Sự phát triển của một con người cũng như của một dân tộc không bao giờ có nếu như thiếu hai chữ khát vọng.
GS. TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nêu ra góc nhìn của mình trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về câu chuyện huy động nguồn lực và thổi bùng khát vọng đưa đất nước phát triển, nhân bài viết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có tựa đề “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”.
Thế mạnh từ nguồn lực con người Việt Nam
“Khi đọc bài viết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi thấy đây là một cách tiếp cận toàn diện, nói về một vấn đề tương đối cốt lõi. Đó là làm sao huy động được tất cả mọi nguồn lực cho sự phát triển”, GS. Vũ Minh Giang nói.
“Nguồn lực ở đây không thể hiểu một cách đơn giản hay đơn lẻ được mà bao gồm cả nguồn lực trí tuệ, nguồn lực con người. Chúng ta đã có những thành công nhưng cũng có không ít những điều mà nếu còn tiếp tục thì sẽ đi tới những nguy cơ ngay phía trước. Chính vì vậy, xem xét sự phát triển của đất nước cho đến hôm nay theo cách tiếp cận từ bài viết của Thủ tướng, phải rà soát lại xem mô hình phát triển của chúng ta hiện nay cần điều chỉnh cái gì, cần phải bổ sung cái gì cả về thể chế, cả về nguồn lực cho sự phát triển đó”, ông Giang phân tích.
Phát triển bền vững theo lý thuyết quốc tế hiện nay sẽ theo ba trụ cột: Xã hội, kinh tế và môi trường. Nhân bài viết của Thủ tướng, GS. Giang cho rằng, “có lẽ chúng ta phải hình dung sự phát triển của một quốc gia ổn định bền vững phải như một toà lâu đài hoành tráng mà ở đó tạo ra rất nhiều nguồn lực đất nước cần”.
“Ba trụ cột đã nói ở trên rất đúng mà không cần thêm một trụ nào nữa, nhưng cần thêm nền móng, chính là văn hoá và một toà mái che đỡ, chính là thể chế.
Đã đến lúc chúng ta cần phải coi văn hoá như nền tảng, như bệ đỡ của sự phát triển bền vững. Ở đây, tôi rất tâm đắc với điều Thủ tướng nói tới là phải khai thác nguồn lực con người. Bởi vì văn hoá là sáng tạo của con người”, GS. Vũ Minh Giang nhận xét.
Chúng ta phải bắt đầu từ nhận thức, phải coi văn hoá là nền tảng cho phát triển bền vững. Sau đó chúng ta mới đặt vấn đề khai thác, phát huy thế nào. Văn hoá là cái gene xã hội của một cộng đồng. Trong thời đại ngày nay, nhân tố con người đóng vai trò quan trọng, quyết định đến sự thành bại của đất nước. Vì thế việc chăm lo, đầu tư, phát triển văn hóa-giáo dục cần phải được quan tâm hơn bao giờ hết, GS. Vũ Minh Giang nhấn mạnh.
GS. TSKH Vũ Minh Giang |
Chúng ta cũng nhìn lại lịch sử, nhìn rộng ra các nước trên thế giới, rất nhiều nước thành công từ bản sắc riêng của mình. Ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc… đều phát triển trên nền văn hoá của họ, tiếp thu tinh hoa của thế giới theo cách của họ.
Cùng mạch tư duy đó, ý tưởng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài viết nhấn mạnh tới việc phải chú ý rất nhiều đến lợi thế cạnh tranh khi chúng ta khai thác nguồn lực con người, khai thác văn hoá của người Việt Nam.
Chúng ta nhìn về lịch sử Việt Nam, một dân tộc không may rơi vào ách nô dịch của một đế chế có nền văn minh vào hạng nhất thế giới, đó là văn minh Hán, mà sau hơn một nghìn năm lại trở lại đúng là mình, lại trở lại thành một dân tộc độc lập. Đó là hiện tượng “có một, không hai” trong lịch sử thế giới. Điều gì đã tạo nên sự kiên định, tạo nên sức mạnh đến mức không thể lý giải được của người Việt Nam để vượt qua được những thử thách vô cùng hiểm nghèo như thế?
Rồi đến việc cả thế giới quy phục trước vó ngựa của quân Mông Cổ, đi đến đâu cỏ không mọc đến đấy, nhưng đế chế Nguyên Mông lại ba lần thua Đại Việt. Thất bại lần thứ ba của Nguyên Mông trước Đại Việt vào năm 1288 đã khiến họ từng bước suy vong, đi đến tan rã.
Rồi trong thời kỳ hiện đại, chúng ta cũng đã có những kỳ tích trong chống ngoại xâm và có những thành tựu đáng khâm phục trong phát triển kinh tế ở thời kỳ đổi mới.
Vậy thì con người Việt Nam có những nguồn lực gì để chúng ta có thể phát huy, khai thác trong bối cảnh hiện nay?, GS. Vũ Minh Giang phân tích.
Theo GS. Vũ Minh Giang, người Việt Nam có một tố chất đặc biệt, đó là sự linh hoạt. Trong thời đại ngày nay, thời đại Công nghiệp 4.0, liên quan tới công nghệ số, liên quan tới thông tin điều khiển… thì sự linh hoạt là tố chất quan trọng hàng đầu. cách đây mấy thế kỷ, chúng ta không nhảy lên được “đoàn tàu công nghiệp” vì lúc đó cần sự kỷ luật, cần quy trình chặt chẽ trong khi người Việt Nam yếu những điều đó.
Nhưng hiện nay, nếu chúng ta đến những Thung lũng Silicon, hay Ấn Độ - những nơi làm phần mềm công nghệ thông tin hàng đầu thế giới sẽ thấy rất nhiều người Việt Nam làm việc ở đó. Ngoài sự nhanh nhẹn, thông minh thì tính cách mềm dẻo, linh hoạt đang là thế mạnh của người Việt Nam.
Không thể thiếu hai chữ khát vọng
GS. Vũ Minh Giang cho rằng để đất nước phát triển, tiến lên mạnh mẽ, quan trọng hơn cả là khát vọng và quyết tâm của con người Việt Nam.
Sự phát triển của một con người cũng như của một dân tộc không bao giờ có nếu như không có hai chữ khát vọng. Vì vậy, khát vọng phải hiểu như là động lực bên trong, nội lực tự sinh để đẩy người ta phấn đấu vươn lên. Một dân tộc đã từng có những kỳ tích trong lịch sử, Việt Nam đã chiến thắng trong tất cả các cuộc chiến với các siêu cường trên thế giới, tuy nhiên, nếu không có khát vọng, không có mục tiêu rõ ràng thì đất nước khó có thể phát triển mạnh mẽ.
“Chúng ta đã có giai đoạn xây đường băng, mua được máy bay, giờ chúng ta phải cất cánh bay lên, đó mới là giai đoạn mới. Hình như lịch sử Việt Nam đang ở giai đoạn đủ hết các yếu tố để cất cánh bay lên bầu trời. Bây giờ cần hơn bao giờ hết khát vọng bầu trời, bay ra biển lớn. Khi đã có đầy đủ mọi thứ nhưng muốn có sự phát triển mang tính chất bứt phá thì khát vọng mang tính chất quyết định”, GS. Vũ Minh Giang nhấn mạnh.
“Tôi hiểu ý của Thủ tướng, nếu chúng ta cứ giữ giai đoạn phát triển vừa vừa, với cái bẫy thu nhập trung bình, thì mãi mãi chỉ đủ ăn đủ mặc vừa vừa. Muốn bay lên, không thua kém ai, thì phải có khát vọng, có động lực để thúc đẩy dân tộc đi tới”, GS. Giang nói.
Bên cạnh đó, theo GS. Vũ Minh Giang, để phát huy sức mạnh nguồn lực con người, chúng ta cần phải có cơ chế, chính sách đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, phải tạo ra được những phong trào tập thể, kêu gọi sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để mỗi người ý thức rõ hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân đối với Tổ quốc.
Đội ngũ nhân tài là bộ phận tinh hoa của nguồn nhân lực. Bởi vậy, công tác nhân tài cần được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, liên hoàn và đồng bộ, bao gồm đầy đủ các khâu: Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng.
Theo GS. Giang, các nước khác khi có những thành tựu ngoạn mục đưa đất nước đi lên đều có chiến lược sử dụng nhân tài một cách khoa học. Nhân tài là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tiến bộ xã hội, dân tộc, cộng đồng, là lực lượng tổ chức, tiên phong, quyết định tốc độ, trình độ, chất lượng phát triển của mỗi quốc gia. Vì vậy, việc phát hiện và phát triển nhân tài là vấn đề hết sức cần thiết trong tiến trình phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
.