Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201207/21979-nguoi-phu-nu-dung-sau-nha-van-trung-tuong-huu-uoc-395975/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201207/21979-nguoi-phu-nu-dung-sau-nha-van-trung-tuong-huu-uoc-395975/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nguời phụ nữ đứng sau Nhà văn, Trung tướng Hữu Ước - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 30/07/2012, 08:10 [GMT+7]
21979

Nguời phụ nữ đứng sau Nhà văn, Trung tướng Hữu Ước

Mỗi lần đi qua sông Hồng mùa cạn, nhìn những doi đất giữa sông, tôi lại nhớ đến người phụ nữ ấy. Đó là những năm tháng cay cực nhất của đời chị. Hàng ngày chị lội qua sông trong mưa gió đến doi đất giữa sông Hồng để gieo đỗ, trồng lạc nuôi các con vượt qua những năm tháng nghèo đói và đau đớn. Người phụ nữ đó là chị Nguyễn Thị Lý, vợ nhà văn, Trung tướng Hữu Ước.
 
Đã có biết bao bài phỏng vấn nhà văn, Trung tướng Hữu Ước, có biết bao bài báo viết về ông và có biết bao câu chuyện về ông khi người ta ngồi với nhau trong quán cà phê, quán bia…nhưng có lẽ chưa có một dòng nào viết về chị. Tôi biết, đã có những người muốn viết về chị. Nhưng chị đã chối từ. Chị chối từ như chị chối từ không xuất hiện ở những nơi đông người, những nơi chồng chị - nhà văn, Trung tướng Hữu Ước - được tôn vinh. Với chị đó hình như không phải nơi chốn của chị, của một người phụ nữ vốn lặng lẽ hy sinh cho gia đình mình, của một người mà khát vọng lớn nhất và duy nhất là hai chữ bình an cho những người ruột thịt, thân yêu của chị. Chị đã sống với phẩm hạnh của một người phụ nữ như mọi người phụ nữ Việt Nam luôn luôn đứng sau chồng con mình với tất cả thương yêu, lo lắng, cảm thông, nhân ái, chịu đựng và hy sinh cho dù chồng con họ đang ở trong vực sâu của sự thất thế hay đang ở trên đỉnh núi của vinh quang.
 
Nhưng cuối cùng chị đã ngồi xuống tâm sự cho tôi nghe một đôi điều về cuộc đời mình vì lẽ đã hơn 20 năm nay chị coi tôi như một đứa em trong nhà. Vì lẽ bây giờ chị đã trở thành bà ngoại và sẽ trở thành bà nội trong một ngày rất gần. Với một người phụ nữ đã sống từng đó năm tháng trong cuộc đời thì không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc với con, với cháu. Và với một người phụ nữ đã đi một đoạn đường dài với những thăng trầm như thế của đời người thì chị đã hiểu thế nào là cái giá của hai chữ bình an.
 
Có thể nói tất cả những vui buồn, thăng trầm của nhà văn, Trung tướng Hữu Ước đã gắn liền với người bạn đời của mình. Đã nhiều lần tôi tự hỏi: nếu nhà văn, Trung tướng Hữu Ước không có một người bạn đời như chị Lý thì mọi chuyện của ông sẽ như thế nào? Có thể ông vẫn vinh quang nhưng khó có thể bình an hơn chăng? Những người yêu quý nhà văn, Trung tướng Hữu Ước đã nói với nhau rất nhiều về cuộc đời ông. Họ nói về tất cả những gì ông đã phải gánh chịu và đi qua một cách phi thường và nói về những món quà mà cuộc đời đã ban tặng cho ông. Và một trong những món quà lớn nhất là người phụ nữ mang tên Lý. Nhưng cũng không phải mấy ai biết được điều này.
 
Bây giờ, nhà văn, Trung tướng Hữu Ước đang trên đỉnh vinh quang. Con đường đến với vinh quang của ông là một con đường kỳ lạ. Nhưng tất cả ai biết ông đều biết đến những năm tháng “kinh hoàng” của ông. Một cái nạn khủng khiếp rơi xuống cuộc đời ông. Trong suốt ba năm ông chịu nạn, trong ngôi nhà sơ sài, nhỏ bé bên bãi sông Hồng chỉ còn lại chị, hai đứa con dại, bố mẹ chồng già cùng người anh trai chồng đau ốm.
 
Cho đến bây giờ, chính chị cũng không hiểu làm sao chị có thể đi qua những năm tháng như thế. Những năm tháng mà đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của chị và các con chị bị đẩy vào đến chân tường. Khi nhà văn, Trung tướng Hữu Ước chịu nạn, gánh nặng gia đình như một trái núi khổng lồ đè xuống đôi vai của người phụ nữ nhỏ bé, hiền lành vốn sinh ra và lớn lên ở thôn quê. Nhưng gánh nặng lớn hơn cả là những áp lực tinh thần của xã hội giội xuống chị. Những tháng năm đó, ăn chỉ một bát cơm có thể chị bớt đói trong vài ba tiếng đồng hồ. Nhưng áp lực tinh thần luôn luôn cào xé lòng chị ngay cả trong giấc ngủ. Tôi biết chị từ sau khi chị lấy chồng và tôi không thể hình dung một người phụ nữ còn quá trẻ, quá trong sáng, nhiều ngơ ngác cùng với tính tình dịu hiền và khép nép như chị ngày ấy lại có thể đi qua được cơn “địa chấn tinh thần” lớn như vậy.
 
Chị Nguyễn Thị Lý, Chủ tịch Hội Phụ nữ Văn phòng Tổng cục XDLL - CAND trao quà cho đồng bào nghèo tỉnh Quảng Trị (ngày 6/1/2012).
 
Sau khi chồng chị gặp hoạn nạn và phải sống cách biệt với gia đình, chị sinh đứa con thứ hai thiếu ngày. Nhưng vừa sinh con được năm ngày, chị đã phải đạp xe đi vay tiền để lo trả nợ. Chị nói với tôi đứa bé sinh thiếu ngày vô cùng ốm yếu. Cái thóp đầu của đứa bé mềm nhũn đến nỗi khi tắm cho nó, chị không dám chạm tay vào. Hình ảnh ấy sẽ mãi mãi không bao giờ ra khỏi những người thân yêu của chị. Nó mãi mãi là một ám ảnh đau đớn chứa đầy nước mắt cho dù sau này chị và gia đình mình có sống trong vinh quang và giàu có như thế nào.
 
Có một người họ hàng cho vợ chồng chị vay một ít tiền trước đó và nằng nặc đòi nợ khi chị vừa mới sinh con. Ngày ấy, chị có mấy đồng lương chỉ đủ mua gạo và muối nuôi gia đình. Chị không có gì để trả nợ. Có lẽ người họ hàng kia sợ chị không thể trả nợ được nên tìm mọi cách đòi. Chị cứ đạp xe đi và cũng không biết phải đi đâu. Nhưng cuộc đời thật nhân ái. Có một người nhẫn tâm thì có 100 người phúc hậu. Cho dù biết chị sẽ khó mà trả nợ, hoặc không biết đến bao giờ mới trả nợ được nhưng bạn bè vẫn xúm vào cho chị vay mà trong thâm tâm họ là giúp chị qua cơn hoạn nạn. Cho đến những ngày tháng này, khi ngồi nhớ lại chuyện cũ ấy, chị vẫn không cầm lòng được bởi lòng tốt của bạn bè.
 
Ngoài giờ đi làm, chị đan len thuê để kiếm tiền. Rồi chị chuyển sang cuốn thuốc lá sợi vì cuộn thuốc lá thuê kiếm được nhiều tiền hơn là đan len. Đêm đêm, chị ngồi bên bàn cuốn thuốc lá khi các con đã ngủ. Có lúc mệt quá, chị đã ngủ gục xuống đè nát hàng trăm điếu thuốc lá cuốn. Khi choàng tỉnh dậy, chị vô cùng sợ hãi và vội vàng cuốn lại những điếu thuốc đó mà không dám chợp mắt cho tới sáng để ngày hôm sau kịp trả thuốc cho người thuê chị đúng hẹn. Nước mắt chị đã rơi xuống những điếu thuốc lá cuộn đêm đêm. Nhiều lúc, chị muốn đưa hai đứa con về quê cấy trồng để nuôi con, để trốn khỏi cái thành phố mà chị đang phải chịu biết bao cay đắng, khổ cực. Nhưng chị đã ở lại để nuôi con, để chờ chồng, để nói với những người có trách nhiệm và xã hội về nỗi oan khuất của chồng mình. Có lẽ các con chị đã nghe được những câu chuyện như thế cho nên chúng yêu thương chị vô bờ. Con trai chị đã có một thỏa thuận với người yêu mình rằng nếu sau này cô ấy có về làm vợ mà không kính trọng, yêu thương mẹ mình thì cô ấy phải chọn con đường ra khỏi gia đình cậu.
Nhà văn Hữu Ước và vợ
 
Bây giờ, tôi chưa được phép viết tất cả những gì mà chị đã phải gánh chịu, chị đã phải đi qua trong những năm tháng đó. Khi đang viết những dòng này cũng là lúc tôi thấy lòng mình vừa kính trọng chị và vừa nổi giận với cuộc đời. Và tôi lại thấy hiện lên bãi sông Hồng những năm tháng ấy đầy mưa gió. Chị đã lội qua nước lạnh trong mưa gió để đến những doi đất nổi giữa sông. Trên những doi đất bỏ hoang ấy, chị gieo lạc, trồng đỗ… để nuôi con, để một hai tháng lại gói ghém cân lạc, cân đỗ gửi cho chồng. Cuộc đời đã đặt chị vào một thử thách vô cùng khắc nghiệt như là số phận của con người phải thế và như là một ví dụ về khát vọng, tình yêu và ý chí của con người. Chị nói với tôi rằng chị nhận ra chị yêu chồng đến thế nào và cần anh ấy đến thế nào khi mà bãi sông Hồng trong mùa nước đã nhấn chìm ngôi nhà nhỏ bé của chị. Chị phải dầm mình trong nước bẩn ngập ngang cằm để chuyển đồ đạc và các con nhỏ lên đê. Những năm trước đó, khi chồng chị còn ở nhà, mỗi khi ngôi nhà ngập nước, chồng chị lại cõng chị và các con lên đê để chạy nước. Chị nói, anh ấy là một người yêu thương vợ con hết mực.
 
Trong suốt ba năm chồng chị bị nạn, chị chỉ đi thăm chồng được hai lần vì xa xôi quá và vì chị không thể kiếm được tiền tàu xe. Một lần chị đã bế đứa con trai mà chị sinh thiếu tháng đi một đoạn đường hai nghìn cây số trong những năm tháng tàu xe vô cùng khó khăn để thăm chồng. Chị muốn chồng chị nhìn thấy đứa con trai của mình. Nhưng để gặp được chồng và để gặp được những người có thể giúp chồng chị giải được nỗi oan đâu phải là một hành trình dễ dàng mà đầy cay đắng. Nhiều lúc, chị cứ phải cười trước thiên hạ nhưng đêm về chị đã khóc như không thể khóc hơn bởi nỗi đau đớn, cay đắng và cả bị xúc phạm mà gia đình chị phải gánh chịu.
 
Thế nhưng cuộc đời đầy nhân ái. Chị đã nói với tôi nhiều lần trong một buổi chiều cuối năm như thế. Có những người có quyền chức mà bình thường chị nghĩ cũng chẳng bao giờ gặp được. Nhưng những người đó đã lắng nghe chị, đã động viên, đã an ủi chị và họ cũng là một trong nhiều lý do giúp chị đứng dậy trong đau đớn và cay đắng để bước đi. Chị mãi mãi mang ơn họ. Nhưng chị cũng không bao giờ quên được những ai đã đẩy chồng chị vào hoàn cảnh bi thương đó. Chị không quên những người ấy nhưng chị không bao giờ nghĩ đến trả thù. Chị chỉ âm thầm và nỗ lực đến phi thường giúp chồng chị trở lại nơi mà có những người ở đó đã tìm mọi cách để đẩy chồng chị đi. Và chị đã làm được điều đó. Vì đó là danh dự của chồng chị, của mẹ con chị, của gia đình chị và cũng là của những bạn bè thân thiết với vợ chồng chị.
 
Bây giờ, khi nói về chị, hầu như ai cũng nghĩ chị là một người đang sống trong vinh quang, giàu có và đang sống với niềm kiêu hãnh về lòng hiếu thảo và sự thành đạt của con cái. Thực tế đúng như vậy. Và có người nghĩ chị sẽ lấy sự vinh quang và thành đạt của chồng con để trả thù những tháng năm cay đắng và đau đớn. Cũng không ít người đã làm như vậy trong cuộc đời này. Nhưng chị vẫn thế. Chị vẫn sống với phẩm hạnh của một người phụ nữ sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo ở thôn quê. Bây giờ, chị vẫn đi chiếc xe máy cũ kỹ chị mua từ mấy mươi năm trước. Và trong chiếc giỏ xe vẫn là rau, là đậu, là gạo, là muối…Chị vẫn mãi mãi là một người vợ chịu đựng và giản dị như những ngày xưa.
 
Chị không giống nhiều người phụ nữ có một người chồng vinh quang, quyền chức và giàu có để đi xe này, xe kia, đến nhà hàng sang trọng này hay nhà hàng sang trọng khác, mua hàng hiệu ở tòa nhà này hay tòa nhà nọ… Chị không xuất hiện ở những nơi mà không ít người phụ nữ ở vị thế như chị và có điều kiện như chị vẫn thường đến. Những cay đắng, đau đớn trước kia không làm chị gục ngã và cả những vinh quang, phú quý bây giờ cũng không làm chị gục ngã hay thay đổi những phẩm hạnh mà chị có. Khi chồng chị gặp hoạn nạn, có những gì tốt nhất, ngon nhất chị dành hết cho chồng.
 
Chị ứa nước mắt khi kể cho tôi nghe câu chuyện về con trai chị khi còn nhỏ đã một lần nói với chị rằng nó không thích chơi với “ông ấy” (nhà văn, Trung tướng Hữu Ước) vì có gì mẹ nó cũng gửi hết cho “ông ấy”, trong khi “ông ấy” phải sống xa mẹ con chị trong cay đắng và nghiệt ngã. Sau khi chồng chị gặp hoạn nạn, cậu bé ấy mới ra đời. Nó không có thời gian được ở bên người bố sinh ra nó như những đứa trẻ khác. Nghe con nói vậy, lòng chị như có muôn vàn mũi kim châm, bởi khi con trai chị cất tiếng chào đời thì chồng chị không được nhìn thấy mặt con. Nhưng chị cần anh ấy, các con chị cần anh ấy. Anh ấy phải sống, phải mạnh khỏe để trở về từ hoạn nạn và để minh chứng với cuộc đời về chính con người anh ấy. Và chị phải làm tất cả với mục đích duy nhất lúc đó là anh ấy phải trở về trong danh dự của một con người. Anh ấy phải được hoàn trả danh dự và quyền sống với nhân cách của một con người chân chính mà anh ấy đã sống và đã tạo dựng nên bởi chính lao động của mình trước đó.
 
Chị ngồi nói về chồng, về con, về gia đình, về bạn bè, về những người đã không ngại ngùng khi chồng chị gặp hoạn nạn và giúp đỡ vợ chồng chị. Chị nói về họ với niềm yêu thương và xúc động. Rồi bất chợt chị đưa cho tôi xem tập bản thảo. Tôi thực sự bất ngờ. Đó là những bài thơ chị viết. Tôi đã không đọc một bài nào ngay lúc đó. Và một buổi tối mùa đông rét đậm, tôi ngồi đọc những bài thơ của chị. Và từ những bài thơ đó, tôi thấy những đợt sóng của cảm xúc thương yêu, trăn trở, khát khao, nguyện cầu…dâng trào. Lúc đó, tôi hiểu hơn con người chị. Tôi không ngờ sau dáng vẻ hiền lành, giản đơn, nhẫn nại…của chị lại chứa đựng những cảm xúc tinh tế và mạnh mẽ cùng với những suy tư sâu sắc về đời sống này đến thế.
 
Cho dù những bài thơ ấy viết về những điều khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn vang lên da diết và nóng bỏng một khát vọng lớn nhất: khát vọng về một sự bình an cho gia đình chị và cho chính bản thân chị. Chị chỉ cần như thế. Những người phụ nữ Việt Nam hay những người phụ nữ trên thế gian này cũng chỉ cần như thế. Bởi chị hiểu cái giá của sự bình an lớn lao và hệ trọng đến như thế nào đối với con người dù họ là một người nông dân hay là một nguyên thủ quốc gia... Đó chính là giá trị lớn nhất của đời sống một con người. Và trong mỗi con người đang sống trong đời sống này đều hiểu rằng: khi họ sống trong một toà biệt thự lớn lao mà không có bình an thì toà biệt thự kia sẽ thế nào? Khi họ sống trong sự giàu có mà không bình an thì những đồng tiền của sự giàu có sẽ như thế nào? Và khi ai đến được sự bình an thì nghĩa là họ đã đến được cái gốc của hạnh phúc.
 
Chiều 3/7/2012 (Rằm tháng Năm, Nhâm Thìn), ngày đưa tiễn chị Nguyễn Thị Lý về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà, xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
 
Chị sẽ mãi mãi là người đứng sau chồng chị, nhà văn, Trung tướng chị sẽ mãi mãi đứng sau các con chị, những tiến sỹ có tài và có lòng hiếu thảo. Xã hội đã biết đến chồng chị, biết đến các con chị, nhưng có thể không biết đến chị. Nhưng chị hạnh phúc vì tình yêu và sự hy sinh âm thầm của chị cho họ. Chị chính là hình ảnh của người phụ nữ truyền thống. Chị chính là một trong ít người quan trọng làm nên sự nghiệp và danh tiếng của chồng con chị. Nhưng khó có ai nhận ra chị nếu không biết chị từ trước khi chị đi chiếc xe máy cũ kỹ trên đường với chiếc giỏ đựng rau, đậu, đựng gạo, muối… như muôn vàn những người phụ nữ thuỷ chung, nhẫn nại, khép mình và lúc nào cũng âu lo và hy sinh không đòi hỏi cho người khác. Và đó là lý do chúng ta phải cất tiếng nói về họ.

Nguyễn Quang Thiều
.