Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201207/21920-chuyen-ve-bai-tho-o-hai-nghia-trang-quoc-te-396022/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201207/21920-chuyen-ve-bai-tho-o-hai-nghia-trang-quoc-te-396022/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện về bài thơ ở hai nghĩa trang quốc tế - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 26/07/2012, 16:43 [GMT+7]
21920

Chuyện về bài thơ ở hai nghĩa trang quốc tế

Trong cuộc chiến tranh chống Mĩ có gần một triệu chiến sỹ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong đó, có hàng chục vạn liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, tên tuổi và quê quán, những liệt sỹ này trước đây đều được gọi là liệt sỹ vô danh. Nỗi đau vẫn còn đó trong thân nhân liệt sỹ, trong mỗi con người đất Việt. Đồng cảm sâu sắc với nỗi đau ấy, tác giả Văn Hiền (Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An) đã viết nên bài thơ "Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh".
 
Bài thơ đăng ở Báo Nhân dân vào dịp 27/7/1994 đã làm xúc động hàng triệu con tim độc giả, nhất là thân nhân liệt sỹ. Sức lan tỏa, lay động, thúc dục lòng người của bài thơ đã dấy lên làn sóng tìm hài cốt, tên tuổi liệt sỹ. Nhiều cựu chiến binh đọc xong bài thơ đã lặng đi. Họ gác lại ruộng nương, công việc để trở lại chiến trường xưa tìm mộ đồng đội; các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đã không quản gian khổ, hy sinh, hàng tháng trời lặn lội khắp các cánh rừng để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.
 
Lễ dựng bia bài thơ của tác giả Văn Hiền tại Nghĩa trang quốc tế Đô Lương
 
Trịnh Bá Thành, chiến sỹ đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ Quân khu 4 cho biết: “Chiến sỹ chúng tôi ai cũng thuộc bài thơ ấy, nó luôn có trong sổ tay của mỗi người. Bài thơ đó cũng là sức mạnh thúc dục chúng tôi làm công việc của mình tốt hơn, có trách nhiệm hơn".
 
Thiếu tá Nguyễn Thị Tiến, công tác tại Bảo tàng Quân khu 4 tâm sự: "Tôi đi theo các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ để tìm di vật liệt sỹ, với mục đích xác định tên tuổi, quê quán cho liệt sỹ vô danh cũng bắt đầu từ khi đọc bài thơ đó của anh Văn Hiền. Khi đọc xong bài thơ, tôi đã khóc. Tứ thơ đã buộc vào tôi và tôi bắt đầu thực hiện công việc thầm lặng của mình. Đã có đến 2.000 bức thư của nhiều gia đình liệt sỹ nhờ tôi chép lại bài thơ đó để gửi cho họ".
 
Văn Hiền tâm sự: "Bố tôi là liệt sỹ, bản thân tôi từng là người lính nên tôi rất thấu hiểu nỗi đau thương mất mát ấy...". Phải chăng sự đồng cảm sâu sắc đó đã làm cho bài thơ khắc sâu vào lòng người và có tác động tích cực đối với xã hội. Sau khi bài thơ ra đời, Đài truyền hình Việt Nam đã làm bộ phim "Không ai là vô danh" phát trên kênh VTV3 vào ngày 27/7/1995 với nền nhạc là bài thơ "Xin đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh" của tác giả Văn Hiền, đã làm cho hàng triệu khán giả xúc động.
 
Tháng 7/1996, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội CCB Việt Nam với 33 vị tướng lĩnh tổ chức ở Cửa Lò (Nghệ An) do thượng tướng Trần Văn Quang - Chủ tịch Hội chủ trì đã họp và ra nghị quyết đề nghị Chính phủ và Bộ LĐTB&XH đổi tên gọi liệt sỹ vô danh thành liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt, tên tuổi, quê quán. Cụ thể đổi lại tên cho 400.000 ngôi mộ liệt sỹ tại các nghĩa trang trong cả nước.
 
Bài thơ không những làm thay đổi tên gọi cho liệt sỹ vô danh, để hương hồn các anh thanh thản an nghỉ trong lòng đất mẹ vĩnh hằng mà còn góp phần làm dịu bớt nỗi đau thương, mất mát của dân tộc, của thân nhân liệt sỹ, bởi giá trị hy sinh của liệt sỹ là lớn lao và "Tổ quốc không đánh mất tên anh”.
 
Hiện nay, ở Bảo tàng Trường Sơn hàng ngày dòng người vào thăm nơi còn lưu giữ những hiện vật, di vật của trên hai vạn liệt sỹ là cán bộ, chiến sỹ chiến đấu, bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh những năm đánh Mĩ đều đi trong nền nhạc bi tráng với lời bài thơ "Xin đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh" của Văn Hiền.
 
Năm 2009, bài thơ được khắc vào bia đá đặt trang trọng tại Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào, huyện Anh Sơn. Và ngày 22/12/2011 vừa qua, bài thơ này lại được khắc vào bia đá đặt trang trọng tại Nghĩa trang quốc tế huyện Đô Lương. Bài thơ vẫn còn nguyên giá trị, vẫn ngày ngày nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay và cả mai sau rằng còn đó "Nỗi đau xanh cùng năm tháng".

Tiến Dũng
.