(Congannghean.vn)-Hơn 50 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về Bác Hồ vẫn in đậm trong tâm thức của ông. Trong dòng hồi tưởng, lâu lâu, ông lại dừng lại, nghẹn ngào không nói nên lời. Không gian năm xưa, những cử chỉ, lời hỏi thăm của Bác trong hai lần Người về thăm quê…, dù lần thứ nhất cách đây đã 53 năm vẫn nguyên vẹn trong tâm trí ông Nguyễn Sinh Quế (82 tuổi), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên.
“Quê hương nghĩa nặng tình cao…”
Nép mình bên sân vận động làng Sen, ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Sinh Quế treo đầy những bức ảnh về Bác Hồ. Trong những bức ảnh ấy, có những tấm là kỷ niệm về 2 lần ông được vinh dự trực tiếp ở trong đoàn tổ chức đón tiếp Bác. Ông bảo, nhìn vào đó, ông sẽ được “gặp” Bác hàng ngày để thỏa niềm mong nhớ, kính yêu với vị cha già của dân tộc.
Ông Quế vẫn còn nhớ: “Lần đón Bác về thăm quê lần thứ nhất là vào năm 1957, khi đó, tôi đang làm nhiệm vụ Thường vụ trực Đảng xã Kim Liên. Tối 15/6, xã nhận được thông tin có vị khách quan trọng về thăm. Khi đó, chưa ai biết đó là Bác Hồ, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn hy vọng và có linh cảm rằng, vị khách đặc biệt đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến sáng 16/6, nhân dân 4 xóm làng trong tập trung tại sân vận động. Trước khi Bác ra gặp bà con nhân dân,
Ông Nguyễn Sinh Quế, người đứng cạnh Bác trong lần Bác về thăm quê lần thứ hai - Ảnh tư liệu |
ông có đề xuất 3 vị trí để Bác nói chuyện với bà con, đó là Nhà thơ họ Nguyễn Sinh, trước cổng nhà Bác và dưới gốc đa làng. Cuối cùng, Bác chọn phương án thứ ba. Trước khi về quê, Bác đã lên thăm đơn vị bộ đội Tây Nguyên đóng trên núi Đụn, rồi quay về quê nội. Người vẫn nhớ như in từng đồ vật trong nhà, từng gốc ổi, hàng cau, bụi chuối, luống khoai lang, dãy chè mạn hảo... đã gắn bó với Người từ thuở ấu thơ. Người đứng lặng trước bàn thờ gia tiên, mắt rưng rưng lệ”.
Ra cổng nhà thờ, Bác chỉ tay vào nhà bên cạnh và nói: “Nhà ni nhà ông Đương ngày xưa khổ lắm, giừ không biết răng”? Ông Quế thưa với Bác: “Giờ cả nhà đều làm ăn khá giả, con cái đều là cán bộ đảng viên”. Bất ngờ, từ nhà bên cạnh, ông Hoàng Điền, hàng xóm với gia đình Bác chạy ra chào Bác và hỏi: “Bác còn nhớ tôi không?”. Bác lấy tay vỗ trán một lúc rồi nói: “Có phải Điền không?”. Ông Hoàng Điền chạy lại ôm chầm người bạn cùng chăn trâu, thả diều thuở ấu thơ rồi bật khóc vì quá xúc động.
Khi đó, cả đoàn đều khóc theo. 50 năm bôn ba tìm đường cứu nước, 50 năm xa quê, nhưng Người vẫn nhớ rõ từng người bạn, từng hoàn cảnh gia đình hàng xóm láng giềng. Sau đó, Bác ra nói chuyện với người dân và mở đầu bằng câu thơ: “Quê hương nghĩa trọng tình cao. Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình…” với giọng Nghệ trầm ấm. Người vui mừng vì khi ra đi, quê hương còn chịu cảnh nô lệ thì nay trở về đã được tự do, đồng bào no ấm. Người dặn: “Kim Liên phấn đấu thành xã kiểu mẫu, Bác sẽ về thăm”.
Đến tháng 5/1961, ông Nguyễn Sinh Quế được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên. Tháng 12/1961, mọi người nhận được tin Bác về thăm quê lần thứ hai. Khi đó, 2 khu di tích quê nội, quê ngoại đã được phục hồi, xung quanh nhà Bác đã trồng cây tươi tốt như thuở Bác còn ở đây. Tuy nhiên, có điều đặc biệt là Bác bất ngờ về thăm làng Trù quê ngoại rồi mới sang quê nội. Ra nhà khách, Bác tự tay rót nước mời các cụ. Lúc đó, sân vận động xã đã chật kín người, hàng vạn người cùng nhau hô vang: “Hồ Chí Minh muôn năm”. Nói chuyện với mọi người, Bác phấn khởi khen xã Kim Liên đã làm tốt lời Bác dạy, trong 3 năm liên tục được Chính phủ tặng 3 Huân chương về tổ đổi công, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và xóa nạn mù chữ. Bác nhắc nhở Ban quản trị hợp tác xã phải chăm lo công tác sản xuất. Khi thấy hàng cây bạch đàn hai bên đường bị chết, Bác khuyên cán bộ nên chọn loại cây phù hợp để vừa có bóng mát, vừa có chất gỗ tốt, trồng phải đảm bảo sống 100%. Trước lúc lên xe ôtô, Bác tặng ông Nguyễn Sinh Quế bức chân dung có chữ ký của Người.
Khắc ghi lời Bác
Nhớ lời Bác dạy, ngay trong năm 1962, lãnh đạo xã Kim Liên đã tổ chức trồng cây với quy định: Mỗi đảng viên trồng 2 cây, mỗi ủy viên Ban Chấp hành trồng 4 cây, cán bộ xã, xóm trồng 4 cây. Trồng cây nào phải rào cây ấy. Theo đó, cả xã đã trồng 500 cây xà cừ và cho đến giờ vẫn xanh tươi, tỏa bóng mát phục vụ du khách mỗi khi về thăm quê Bác. Ngày 19/5/1962, ông Quế có viết thư và chụp ảnh báo với Bác về việc trồng cây và được Bác gửi thư khen ngợi. Trước đây, hàng cây này có tên “Hàng cây làm theo lời Bác”, sau đổi thành “Hàng cây đời đời nhớ ơn Bác”.
Sau này, ông Quế được lãnh đạo phân công làm nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhưng dù đó là công việc gì, ông cũng đều cố gắng hoàn thành như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm nay, dù đã 82 tuổi, ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương. “Được gặp, tiếp xúc với Bác, tôi học hỏi được nhiều điều từ nhân cách của Người. Phấn đấu và không ngừng cống hiến, với tôi, đó là cách tốt nhất để xứng đáng với niềm tin yêu của Bác, xứng đáng là người con của quê hương đã sinh ra Người”, ông Quế tâm sự.
.