khởi nghiệp kinh doanh, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Những năm qua, kinh tế Nghệ An tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, tổng sản phẩm tăng đáng kể, các ngành, thành phần, vùng kinh tế đều phát triển khá ổn định. Để đạt được mục tiêu lớn này, có vai trò rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh đã thực hiện trong rất nhiều năm qua. Trước những tác động của dịch COVID-19 đến các doanh nghiệp, Nghệ An bám sát chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định sản xuất phát triển.
Một mặt, thực hiện về hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay; mặt khác, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Cùng với việc thực thi, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp của Trung ương, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chủ động trong nhiều hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường và niềm tin cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong 10 tháng năm 2020, Nghệ An đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.324 doanh nghiệp, tăng 5,1% so với cùng kỳ; tổng số vốn đăng ký 10.953 tỉ đồng, bằng 95,89% cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 494 doanh nghiệp, tăng 2,07% so cùng kỳ năm 2019. Dù còn khá khiêm tốn nhưng những số liệu trên minh chứng nỗ lực cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền nhằm tạo điều kiện đội ngũ doanh nhân kinh doanh, phát triển.
Mới đây, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các Hội doanh nghiệp cắt giảm điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo định hướng tại Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. Các cơ quan, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuộc ngành, địa bàn quản lý; tham mưu duy trì Hội nghị giao ban định kỳ giữa UBND tỉnh với Hiệp hội, các hội doanh nghiệp, doanh nghiệp định kỳ để lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp (có thể tổ chức Hội nghị đột xuất cần phải xử lý ngay các vướng mắc phát sinh); đồng thời, tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa UBND tỉnh với sự tham gia rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (mỗi năm 1 lần).
Công khai đầu mối và thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận kiến nghị của người dân và doanh nghiệp để kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Tổ chức tiếp nhận và tập trung giải quyết triệt để các kiến nghị của doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là vai trò của người đứng đầu; nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu và việc thực thi chế độ công vụ của cán bộ, công chức. Kiên quyết xử lý, thay thế cán bộ, công chức trì trệ, thiếu trách nhiệm, uy tín thấp, năng lực công tác hạn chế, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, có biểu hiện gây phiên hà, sách nhiễu doanh nghiệp, người dân. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…
UBND tỉnh đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các Hội doanh nghiệp, doanh nhân phát huy vai trò là cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp, kịp thời đề xuất các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kịp thời xem xét, giải quyết, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
.