TS. Bruce Richman, Giám đốc điều hành và sang lập Tổ chức Prevention Access Campaign khẳng định, Việt Nam là hình mẫu trên thế giới với nỗ lực dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thùy Chi |
Ngày 6/8, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế phối hợp với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tổ chức hội thảo "Không phát hiện = Không lây truyền" (K=K).
Tại hội thảo, TS. Bruce Richman khẳng định, K=K làm thay đổi cuộc đời với tất cả những người sống chung với HIV/AIDS; xóa bỏ kỳ thị HIV; khuyến khích xét nghiệm HIV và thêm động lực để bắt đầu và điều trị, chăm sóc.
TS. John Blanford, Giám đốc CDC Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện có tới 96,1% bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị thuốc ARV để ức chế số lượng virus dưới 200 bản sao/ml, hoặc không thể phát hiện được virus HIV trong máu xét nghiệm tải lượng virus, và có hiệu quả phòng ngừa lây truyền HIV qua quan hệ tình dục.
TS. John Blandford khẳng định, qua ba nghiên cứu mới đây với hàng nghìn cặp bạn tình và hàng nghìn hành vi tình dục không sử dụng bao cao su hoặc dự phòng tiền phơi nhiễm HIV, không có trường hợp nào lây truyền sang bạn tình khi bản thân dương tính HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng.
Cũng theo TS. John Blandford, người nhiễm HIV sẽ mất khoảng 6 tháng để đạt được tải lượng virus không phát hiện. Điều này có nghĩa, người nhiễm HIV uống thuốc ARV hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ để đạt và duy trì tải lượng virus không phát hiện thì sẽ không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục...
Nói về kế hoạch chiến dịch quốc gia K=K và sự tham gia của các đối tác, BS. Đỗ Hữu Thủy, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, Việt Nam có tỷ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới. Hiện cả nước có 135.000 bệnh nhân đang điều trị ARV và có thể sử dụng K=K mở rộng độ bao phủ điều trị.
BS. Đỗ Hữu Thủy nhấn mạnh, mục tiêu của chiến dịch trong thời gian tới là nâng cao nhận thức của cộng đồng, bao gồm cả người cung cáp dịch vụ về nội dung và ý nghĩa của K=K. Từ đó thay đổi quan niệm nhiễm HIV không còn là “án tử hình”, mà là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và quản lý được…
Để thúc đẩy sự hiểu biết của công chúng về Điều trị với mục đích dự phòng (TasP), Tổ chức Prevention Access Campaign đã phát triển chiến dịch K=K. Mục tiêu của chiến dịch K=K là tăng cường nhận thức về mối quan hệ giữa sự ức chế virus và lây truyền HIV qua đường tình dục. Cụ thể, những người uống thuốc ARV hang ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ không thể lây truyền HIV sang bạn tình của họ.
Theo Prevention Access Campaign, thông điệp K=K giúp cải thiện cuộc sống của người sống chung với HIV bằng việc giảm nỗi sợ lây truyền qua đường tình dục, giảm kỳ thị HIV, khuyến khích tuân thủ điều trị và tăng cường các nỗ lực vận động để tiếp cận phổ cập với điều trị HIV. Khoảng 850 tổ chức từ 97 quốc gia đã chia sẻ thông điệp K=K cho đến nay và chiến dịch đã được dịch sang hơn 25 ngôn ngữ.
.