Với tình yêu dân ca và để lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đầu năm 2010, CLB hát dân ca ví, giặm Xuân Hòa được thành lập mà các hội viên chủ yếu là người cao tuổi trong xã. Ban đầu chỉ có một vài hội viên cao tuổi, đến nay câu lạc bộ đã có đến 25 hội viên với nhiều tầng lớp tham gia, trong đó hội viên nhỏ nhất là 12 tuổi và cao tuổi nhất có cụ cũng đã 90.
Những điệu hò, câu ví ngấm từ trong máu thịt qua những lời ra của bà, của mẹ. Yêu, say, nhiệt tình, các hội viên đã tự nguyện đến với CLB. Thông qua hoạt động, câu lạc bộ đã giúp các hội viên thêm yêu tiếng hát dân ca, nâng cao khả năng diễn xuất và sáng tác.
Anh Trần Văn Sinh, Trưởng ban văn hóa xã Xuân Hòa, kiêm chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: Các tiết mục đều do hội viên trong câu lạc bộ tự sáng tác, dàn dựng với những vở kịch ca ngợi Đảng, Bác Hồ.
Bên cạnh đó, là các hoạt cảnh với nội dung tuyên truyền về chủ đề dân số kế hoạch hóa gia đình, phê phán tệ nạn xã hội, xây dựng nông thôn mới. Hoạt động sôi nổi của câu lạc bộ đã thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ ở khu dân cư phát triển sâu rộng. Hàng năm, CLB còn tổ chức tập huấn dân ca cho học sinh 2 trường học và bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ cho các xóm.
Cụ Nguyễn Thị Hai ôn lại kỷ niệm những lần đi biểu diễn cùng CLB
Chúng tôi được gặp cụ bà Nguyễn Thị Hai, là nghệ nhân làng gắn bó lâu đời với dân ca ví, giặm. Đã bước sang tuổi 90 thế nhưng mỗi lần nghe ai nhắc đến dân ca ví, giặm đôi mắt cụ lại sáng rực lên. Những điệu hò, những câu hát trao duyên lại hiện về trong kí ức cụ.
Cụ cho biết: “Ngày ấy, những đêm trăng sáng ngay tại sân đình, bên gốc đa trai gái trong làng lại trao nhau câu hò đối đáp. Nhờ đó mà có nhiều đôi đã nên duyên chồng vợ. Có những hôm, mặc cho trời mưa tầm tã, mọi người vẫn rủ nhau đi hát”.
Tiếng hát trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những con người nơi đây. Từ trong xã đến các xã lân cận như Nam Anh, Kim Liên, Nam Lĩnh, Nam Tân... mọi người đều mê hát.
Giống cụ Hai, ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Đinh Xuân Tình ở xóm 10, một trong những người hiếm hoi có công lưu giữ và truyền dạy hát ví phường vải. Năm 15 tuổi, ông đã tập tành đi hát dạo trong làng. Cứ mỗi tối, ông lại cùng bạn lân la đến các phường dệt vải để hát đối đáp.
Theo thời gian, người ta chẳng còn mặn mà với câu hát xưa. Ông Tình tâm sự: “Năm 1963, tôi đi bộ đội ở đơn vị công binh của tỉnh đội, năm 1970 trở về làm tham gia công tác tại địa phương. Từ năm 1996 đến nay giữ nhiều chức vụ trong xã nhưng điều mà tôi trăn trở là những phường vải giờ đã không còn nữa, những câu ví dân ca đã mai một dần. Vậy là tôi cố gắng ghi chép lại những câu ví giặm còn nhớ được để làm tư liệu cho con cháu mình sau này”.
Miệt mài ghi chép và biên soạn, đến nay ông Tình đã có được hàng chục cuốn sách viết về dân ca và các điệu ví giặm. Những câu ví, giặm cổ, những bài hát dân ca cải biên được ông giữ gìn cẩn thận, với ông Tình đó là tài sản có giá trị nhất trong cuộc đời.
Nhờ hăng say tập luyện, CLB Xuân Hòa nhiều năm liền đều được nhận giải Nhất ở cuộc thi tiếng hát dân ca huyện nhà. Tại Liên hoan tiếng hát làng Sen năm 2012 do huyện Nam Đàn tổ chức, CLB dân ca Xuân Hòa đã đạt giải Nhất với 4 tiết mục tự dàn dựng một cách công phu với các hình thức diễn xướng phù hợp với không gian, thời gian.
Gần đây nhất, tại cuộc thi Liên hoan dan ca ví, giặm xứ Nghệ cụm 3 được tổ chức tại Đô Lương, CLB Xuân Hòa cũng đã giành giải Nhì và được chọn đi tham dự Liên hoan ví, giặm toàn tỉnh.
“Mặc dù có những thành công bước đầu, tuy nhiên việc duy trì và phát triển câu lạc bộ dân ca còn gặp nhiều khó khăn. Trong các lần tham gia biểu diễn, xã có trích một phần kinh phí hỗ trợ, còn để duy trì và phát triển câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên chủ yếu dựa vào sự nhiệt tình, tâm huyết của các thành viên”, anh Trần Văn Sinh cho biết thêm.
An Nhiên - Ngọc Anh
.