Sau hơn 2 năm Nghị quyết 10 Hội nghị Trung ương 5 về Kinh tế tư nhân (NQ 10) có hiệu lực, dù chủ trương của Chính phủ là tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, song thực tế, nhiều vướng mắc vẫn “níu” chân khối doanh nghiệp (DN) này.
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chứng kiến nhiều thành quả của nền kinh tế, đặc biệt 2018 là năm thứ 4 liên tiếp có số DN thành lập mới với số vốn kỷ lục, trong đó có vai trò của khối DN tư nhân. Tư nhân đang tạo ra khoảng hơn 42% GDP, nhiều DN đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường và được người dân tin tưởng. Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020 có 1 triệu DN tư nhân, năm 2030 sẽ có 2 triệu DN.
Đây là một mục tiêu cần nhiều cố gắng bởi rất nhiều DN mới thành lập nhưng cũng có nhiều DN giải thể. Mặc dù điều này hoàn toàn là bình thường khi có một tỉ lệ nhất định DN bị loại ra khỏi thị trường, song trách nhiệm của Nhà nước là nâng đỡ những DN có tiềm năng lớn mạnh, hoạt động đúng pháp luật, có trách nhiệm với xã hội.
Trên thực tế, còn nhiều cơ chế, chính sách đang cản trở hoạt động của DN. Không ít lần DN phải chờ 3-5 năm để xin mặt bằng mở một trung tâm bán lẻ. Có lần xin được, thì cơ hội thị trường qua mất. Nhưng có lần chờ đợi cũng như không có hi vọng.
Theo chuyên gia kinh tế- TS. Nguyễn Đình Cung thì hệ thống pháp luật của chúng ta chưa thực sự rõ ràng, còn thiếu cụ thể, chưa tiên liệu trước được, nên các công chức từ trung ương đến địa phương có những quyền rất lớn can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN.
“Đến nay đã là hơn 2 năm NQ 10 có hiệu lực, kinh tế tư nhân không chỉ còn là “một trong những động lực”, mà đã nâng lên là “một động lực quan trọng” của nền kinh tế. Sự thay đổi nhận thức đó phải đánh đổi bằng nhiều chục năm. Nhưng khi đã có nghị quyết, thì để nghị quyết đi vào thực tiễn sẽ không thể đánh đổi lâu hơn nữa. DN phải là người hiến kế chủ chốt, là lực lượng quan trọng để thúc đẩy quá trình thể chế hóa NQ 10”, TS Nguyễn Đình Cung nói.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn FLC cho rằng, dù NQ 10 đã thay đổi nhận thức đối với vai trò của kinh tế tư nhân nhưng chưa xóa được sự bất bình đẳng giữa DN tư nhân với DN nhà nước và FDI. Ví dụ, khi DN tư nhân làm ăn thua lỗ, sẽ lập tức phá sản, trong khi DN nhà nước sẽ được tái cơ cấu, giãn nợ,… điều đó khiến nợ công ngày càng tăng cao.
Cùng với đó, về cơ chế, chính sách với DN tư nhân cũng chưa được đảm bảo sự công bằng so với DN nhà nước; DN tư nhân khó khăn hơn rất nhiều trong việc tiếp cận các nguồn lực vốn, đất đai,…
Cũng theo bà Dung, khó khăn nữa là công tác cải cách hành chính. Dù Chính phủ đã cắt giảm được rất nhiều thủ tục hành chính, nhưng mới chỉ là cắt giảm về số lượng, còn thời gian thực hiện thủ tục hành chính vẫn chưa được cải thiện, vẫn quá dài đối với DN. Sự kéo dài này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ quy trình nội bộ của các cơ quan nhà nước.
Ngoài ra các quy định của các văn bản pháp luật hiện nay còn thiếu nhất quán. Đặc biệt quy định giữa Luật và Nghị định, nhiều văn bản hướng dẫn còn nhiều mâu thuẫn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư ở các địa phương cũng như cơ hội đầu tư của DN.
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Đình Hoàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái cho rằng, theo quy định thì các tỉnh đều yêu cầu phải đấu thầu, khiến các DN phân phối bán lẻ lại phải dồn rất nhiều nguồn lực, tiền để mà mua đất.
Vô tình các công ty bán lẻ lại trở thành công ty bất động sản- rất mệt mỏi và mất nhiều thời gian, chưa kể những chi phí không chính thức. Đáng nói hơn, dù chủ trương cắt giảm 50% thủ tục hành chính để hỗ trợ DN, nhưng dù là giảm 50, 60% hay nhiều hơn thế cũng khó có hiệu quả nếu thời gian cho mỗi thủ tục vẫn cứ lê thê.
Trước những khó khăn này, lấy ý kiến từ phía DN để xây dựng chính sách là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” lần đầu tiên được Đảng và Nhà nước tổ chức với quy mô lớn và rộng khắp để lắng nghe ý kiến từ mọi khu vực DN với tinh thần xóa bỏ mọi rào cản bất hợp lý trong phát triển sản xuất kinh doanh và lấy DN là mục tiêu, là trung tâm của các cơ chế, chính sách.
DN hiểu rõ hơn ai hết đời sống kinh doanh và mình cần gì. Do đó, việc DN tham gia xây dựng, điều chỉnh cơ chế, chính sách và cải thiện môi trường kinh doanh là quyền lợi và trách nhiệm của DN. Đảng và Nhà nước luôn không ngừng tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động và phát triển. Đây là chủ trương nhất quán và tinh thần cốt lõi được nhiều DN đồng tình trong cuộc vận động DN, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế.
Sau gần 1 tháng phát động, hiện đã có một số DN đầu tiên chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để tham gia cuộc vận động. Bởi đây là cơ hội mà ý kiến của họ được Đảng và Nhà nước trực tiếp lắng nghe, thay vì phải qua nhiều tầng nấc như các diễn đàn, hội thảo trước đây. TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, VCCI sẽ huy động tổng lực để góp ý cho các chủ trương chính sách hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
“Cuộc vận động này chính là cơ hội để cho lực lượng chủ lực trong việc xây dựng kinh tế đất nước nói lên suy nghĩ của mình, góp ý với Đảng xây dựng thể chế và môi trường kinh doanh. Đây là "Hội nghị Diên Hồng" về kinh tế để DN, người dân có thể hiến kế với Đảng, Nhà nước để phát triển kinh tế”, TS Vũ Tiến Lộc nhận định.
.