Chúng ta đã có những “vũ khí mạnh” trong cuộc chiến chống COVID-19 và giành chiến thắng qua các “trận đánh” mỗi khi dịch quay trở lại. Nhưng, để có chiến thắng toàn cục trước “sát nhân vô hình” này, có lẽ cần thêm vũ khí mạnh nữa là vaccine, để thực sự 100 triệu người là 100 triệu lá chắn trước COVID-19.
Tiêm chủng có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ngày nay cả thế giới phải công nhận cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vaccine. Thành tựu y học này đã giúp hàng tỷ người trên thế giới tránh khỏi cái chết do những đại dịch hoành hành từ thế kỷ 17 trở về trước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải có vaccine COVID-19 trong tháng 2. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Kể từ khi bắt đầu triển khai từ năm 1985, tiêm chủng mở rộng được xem là chương trình y tế quốc gia thành công nhất, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao. Đơn cử, theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận trường hợp bại liệt hoang dại trong năm 2020 và là năm thứ 20 Việt Nam bảo vệ thành công thanh toán bệnh bại liệt. Đây cũng là năm thứ 15 Việt Nam duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh. Trên cả nước không địa phương nào ghi nhận dịch sởi, rubella. Số trường hợp mắc sởi trong 11 tháng năm 2020 (1.136 ca) giảm mạnh so với năm 2019 (14.156 ca), số mắc rubella thấp (46 ca), góp phần quan trọng khống chế hội chứng rubella bẩm sinh, căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và sự phát triển của trẻ sơ sinh. Hiện nay Việt Nam đã tự sản xuất được hầu hết các vaccine sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
“Chống dịch như chống giặc”, mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, với tấm lá chắn “5K” (khẩu trang - khử khuẩn -khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế”, nhưng có lẽ chúng ta cần sớm có vũ khí mang tên vaccine khi mầm bệnh vẫn đang lẩn khuất trong cộng đồng mà mỗi lần trở lại là nguy hiểm hơn, thách thức hơn.
Tuy nhiên, dịch bệnh cũng thử thách sức chịu đựng của nhân dân, thách thức sức chịu đựng của nền kinh tế, chúng ta càng quyết tâm nhiều hơn nữa, dũng cảm nhiều hơn nữa để đẩy lùi dịch bệnh. Ngay tại cuộc họp đầu tiên trong năm mới Tân Sửu (vào mùng 4 Tết), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ quan điểm sớm đưa vaccine về Việt Nam phục vụ người dân, “trong lúc này, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ” và đặt mục tiêu, trong tháng 2 này phải có được vaccine. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng không quên nhắc việc đẩy mạnh sản xuất vaccine trong nước. Thủ tướng cho biết, nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương sẵn sàng đóng góp kinh phí để mua vaccine.
Trước đó, tại Hội nghị y tế toàn quốc vào tháng 1/2021, cho rằng dịch bệnh COVID-19 còn tiếp tục kéo dài, chưa xác định được thời điểm kết thúc, Thủ tướng nêu rõ, phải thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch, thông điệp 5K của Bộ Y tế, đồng thời phải đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu vaccine.
Trong năm 2020, năm Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN và đảm nhận vai trò Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, được mời tham dự nhiều sự kiện, diễn đàn khu vực và quốc tế, lãnh đạo Chính phủ nước ta luôn đề cập đến vấn đề vaccine. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 trực tuyến vào tháng 11/2020, hay có Thông điệp nhân dịp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua sáng kiến của Việt Nam với nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều kêu gọi việc tiếp cận bình đẳng, bảo đảm người dân ở mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có thể tiếp cận vaccine và thuốc điều trị COVID-19 với giá cả hợp lý. Tiếp một số đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam trước thềm Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, Thủ tướng bày tỏ, Việt Nam mong muốn sớm nhận được vaccine của Chương trình COVAX. Chính phủ Việt Nam cam kết, nỗ lực phân phối công bằng, miễn phí, sử dụng hiệu quả vaccine cho người dân.
Dự Phiên thảo luận trực tuyến cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 17/2/2021, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cần coi vaccine là tài sản chung của cả cộng đồng quốc tế và kêu gọi các nước tăng cường đóng góp cho Cơ chế COVAX để có thể phân phối vaccine rộng rãi tới các nước đang phát triển và người dân trong khu vực xung đột.
Tại phiên họp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư sáng 18/2, các thành viên cũng đã cho ý kiến về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cơ bản đồng ý với Tờ trình của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế về chủ trương mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân Việt Nam. Kinh phí mua, vận chuyển, bảo quản, sử dụng chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Việc mua, sử dụng vaccine được thực hiện trong điều kiện khẩn cấp và áp dụng mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật, theo các khuyến cáo của WHO và của nhà sản xuất. Giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tổ chức tốt việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Với nỗ lực của bộ, ngành liên quan, dưới sự chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vào cuối tháng 2 này, Việt Nam sẽ có những liều vaccine nhập khẩu đầu tiên, là một trong những nước ở Đông Nam Á tiếp cận vaccine COVID-19 tương đối tốt.
Chúng ta đã được báo chí quốc tế ca ngợi về thành công trong chống COVID-19, khi một quốc gia không quá mạnh về kinh tế, với cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn hiện đại, song đã phòng chống đại dịch COVID-19 bằng cách quản lý rất tỉ mỉ và có tổ chức, thể hiện được vai trò bảo vệ của Nhà nước đối với người dân. Chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn SARS-CoV-2 theo cách rất nhân văn. Có thể tin tưởng rằng vaccine COVID-19 sẽ sớm về Việt Nam và được phân phối một cách nhân văn như vậy. Thêm lá chắn vaccine, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của chúng ta sẽ thực sự “công thủ toàn diện”, bảo đảm an toàn nhất cho nhân dân.
.