Thứ Ba, 21/04/2020, 10:19 [GMT+7]

Kẻ cầm đầu đường dây mạo danh lừa đảo qua điện thoại đầu thú sau 4 năm lẩn trốn

(Congannghean.vn)-Sau gần 4 năm lẩn trốn ở nước ngoài, mới đây, Nguyễn Văn Phi, kẻ cầm đầu đường dây lừa đảo qua điện thoại đã ra đầu thú, trình diện cơ quan Công an. Đây là đối tượng đã chỉ đạo thực hiện hàng loạt các vụ lừa đảo qua điện thoại, chiếm đoạt hàng tỉ đồng vào cuối năm 2017. Đồng bọn của Phi đã bị bắt và xét xử trước đó. 
 
Chân dung kẻ cầm đầu đường dây lừa đảo
 
Thông tin từ Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng huyện Lục Nam (Bắc Giang) vận động thành công đối tượng Nguyễn Văn Phi (SN 1990) trú tại xã Bảo Đài, huyện Lục Nam ra đầu thú. Nguyễn Văn Phi được xác định là kẻ cầm đầu đường dây giả danh Công an gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phần lớn các nạn nhân của Phi là người ở Nghệ An vào năm 2017. Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Phi, 3 đối tượng khác đã thực hiện 5 vụ lừa đảo qua điện thoại, chiếm đoạt của các nạn nhân hơn 3 tỉ đồng.
Đối tượng Nguyễn Văn Phi tại cơ quan Công an
Đối tượng Nguyễn Văn Phi tại cơ quan Công an
 
Theo tài liệu điều tra, vào tháng 8, tháng 9/2017, Công an Nghệ An liên tiếp nhận được trình báo của 5 người dân về việc bị chiếm đoạt tài sản bằng chiêu thức nhận được điện thoại của nhân viên tổng đài thông báo nợ cước điện thoại. Khi nạn nhân khẳng định không nợ cước viễn thông thì được các đối tượng nối vào số máy có đuôi 113. Một người xưng là cán bộ điều tra Bộ Công an, thông báo nghi ngờ những người này liên quan đến hoạt động rửa tiền, mua bán trái phép chất ma túy và yêu cầu bí mật chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng cho chúng để phục vụ điều tra kèm theo lời cam kết sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền khi kết thúc điều tra. Tin lời các đối tượng, 5 nạn nhân đã chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng. Tổng số tiền mà các nạn nhân bị chiếm đoạt bằng thủ đoạn này là 3,3 tỉ đồng.
 
Từ tin báo của quần chúng nhân dân, Phòng Cảnh sát Hình sự đã xác lập chuyên án, sử dụng đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm manh mối các đối tượng. Các đối tượng này được xác định là người ở tỉnh Bắc Ninh. Ngày 3/9/2017, Phòng Cảnh sát Hình sự lần lượt bắt giữ Phạm Đình Luận (SN 1993), Nguyễn Hữu Thu (SN 1991) và Phạm Đình Phi (SN 1999), đều trú tại xã Hương Mỹ, huyện Lương Tài, Bắc Ninh. Kết quả đấu tranh, lời khai của các đối tượng cho thấy kẻ cầm đầu đường dây này là Nguyễn Văn Phi (anh họ của vợ Luận), thời điểm đó Phi đang ở nước ngoài. 
 
Vụ việc được làm rõ như sau, Nguyễn Văn Phi nhờ Luận tìm người mở các tài khoản ngân hàng rồi bán cho Phi với giá 3 triệu đồng/thẻ. Sau khi có thẻ ATM, Nguyễn Văn Phi gọi điện cho Luận, Phạm Đình Phi và Thu dặn khi nào có tiền chuyển vào các tài khoản ngân hàng thì rút tiền mặt gửi cho Phi. Nhóm Luận, Thu và Phạm Đình Phi sẽ được nhận 20% số tiền đã rút khỏi thẻ. Mọi bước trong quá trình lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Văn Phi thực hiện, Luận, Thu và Phạm Đình Phi không biết. Sau khi các nạn nhân chuyển tiền cho mình, Phi chỉ đạo và hướng dẫn cho các đối tượng này rút tiền từ các tài khoản ATM để chuyển cho mình. Các đối tượng được hưởng phần trăm từ số tiền đó. 
 
Sau khi đồng bọn của Phi bị bắt, tháng 11/2018, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa xét xử các đối tượng. Theo đó, Phạm Đình Luận bị tuyên phạt 15 năm tù, Nguyễn Hữu Thu 14 năm tù và Phạm Đình Phi 8 năm tù. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố bị can và ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Văn Phi. Sau nhiều năm lẩn trốn, được cơ quan chức năng vận động, mới đây Phi trở về địa phương và ra đầu thú. Hiện nay, Phòng Cảnh sát Hình sự đang điều tra, làm rõ vụ việc.
 
Thêm nhiều nạn nhân mới “sập bẫy”
 
Thủ đoạn mạo danh cán bộ cơ quan Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản không hề mới, tuy nhiên, thời gian gần đây, thủ đoạn này tiếp tục rộ lên và diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn quốc. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, tâm lý lo sợ của người dân khi bị liên lụy đến pháp luật, các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn từ các nạn nhân này. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần (từ 8 - 15/4), đã có thêm nhiều nạn nhân ở Nghệ An bị các đối tượng mạo danh là Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Mới đây, bà T.T.N. trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh bị lừa đảo chiếm đoạt hơn nửa tỉ đồng. 
 
Theo nội dung tố giác tội phạm của bà N. tại Phòng Cảnh sát Hình sự, ngày 1/4, bà nhận được cuộc điện thoại giới thiệu nhân viên bưu điện thông báo có gói bưu phẩm nhưng nhân viên không liên lạc được để giao. Đầu dây bên kia hỏi bà có cần mở ra để xem trước không? Bà N. đồng ý để người kia mở gói bưu phẩm thì được thông báo đây là giấy triệu tập của Công an TP Hà Nội về việc bà nợ ngân hàng 45 triệu đồng, đã quá hạn nhưng không trả nên phía ngân hàng gửi đơn tố cáo lên Công an.
 
Bà N. hốt hoảng kể lại sự việc: “Khi tôi khẳng định không nợ tiền ngân hàng thì người này bảo sẽ nối máy trực tiếp đến đường đây nóng của Công an TP Hà Nội cho tôi làm việc với điều tra viên thụ lý vụ việc. Ngay sau đó, người đàn ông xưng là điều tra viên thuộc Công an TP Hà Nội nói chuyện với tôi. Anh ta đọc 1 dãy số rồi hỏi tôi có phải số CMND của tôi hay không. Tôi xác nhận đúng thì anh ta bảo Công an đang điều tra đường dây mua bán ma túy và rửa tiền lên đến 7 tỉ đồng, liên quan đến tôi. Anh ta cũng thông báo, hiện Công an TP Hà Nội đã có lệnh bắt khẩn cấp và phong tỏa tài sản của tôi để điều tra”.
 
Theo đó, người đàn ông tự xưng là Công an yêu cầu bà N. giữ bí mật để không ảnh hưởng đến gia đình và đưa ra 2 lựa chọn hoặc là bị bắt và phong tỏa tài sản, hoặc nộp tiền để điều tra, trả lại sự trong sạch. Người này cũng quả quyết rằng, sau kết thúc điều tra, số tiền này sẽ được cơ quan điều tra trả lại cho bà N.. Lo sợ không muốn dính líu đến pháp luật, dù không làm gì khuất tất nhưng bà N. vẫn một mực tin theo chọn phương án thứ 2, chuyển toàn bộ số tiền cho cơ quan Công an.
 
Sau khi bà N. đồng ý, người đàn ông đã hướng dẫn bà N. “nộp tiền cho cơ quan điều tra” qua zalo và đề nghị bà N. kết bạn zalo để làm việc. Qua zalo, người này cung cấp số tài khoản yêu cầu bà N. chuyển tiền vào và liên tục dặn “tuyệt đối bí mật” để phục vụ điều tra. Như bị thôi miên, bà N. răm rắp thực hiện theo hướng dẫn của người này. Theo đó, bà N. tuyệt đối giữ bí mật với mọi người trong gia đình và âm thầm chuyển tiền cho đối tượng. Theo đó, từ ngày 1 - 8/4, bà N. đã 11 lần chuyển vào tài khoản của “cán bộ điều tra” tổng số tiền 545 triệu đồng.
 
Đến ngày 9/4, sau khi bà N. chuyển hết số tiền hiện có thì bà cũng không liên lạc được với “cán bộ điều tra” đó. Tá hỏa vì biết mình bị lừa, bà N. đã thú nhận với chồng và đến cơ quan Công an trình báo. Trước đó, ngày 8/4, Phòng Cảnh sát Hình sự cũng đã tiếp nhận trình báo của chị N.T.T. (TP Vinh) với thủ đoạn tương tự. Tuy nhiên, chị T. đã kể lại cho người nhà và được người nhà kịp thời ngăn chặn và thông báo cơ quan Công an. 
 
Thiếu tá Hà Huy Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Đây là giao thức truyền giọng nói qua internet (VoIP), số điện thoại các đối tượng dùng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiển thị đầu số có đuôi 113 giống số của Công an khiến người dân dễ mắc lừa và gây khó khăn cho Công an trong việc xác minh, truy tìm cuộc gọi. Chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều về phương thức, thủ đoạn này để người dân cảnh giác; tuy nhiên, vẫn rất nhiều người dân mắc bẫy và bị lừa với số tiền lớn. Mỗi người dân cần tỉnh táo, nâng cao tinh thần cảnh giác, không bị rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. 
.

Huyền Thương

.