(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy học, nhiều trường học trên địa bàn huyện miền núi đưa nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc bằng những cách làm sáng tạo, thiết thực, giúp các em hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, qua đó, thể hiện sự tự tôn dân tộc mình và tôn trọng các dân tộc khác.
Cứ vào sáng thứ 2, thứ 5 hàng tuần và dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS Con Cuông, huyện Con Cuông đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nếp sinh hoạt này đã được nhà trường duy trì từ nhiều năm nay, không chỉ giúp các em ghi nhớ đặc điểm hoa văn, họa tiết, mà còn hiểu được ý nghĩa của từng bộ trang phục.
Học sinh Trường THCS Trà Lân, huyện Con Cuông giao lưu với Nghệ nhân Ưu tú Lê Hoàng |
Cô Hoàng Thị Huyền, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Phổ thông DTNT THCS Con Cuông cho biết, trường có 328 học sinh, trong đó 95% là học sinh dân tộc Thái, còn lại là con em người Kinh, cho nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được nhà trường đặc biệt chú trọng. Những năm qua, để bảo tồn văn hóa dân tộc Thái, nhà trường các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đội cho các em học sinh tập hát các làn điệu dân ca; tham gia các trò chơi dân gian như ném còn, nhảy sạp... Trong trường thành lập câu lạc bộ (CLB) bảo tồn cồng chiêng, dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân dân gian, CLB hoạt động hiệu quả, tham gia nghiên cứu khoa học cấp huyện, dự thi cấp tỉnh, Trung ương đạt nhiều giải thưởng cao.
Bên cạnh đó, trường lồng ghép các nội dung bảo tồn văn hóa dân tộc trong các tiết học như âm nhạc, mỹ thuật, ngữ văn... Vào các ngày lễ lớn của đất nước, của ngành, học sinh được tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ với nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mình, như được thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc Thái, đánh cồng, chiêng... Ngoài ra, Liên đội tổ chức phát thanh măng non, song song hai thứ tiếng Việt và Thái, phát huy bản sắc riêng của dân tộc Thái. “Thông qua các buổi ngoại khóa, sinh hoạt Đội ở trường giúp cho học sinh nhận thức sâu sắc về văn hóa của dân tộc mình, tạo sân chơi, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh. Qua đó, giúp các em có điều kiện được giao lưu, trao đổi học tập, nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc và nỗ lực học tập tốt để sau này đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp”, cô giáo Hoàng Thị Huyền nhấn mạnh.
Những ngày này, tại các Trường THCS trên địa bàn huyện Con Cuông tổ chức rất nhiều các hoạt động nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tại Trường THCS Mậu Đôn, nhà trường tổ chức sinh hoạt CLB kỹ năng “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái” trong học sinh. Các em được tham gia đánh cồng chiêng, khắc luống, nhảy sạp... giao lưu văn hóa, văn nghệ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Tại Trường THCS Trà Lân, thầy giáo Nguyễn Huy Chung, Tổng phụ trách đội cũng là giáo viên dạy Âm nhạc cho biết, mặc dù trong trường con em người dân tộc Thái chiếm đại đa số, nhưng các em lại không nói được tiếng Thái. Chính vì vậy, để giúp các em tìm hiểu rõ nguồn gốc tiếng dân tộc mình, cũng như các làn điệu dân ca của dân tộc Thái, vừa qua, Liên đội trường tổ chức sinh hoạt dưới cờ “gặp gỡ nghệ nhân ưu tú nói chuyện về dân ca Thái và ra mắt CLB dân ca Thái”.
Tại đây, các em được giao lưu với Nghệ nhân Ưu tú, Nhạc sĩ Lê Hoàng, được tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ các làn điệu dân ca Thái, nhạc cụ dân tộc của đồng bào dân tộc Thái. Ngoài ra, trường thành lập CLB dân ca Thái với 35 thành viên là các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. CLB do thầy giáo Nguyễn Huy Chung làm chủ nhiệm. Để CLB dân ca Thái của trường mình hoạt động nề nếp, duy trì có hiệu quả, thầy trực tiếp kết hợp với Nhạc sĩ Lê Hoàng để sáng tác một số bài hát về dân ca Thái, đồng thời, đi đến các bản làng, các CLB dân ca Thái để sưu tầm, tìm hiểu các làn điệu dân ca cổ dịch ra lời Việt; với một số lời bài hát phù hợp với lứa tuổi học sinh như nội dung ca ngợi gia đình, quê hương, đất nước, thầy ghi âm lại, sau đó về tập luyện cho các thành viên...
Có thể thấy, việc đưa nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc vào trong trường học đang ngày càng nhân rộng trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các trường học ở địa bàn miền núi. Tùy vào điều kiện tình hình thực tế của mỗi trường học, nhà trường có những cách làm sáng tạo, phù hợp, thiết thực, ý nghĩa. Tin rằng, giáo dục cho thế hệ trẻ là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.
.