Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201505/ky-niem-31-nam-ngay-bao-cong-an-nghe-an-phat-hanh-so-dau-tien-1951984-1952015-nho-ve-mot-thoi-vuot-kho-lam-bao-609121/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201505/ky-niem-31-nam-ngay-bao-cong-an-nghe-an-phat-hanh-so-dau-tien-1951984-1952015-nho-ve-mot-thoi-vuot-kho-lam-bao-609121/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhớ về một thời vượt khó làm báo - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 19/05/2015, 07:53 [GMT+7]
Kỷ niệm 31 năm ngày Báo Công an Nghệ An phát hành số đầu tiên (19/5/1984 - 19/5/2015)

Nhớ về một thời vượt khó làm báo

(Congannghean.vn)-Báo Công an Nghệ An phát hành số đầu tiên vào ngày 19/5/1984, đúng vào dịp kỷ niệm 94 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc đó, tờ báo lấy tên là An ninh Nghệ Tĩnh và chỉ phát hành nội bộ. Kỹ thuật làm báo còn thô sơ, cơ sở vật chất hết sức thiếu thốn, số lượng cán bộ, phóng viên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tờ báo lúc này như một tổ công tác trực thuộc Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh do đồng chí Cao Đăng Nghĩa, Trưởng phòng phụ trách.
 
Với mục đích, tôn chỉ “Tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” trong lực lượng Công an và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ngay từ số đầu tiên, với các chuyên mục “Thời sự chính trị”, “Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh”, “Chuyện vụ án”, “Chuyện cảnh giác”…, Báo đã có nhiều bài viết với nội dung phong phú, sát với thực tiễn cuộc sống, tình hình kinh tế - xã hội, ANTT của địa phương…, được đông đảo bạn đọc trong và ngoài ngành đón nhận, hoan nghênh.
Cán bộ, chiến sỹ Báo Công an Nghệ An dâng hoa báo công lên Bác nhân kỷ niệm  ngày phát hành số báo đầu tiên
Cán bộ, chiến sỹ Báo Công an Nghệ An dâng hoa báo công lên Bác nhân kỷ niệm ngày phát hành số báo đầu tiên
Sau 2 kỳ xuất bản, đồng chí Phạm Hùng, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã có điện khen, nhằm động viên, khích lệ các CBCS làm Báo Công an Nghệ An tiếp tục phấn đấu, phát huy truyền thống, góp phần quan trọng trên mặt trận tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả trên địa bàn tỉnh và khu vực. 
 
Sau 13 kỳ thử nghiệm, ngày 19/8/1985, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân, Bộ Văn hóa Thông tin đã quyết định cấp giấy phép chính thức cho báo và lấy tên là Báo Công an Nghệ Tĩnh. Cố Thiếu tướng Lê Văn Khiêu, nguyên Giám đốc Công an Nghệ Tĩnh là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo. Bộ phận biên tập, phóng viên vẫn do Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh quản lý. Trong giai đoạn này, Báo đã có nhiều tin, bài, ảnh mang tính chiến đấu cao và có sức hấp dẫn với bạn đọc. Tiêu biểu như các bài: “Củng cố phòng tuyến an ninh biên giới Kỳ Sơn”, “Bài học về xây dựng 3 an toàn ở nông trường Cẩm Kỳ”, “Noi gương liệt sĩ Nguyễn Công Thiết”…
 
Tháng 5/1989, thực hiện Quyết định số 345-CĐ ngày 30/3/1989 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Giám đốc Công an tỉnh có Quyết định 667/CANT ngày 14/4/1989, tách bộ phận làm báo từ Phòng Công tác chính trị để thành lập tòa soạn riêng (tương đương đơn vị cấp phòng). Đồng chí Cao Đăng Nghĩa, Trưởng phòng Công tác chính trị được điều động bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Báo Công an Nghệ Tĩnh. Cũng từ thời gian này, lãnh đạo Công an tỉnh quyết định tăng số phát hành từ 1 kỳ/tháng lên 2 kỳ/tháng. Năm 1991, thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, tờ Công an Nghệ Tĩnh được đổi thành Công an Nghệ An, xuất bản 3 kỳ/tháng.
 
Mặc dù được “ra ở riêng”, trở thành tòa soạn độc lập, tương đương một phòng nhưng những ngày đầu, mọi thứ đều rất khó khăn, thiếu thốn. Lãnh đạo đơn vị chỉ có Tổng Biên tập Cao Đăng Nghĩa. Cán bộ, phóng viên chỉ có các anh Việt Long, Ngọc Tuần, Thành Trung, Đức Dung, Anh Nhưỡng, Duy Hảo. Cuối năm 1991, đồng chí Nguyễn Bá Minh được tăng cường từ Công an huyện Anh Sơn về thì Duy Hảo lại về huyện. Như vậy, cả tòa soạn chỉ có 1 lãnh đạo, 6 phóng viên, 2 cán bộ là Hồ Sắc (họa sĩ), Trần Thị Liên (trị sự, phát hành), tất cả là 9 người. Mãi đến năm 1994, lãnh đạo Công an tỉnh quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thanh (từ Phòng Công tác chính trị) về làm Phó Tổng biên tập thì lúc đó, tòa soạn mới tương đối ổn định nhưng tổng số biên chế cũng chỉ vừa vặn… 10 người. Vào năm 1996, Báo bắt đầu tăng số kỳ lên 4 kỳ/tháng và sau đó ra tuần báo.
 
Những năm đầu Báo trở thành đơn vị độc lập là những năm thực sự khó khăn. 10 con người phải vừa lo viết bài, biên tập, đọc morat, trình bày vừa phải chuyển ra Nhà in Hà Nội mới, chờ in ra rồi chuyển về để làm công tác phát hành, trị sự. 100% cán bộ, phóng viên lúc đó đều di chuyển bằng xe đạp, còn vận chuyển báo từ Hà Nội về bằng xe ôtô khách. Thời kỳ này, Báo chưa có trụ sở riêng mà tòa soạn đang ở trên tầng 4, tòa nhà Cảnh sát của Công an tỉnh. Vì vậy, việc gặp gỡ cộng tác viên rất khó vì phần lớn trong số họ đã cao tuổi, việc phải leo lên tầng 4 rất vất vả, qua Công an tỉnh lại phải xuất trình thẻ cộng tác viên với bảo vệ… 
 
Lương và các khoản phụ cấp của cán bộ, phóng viên cũng như những CBCS Công an lúc bấy giờ khá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy, nhiều cán bộ, phóng viên phải làm nhiều công việc khác ngoài giờ. Đã vậy, thời kỳ này, qua nhiều lần quy hoạch báo chí, vấn đề cân nhắc “tồn tại hay không tồn tại” đã làm tư tưởng cán bộ, phóng viên có những biến động nhất định, không tránh khỏi những suy tư, trăn trở. Cán bộ, phóng viên hầu hết là những chiến sỹ Công an làm báo, đã học qua nghiệp vụ Công an thì không mấy lo lắng, nhưng một số nhân viên hợp đồng vẫn có sự phân tâm.
 
Nhiều cán bộ làm kỹ thuật vi tính có năng lực đã phải chuyển đi đơn vị khác như Thu Hoài, Mỹ Hóa… Cũng chính vì vấn đề này mà trong một thời gian khá dài, Báo không tuyển dụng thêm trường hợp nào, dẫn đến thiếu hụt lực lượng kế cận, nhất là lực lượng lãnh đạo cốt cán. Chỉ có một số đồng chí được tăng cường từ các đơn vị khác về như Kim Liên, Hoài Mơ; bộ phận phóng viên cũng được bổ sung thêm Hoài Ngọc và Duy Hảo (sau một thời gian về huyện lại quay trở lại làm báo)…
 
Năm 1997, đồng chí Cao Đăng Nghĩa đến tuổi nghỉ hưu, đồng chí Nguyễn Thanh được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập, đồng chí Bá Minh được bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập. Năm 2000, Báo mới có trụ sở độc lập tại số 43A, đường Hồ Tùng Mậu (TP Vinh), thuận lợi cho việc tiếp đón, gặp gỡ cộng tác viên và bạn đọc. Năm 2004, lãnh đạo Công an tỉnh mới bổ sung cho Báo một loạt cán bộ, phóng viên trẻ mới tốt nghiệp Đại học Báo chí và các trường Đại học ngành ngoài như Việt Dũng, Ngọc Hùng, Ngọc Tú, Hải Việt, Thiên Thảo…
 
Lực lượng mới vào trẻ, khỏe, được đào tạo bài bản, nhờ đó, chất lượng tờ báo ngày càng được nâng cao. Số kỳ xuất bản cũng được tăng dần lên, từ 2 kỳ/tuần (từ tháng 10/2005) lên 3 kỳ/tuần (từ tháng 7/2010 cho đến nay)… Lúc này, Báo cũng đã hình thành các chuyên trang chính và ổn định như: Vì bình yên xứ Nghệ, kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, pháp luật và đời sống, tòa soạn và bạn đọc, văn hóa - văn nghệ…
 
Năm 2007, tòa soạn Báo Công an Nghệ An được lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Công an tỉnh đầu tư xây dựng trụ sở mới khang trang (khu nhà 3 tầng hiện nay). Cuối năm 2008, trang điện tử Công an Nghệ An cũng được chuyển về cho Báo quản lý, trở thành trang báo điện tử Công an Nghệ An. Tòa soạn Báo tiếp tục được tăng cường lực lượng, với đồng chí Lý Vĩnh Sinh làm Phó Tổng biên tập; đồng chí Bình Minh, Trọng Đại được điều về làm ở Ban Báo Điện tử, đồng thời, có thêm nhiều cán bộ được điều động, tuyển dụng hợp đồng làm phóng viên, kỹ thuật viên…
 
Báo được tổ chức thành 4 ban, gồm: Ban Phóng viên, Ban Thư ký, Ban báo Điện tử và Ban Trị sự. Quân số được tăng lên, đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy cũng được tăng cường. Năm 2013, đồng chí Nguyễn Thanh nghỉ hưu, sau một thời gian giao quyền phụ trách tòa soạn cho các đồng chí Lý Vĩnh Sinh và Nguyễn Bá Minh, giữa năm 2014, lãnh đạo Công an tỉnh đã điều động, bổ nhiệm đồng chí Đại tá Nguyễn Đình Trần, nguyên Phó Chánh Văn phòng Công an tỉnh về làm thủ trưởng cơ quan, hiện đang làm thủ tục để bổ nhiệm chức danh Tổng Biên tập. Đồng chí Hồ Viết Dũng cũng được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập.
 
Có thể nói, nhìn vào tòa soạn báo Công an Nghệ An với đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên đông đảo, được tổ chức thành 4 ban quy củ, có cơ sở vật chất và trang thiết bị làm báo tương đối hiện đại, khang trang, như hiện nay nhiều người không biết rằng, đã có một thời làm báo vượt khó để có được thành quả như hôm nay. Lại càng trân trọng hơn, khi chính trong thời gian đó, lãnh đạo, cán bộ, phóng viên trong tòa soạn đã luôn giữ vững định hướng chính trị, không để xảy ra sai sót lớn trong quá trình làm báo, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tập thể đơn vị Báo đã được Đảng, Nhà nước, tỉnh, ngành, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tặng thưởng nhiều Huân chương, Bằng khen và các danh hiệu thi đua khác. Nhiều cán bộ, phóng viên được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, nhiều danh hiệu thi đua trong và ngoài ngành.
 
Những thành tích, kết quả trên mãi mãi là niềm tự hào của những người làm báo trong ngành Công an trên quê hương Bác Hồ kính yêu và sẽ là nguồn động lực to lớn để tập thể Tòa soạn Báo tiếp tục phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
.

Bá Minh

.