Thứ Sáu, 27/11/2020, 08:26 [GMT+7]

Thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ

(Congannghean.vn)-Để thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chủ trương đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước, các thành phần kinh tế và toàn dân. Trong đó phải kể đến vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, một bộ phận không thể tách rời trong hệ thống nền kinh tế, góp phần chuyển dịch lao động, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi địa phương.
Kinh tế tư nhân góp phần tạo công ăn việc làm,                                                               thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Kinh tế tư nhân góp phần tạo công ăn việc làm, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Kinh tế tư nhân là khu vực kinh tế nằm ngoài quốc doanh (ngoài khu vực kinh tế nhà nước), bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó tư nhân nắm trên 50% vốn đầu tư. Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khẳng định: "Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Bám sát định hướng của Đảng và  Nhà nước ta, những năm qua, Nghệ An đã ban hành những chính sách ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư trên địa bàn, từng bước tạo ra thế và lực trên con đường phát triển của mình. Để hỗ trợ kinh tế tư nhân, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc tạo môi trường thuận lợi về thể chế chính sách, về khoa học công nghệ, về cải cách hành chính, về đào tạo nguồn nhân lực…  
 
Qua thời gian, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn cho giá trị sản xuất của tỉnh, các hiệp hội và tổ chức kinh tế ở Nghệ An ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Số liệu thống kê cho thấy, trong bối cảnh khó khăn cùng với việc thực hiện nhiều chính sách về thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thu ngân sách 10 tháng năm 2020 ước thực hiện 13.077,71 tỉ đồng, đạt 85,9% dự toán, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Trong 10 tháng năm 2020 (tính đến 15/10/2020), Nghệ An đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 1.324 doanh nghiệp, tăng 5,1% so với cùng kỳ; tổng số vốn đăng ký 10.953 tỉ đồng, bằng 95,89% cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 494 doanh nghiệp, tăng 2,07% so cùng kỳ năm 2019.
 
Có thể thấy, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ở đâu cũng có sự xuất hiện và vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, dù ngày càng phát triển nhưng không thể phủ nhận một thực tế, doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh ta chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu kinh doanh thương mại, sửa chữa nhỏ. Cùng với đó, trình độ công nghệ vẫn còn chậm đổi mới; năng suất lao động, tính liên kết không cao; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế thấp… Đó không chỉ là thực trạng chung tại các doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh mà còn là “bài toán” với các doanh nghiệp tư nhân trên toàn quốc. Vì thế, việc tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển, không chỉ dựa vào sự tự lực, tự cường của doanh nghiệp mà còn rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp. Trước hết, cần thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân cho mọi cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và mọi người dân. Để mọi người đều cần hiểu rõ vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, từ đó, chung tay sát cánh cùng đội ngũ doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 
 
UBND tỉnh vừa có Công văn số 6419 gửi các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, quan tâm đến việc tái cơ cấu doanh nghiệp khu vực tư nhân nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ những bất ổn (đặc biệt là vấn đề dịch Covid-19 vừa qua) theo hướng đa dạng hóa về nguồn hàng, khách hàng và thị trường, nhất là đối với doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh như vận tải, du lịch, nông sản xuất khẩu và các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo phụ thuộc nguồn nguyên, vật liệu từ nước ngoài.
 
Cùng với đó, tăng cường triển khai Chính phủ điện tử, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tiếp tục đẩy mạnh tiếp cận thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp, đặc biệt là cơ chế tham gia ý kiến của các doanh nghiệp tư nhân đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả đối với các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Các Sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Đề án cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (tại Quyết định số 2575/QĐ-UBND ngày 13/7/2012 của UBND tỉnh. Cùng với đó, tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ về Hỗ trợ và Phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Kế hoạch hành động của UBND tỉnh cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. 
.

NHƯ BIỂN - TUỆ TRANG

.