Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201505/ho-chi-minh-nguoi-la-dau-an-trong-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-va-nhan-loai-608863/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201505/ho-chi-minh-nguoi-la-dau-an-trong-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-va-nhan-loai-608863/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hồ Chí Minh - Người là dấu ấn trong sự phát triển của đất nước và nhân loại - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 18/05/2015, 08:19 [GMT+7]

Hồ Chí Minh - Người là dấu ấn trong sự phát triển của đất nước và nhân loại

(Congannghean.vn)-Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015), chúng ta càng tự hào về sự đóng góp to lớn của Người - lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Người đã hiến dâng cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, là người chiến sỹ cộng sản quốc tế mẫu mực và người bạn thân thiết của các dân tộc. Người sẽ sống mãi và đồng hành cùng dân tộc trên con đường xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
 
Như chúng ta đã biết, khi Hồ Chí Minh - Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5/6/1911, từ cảng Nhà Rồng, TP Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), khi mới 21 tuổi, trong hành trang của Người đã có truyền thống yêu nước nồng nàn và những tinh hoa văn hóa, trí tuệ Việt Nam; những tư tưởng tiến bộ của phương Đông và phương Tây được tiếp thu từ gia đình, quê hương, trường học và xã hội; những bài học từ thất bại của các cuộc đấu tranh của các bậc tiền bối cũng như của những người đồng đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, là người chiến sỹ cộng sản quốc tế mẫu mực và  người bạn thân thiết của các dân tộc - Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, là người chiến sỹ cộng sản quốc tế mẫu mực và người bạn thân thiết của các dân tộc - Ảnh tư liệu
Việc đi sang nước Pháp và các nước khác thuộc thế giới phương Tây nhằm “xem xét họ làm ăn ra sao” để rồi “trở về giúp đồng bào” đã thể hiện tầm nhìn khác thường của một con người khác thường ngay từ tuổi thanh niên. Từ cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sau này đã trở thành Nguyễn Tất Thành - nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, Nguyễn Ái Quốc - lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh - Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước do nhân dân làm chủ; là người khai sinh mặt trận dân tộc thống nhất, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân…, là nguyên thủ quốc gia trong suốt 24 năm (từ 1945 - 1969).
 
Hồ Chí Minh là đại biểu thuộc địa dự Đại hội XVIII của Đảng Xã hội Pháp vào tháng 12/1920, bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế Cộng sản và hơn 4 giờ sau đó, Người cùng những người vừa bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản (tức Đảng Cộng sản Pháp), cũng là người thay mặt Quốc tế Cộng sản tổ chức thành công Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930, là Chủ tịch Đảng từ năm 1951 đến khi qua đời vào năm 1969. Với những cống hiến xuất sắc đối với dân tộc và thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được UNESCO tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc
 
Từ nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản phương Tây đã xâm chiếm hầu hết các quốc gia châu Á, Phi, Mỹ La tinh. Ở châu Á, nền độc lập của Việt Nam bị đế quốc Pháp tước đoạt, nước Việt Nam bị chia cắt thành 3 miền với 3 chế độ cai trị khác nhau. "Độc lập dân tộc và thống nhất đất nước" đã trở thành ước mơ, khát vọng cháy bỏng của mỗi người dân Việt. Vượt qua những “lối mòn” cứu nước của các bậc tiền bối, Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước. 
 
Tháng 6/1911, Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp cho tàu buôn đô đốc Latusơ Tơrêvin của Pháp, rời Việt Nam ra đi tìm đường cứu nước, qua Pháp, Hoa Kỳ, rồi đến Anh và đến cuối năm 1917, Người trở lại Pháp và gia nhập Đảng Xã hội Pháp năm 1919. Cũng trong năm đó, Người đã thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, với tên Nguyễn Ái Quốc, gửi đến Hội nghị Vecxay bản yêu sách đòi Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của nhân dân Việt Nam. Năm 1920, tại Đại hội Tua (Tours) của Đảng Xã hội Pháp, Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1921, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa.
 
Năm 1922, Người đứng ra xuất bản báo "Le Paria" (Người cùng khổ) ở Pháp. Năm 1923, được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân. Năm 1924, tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, là cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Năm 1925, tại Trung Quốc, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức; thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu, Trung Quốc với tổ chức nòng cốt là Cộng sản đoàn, đào tạo cán bộ và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 
 
Năm 1930 đánh dấu một mốc son chói lọi, một bước ngoặt lịch sử của cách mạng nước ta, với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam mà người sáng lập là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Hồ Chủ tịch, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta đã chấm dứt thời kỳ đấu tranh tự phát, chuyển sang giai đoạn mới với phương hướng rõ ràng và bước đi vững chắc. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã lãnh đạo, gắn kết dân tộc thành một khối thống nhất, khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh tiềm ẩn của toàn dân tộc, làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới "Việt Nam có quyền được hưởng tự do, độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập".
 
Giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền còn khó khăn hơn nhiều. Chính quyền cách mạng non trẻ mới ra đời đã phải chiến đấu chống thù trong, giặc ngoài tìm cách phá hoại đất nước, cùng lúc phải đấu tranh với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã sáng suốt, tài tình, lãnh đạo đất nước vượt qua cơn hiểm nghèo, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng.
 
Đất nước ta, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã anh dũng trường kỳ kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân cũ - đứng đầu là thực dân Pháp và chủ nghĩa thực dân mới - đứng đầu là đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
 
Trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy khí phách anh hùng của cả dân tộc, với những lời kêu gọi vang dậy núi sông: "Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết tâm giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc"...
 
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại "Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay", Đảng ta kiên định những vấn đề, quan điểm có tính nguyên tắc, lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời tiến hành sự nghiệp đổi mới, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ đó, giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố nền độc lập dân tộc, tiến bước vững chắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những tình huống phức tạp và hiểm nghèo. 
 
Dựa trên những quan điểm cơ bản và đúng đắn của Người, xuất phát từ thực tiễn của đất nước, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới. Đến nay, sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam là số ít trong các nước chuyển đổi thành công trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, liên tục và ổn định. 
 
Về chính trị, trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước được biểu hiện tập trung ở hai nhiệm vụ chiến lược có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người chiến sỹ cách mạng quốc tế
 
Trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đến nhiều nước trên thế giới, các nước tư bản cũng như thuộc địa. Người đã chứng kiến cảnh cùng cực của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng thời cũng thấy rõ cảnh sống xa hoa của bọn tư sản. Thực tế sinh động đã giúp Người đồng cảm và nhận thức rõ: Nơi đâu cũng có người nghèo như ở xứ mình, dù ở các nước thuộc địa hay chính quốc, họ đều bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn bởi chủ nghĩa thực dân tàn ác.
 
Người đi tới kết luận: "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản" (Bài “Đoàn kết giai cấp” của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Le Paria số 25 tháng 5/1924). Kết luận này cho thấy, nhận thức của Hồ Chí Minh về ý thức dân tộc và ý thức giai cấp đã có sự biến chuyển từ tầm nhìn quốc gia tới tầm nhìn quốc tế. Kết luận trên cũng là khởi đầu của tư tưởng đoàn kết quốc tế Hồ Chí Minh - đoàn kết với những người lao khổ, cần lao trên thế giới, luôn gắn liền lợi ích dân tộc với lợi ích giai cấp, lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế.
 
Để góp phần vào sự nghiệp hòa bình thế giới, xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp, sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên báo: “Người có học thức càng không sợ… Đó là trào lưu tư tưởng của thời đại… “Mọi người đều bình đẳng về kinh tế”… đó là những tư tưởng từ thiện, tương thân tương ái, nhân dân ấm no, thế giới đại đồng” và Người khẳng định một chân lý thời đại: “Tả” khuynh thì sẽ bị cô lập, sẽ xa rời nhân dân ta và nhân dân thế giới và sẽ thất bại”. Lời nhận định của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và càng sáng tỏ trong hôm nay: “Việt Nam là một bộ phận của thế giới, cũng không thể đi ngược dòng lịch sử được”.
 
Trong thời kỳ mới của cách mạng, nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước chính là mở rộng tình đoàn kết quốc tế, quan hệ hợp tác cùng có lợi, chủ động, tích cực hội nhập, như Đảng ta đã từng khẳng định: “Muốn là bạn” (Đại hội VII, VIII), “sẵn sàng là bạn” (Đại hội IX), “là bạn và đối tác tin cậy” (Đại hội X), Đại hội XI bổ sung thêm “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Nội hàm này thể hiện bước trưởng thành của ngoại giao Việt Nam với sự tham gia ngày càng tích cực, chủ động, có trách nhiệm tại các cơ chế/tổ chức/diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu (ngoại giao đa phương), góp phần củng cố, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, bổ sung, hỗ trợ hiệu quả cho ngoại giao song phương.
 
Thực tiễn gần 30 năm đổi mới đã chứng minh, Việt Nam không ngừng tăng cường tham gia toàn diện, sâu rộng trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương. Lần thứ hai, Việt Nam đã chính thức ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (nhiệm kỳ 2020 - 2021), đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU lần thứ 132 (năm 2015) và cũng lần thứ hai đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC (năm 2017). Mới đây, nước ta đã được bầu vào Hội đồng Thống đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO và lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016) với số phiếu rất cao, kết quả đó thể hiện uy tín quốc tế của nước ta và lòng tin của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.
.

Nguyễn Văn Thanh

.