Chủ Nhật, 29/11/2020, 09:14 [GMT+7]

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm

(Congannghean.vn)-Xác định trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thiên tai, lũ lụt, các ngành và doanh nghiệp đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh kích cầu vào những tháng cuối năm, từ đó, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng
Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng
Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ ki-ốt tạp hóa tại phường Trường Thi vừa tất bật giao hàng cho khách, vừa trả lời những thắc mắc của người mua qua hệ thống online. Vài tháng trở lại đây, mức tiêu thụ của cửa hàng chị đã bắt đầu hồi phục và khởi sắc trở lại. “Mình chỉ mong dịch bệnh chấm dứt, trở lại cuộc sống bình thường để mọi người yên tâm sản xuất, kinh doanh. Để chủ động nguồn hàng cho những tháng cuối năm, mình đã liên hệ những cơ sở quen thuộc từ các năm trước. Dù không hy vọng bán như năm 2019 nhưng bản thân vẫn lạc quan là mọi chuyện sẽ ổn định hơn”, chị Hoa cho biết. Qua khảo sát tại một số siêu thị và cửa hàng cho thấy, doanh thu trong 10 tháng năm 2020 đã bị sụt giảm từ 10 - 30% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đó là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp, địa phương. Song trong những tháng gần đây, dịch bệnh đã được kiểm soát nên mức tiêu thụ, mua sắm cũng đã có những chuyển biến tích cực.
 
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các kênh phân phối hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị, hiện hàng hóa luôn dồi dào, giá cả được giữ ổn định. Hầu hết các đơn vị đã chuẩn bị lượng hàng hóa tích trữ khá dồi dào để phục vụ tiêu dùng những tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021. Các mặt hàng khá đa dạng, trong đó ưu tiên các sản phẩm với mức giá bình dân. Nhiều siêu thị đã hạn chế các mặt hàng nhập khẩu, cao cấp (rượu, bánh nhập khẩu) và tăng các sản phẩm thiết yếu với mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp còn tổ chức nhiều chương trình để kích cầu tiêu dùng như: Mở các chương trình khuyến mãi, sử dụng hệ thống tích điểm, tặng quà khi mua nhiều sản phẩm, tăng thời gian bảo hành sản phẩm, giảm phí giao hàng...
 
Sở Công Thương Nghệ An đang đẩy mạnh phối hợp với các địa phương để mở các hội chợ, tổ chức nhiều chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kết nối với các doanh nghiệp đưa hàng hóa về nông thôn, miền núi. Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2020, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An tổ chức phiên chợ hàng Việt về miền núi - Nghệ An năm 2020 tại các huyện Tân Kỳ, Đô Lương. Hội chợ được tổ chức  tại huyện Đô Lương từ ngày 12 - 14 tháng 12/2020, tại huyện Tân Kỳ từ ngày 16 - 18/12/2020.  Trong đó, ngay trong tháng 11, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Nam Định đã kết nối thành công việc đưa các sản phẩm của tỉnh Nghệ An vào chuỗi cửa hàng của Hiệp hội nông nghiệp sạch, siêu thị Minmart và ngược lại các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng sẽ được kết nối tiêu thụ tại thị trường Nghệ An.
 
Nhằm kích cầu tiêu dùng, nhiều chuyến hàng lưu động cũng được tổ chức thường xuyên tại các địa phương. Để đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường dịp cuối năm, Nghệ An cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị chức năng và chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động có phương án đảm bảo cung cầu hàng hóa, đặc biệt là ở các dịp cao điểm, tập trung cung cấp thông tin dự báo thị trường, giá cả các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Sở Công Thương.
 
Trong khi đó, các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất để kích cầu tín dụng cuối năm, trong đó có việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người tiêu dùng trực tiếp. Theo ý kiến của các chuyên gia tài chính, đợt giảm lãi suất lần này rất có ích cho người tiêu dùng trực tiếp góp phần bán chạy hàng hóa, doanh nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của mình trên thị trường. Ngoài ra, đây là thời điểm cuối năm, nhu cầu tăng trưởng rất cần thiết, nhất là sau một thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc giảm lãi suất kích cầu tiêu dùng mà ngân hàng thực hiện càng có ý nghĩa hơn - Lợi ích kép cho người tiêu dùng và cho chính doanh nghiệp.
.

NHƯ BIỂN - TUỆ TRANG

.