(Congannghean.vn)-Xây dựng và phát triển đời sống văn hoá cơ sở, nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, con người Nghệ An, bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đó là một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận tại Hội thảo khoa học: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Nghệ An được tổ chức mới đây.
Câu lạc bộ dân ca Thái bản Cằng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông tập luyện để tham gia biểu diễn văn nghệ tại địa phương |
Tại báo cáo đề dẫn, đồng chí Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, qua 20 năm triển khai thực hiện (2000 - 2020), phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, trở thành một phong trào rộng lớn của quần chúng, thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần nêu gương người tốt, việc tốt, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân trên địa bàn tỉnh.
Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phát huy, nhiều chuẩn mực đạo đức mới được hình thành, các hủ tục từng bước được khắc phục và đẩy lùi. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo. Nhiều phong tục, tập quán văn hóa của đồng bào các dân tộc được sưu tầm, kiểm kê và phục dựng; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm.
Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa được tăng cường: nhiều cơ chế, chính sách bảo đảm cho phát triển văn hóa được ban hành. Ở cơ sở, việc thực hiện quy chế dân chủ, hương ước, quy ước được đảm bảo, người dân hưởng ứng phong trào xây dựng nếp sống văn minh. Việc cưới, việc tang và lễ hội được cải tiến theo hướng trang trọng nhưng tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí. Những tiến bộ về văn hóa có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị, góp phần đưa Nghệ An ngày càng phát triển.
Bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế. Theo đó, hiệu quả, chất lượng các danh hiệu văn hóa ở một số địa phương đạt được còn thấp, chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững; phong trào xây dựng các danh hiệu thi đua ở một số địa phương chưa thực sự được quan tâm, thiếu sự khởi sắc, tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong tham gia xây dựng các danh hiệu văn hóa chưa cao. Tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ma túy, cờ bạc, mê tín dị đoan, bạo lực gia đình, buôn bán trẻ em còn tồn tại đã làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đời sống tinh thần của nhân dân ở các xã đặc biệt khó khăn còn nghèo nàn, đơn điệu. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền chậm được rút ngắn... Từ đó, việc tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là rất quan trọng và cần thiết.
Tại buổi hội thảo, đã có rất nhiều tham luận với những giải pháp xoay quanh các vấn đề như: Lý luận về xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở, bảo tồn văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; các giải pháp nâng cao chất lượng danh hiệu văn hóa, thực sự bền vững, có chiều sâu, phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn 2021 - 2025; việc thực thi pháp luật về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...
Phát biểu tổng kết, đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định: Cùng với việc nghiên cứu lí luận và khảo sát thực tiễn, các tác giả, các đơn vị đã đề xuất giải pháp, các khuyến nghị khoa học cho việc phát huy hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giáo dục, đạo đức, lối sống gia đình, gắn với “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trên cơ sở đó đề xuất những luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chính sách hướng tới xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững trên địa bàn Nghệ An.
.