20 năm trước, ngày 9-8-1999, trong một chương trình truyền hình bất thường được cả nước Nga theo dõi trong sửng sốt, nhà lãnh đạo – Tổng thống đầu tiên của nước Nga độc lập Boris Yeltsin gọi tên người duy nhất mà ông tin tưởng để kế nhiệm vai trò lãnh đạo đất nước - Vladimir Putin. Ông Putin được chọn làm Thủ tướng khi mới 47 tuổi và trở thành Tổng thống chỉ sau đó vài tháng.
Dù với xuất phát điểm là một người không có nhiều kinh nghiệm chính trị, nhưng 20 năm sau ngày nhậm chức, ông Putin vẫn thể hiện bản lĩnh của một chính trị gia tài năng và đóng một vai trò quan trọng đối với tình hình thế giới.
Tổng thống đầu tiên của nước Nga độc lập Boris Yeltsin gọi tên người duy nhất mà ông tin tưởng để kế nhiệm vai trò lãnh đạo đất nước - Vladimir Putin. |
Nhiều người nói những thành công của ông trong việc “chèo lái” nước Nga là khả năng thiên bẩm, nhưng cũng có người cho rằng, là người chứng kiến sự phát triển của nước Nga từ thời Liên Xô, Tổng thống Putin đã được đào tạo chuyên nghiệp và rèn giũa qua nhiều vị trí công việc khác nhau, từ một điệp viên của Cơ quan An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) đến một chính trị gia bản lĩnh.
Ngày nay, đại đa số người dân Nga vẫn coi Tổng thống Putin là người vực dậy nước Nga và là người bảo đảm cho sự ổn định của nước Nga bây giờ và cả sau này. Ngay cả khi kinh tế Nga gặp khó khăn vì đối mặt với cấm vận từ phương Tây, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Putin vẫn khiến phương Tây sửng sốt: 77%.
Vladimir Putin sinh ngày 7-10-1952 tại Leningrad (thành phố St. Petersburg ngày nay). Cha ông từng là thủy thủ tàu ngầm trước Chiến tranh Thế giới thứ hai. Putin tốt nghiệp đại học năm 1975 ở quê nhà và sớm được tuyển mộ làm điệp viên rồi phục vụ KGB ngay từ năm đó.
Trong quãng thời gian 1985-1990, ông lưu trú tại thành phố Dresden, Đông Đức. Nhà lãnh đạo Nga từng tiết lộ, vào những năm trước khi Liên Xô sụp đổ, ông phụ trách hoạt động tình báo của Liên Xô ở nước ngoài.
Tuy vậy, nhiều nguồn tin nhận định, nhiệm vụ chính của ông Putin là thu thập thông tin về khối quân sự đối địch Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong một lần hiếm hoi khác chia sẻ về quãng thời gian công tác tại KGB, người đứng đầu nước Nga nói rằng, việc trở thành điệp viên là ước mơ từ nhỏ. Ông bị hấp dẫn bởi các bộ phim và tiểu thuyết về các điệp viên.
Những năm công tác ở KGB cũng được cho là quãng thời gian quan trọng giúp ông rèn giũa bản lĩnh cứng rắn. Ông chủ Điện Kremlin cho biết ông từng hợp tác hoặc tham gia những chiến dịch tình báo vô cùng bí mật, thậm chí bất hợp pháp. "Những liên hệ mà tôi từng tham gia khi phục vụ tại KGB không chỉ đơn giản là việc kết nối các Cơ quan tình báo nước ngoài, mà thậm chí là với những chiến dịch, nhân viên tình báo bất hợp pháp", Tổng thống Putin chia sẻ.
Tổng thống Vladimir Putin cũng ca ngợi mạng lưới các nhân viên tình báo Nga và gọi họ là những người “có một không hai”, sẵn sàng từ bỏ cuộc đời bình thường để cống hiến cho đất nước. “Không phải ai cũng có thể từ bỏ cuộc sống của họ, từ bỏ những người họ yêu thương, rời xa gia đình trong vòng nhiều năm, không phải ai cũng có thể hiến dâng cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc. Tôi không hề nói quá về điều này”, nhà lãnh đạo Nga tự hào nói về công việc ở KGB.
Cũng theo ông chủ Điện Kremlin, các điệp viên “không giống như những người còn lại” trong xã hội. Họ có phẩm chất, năng lực, tính cách và sự thuyết phục khác biệt so với những người bình thường. Nhắc lại một kỉ niệm đáng nhớ tại KGB, ông Putin khi ông còn đang làm sĩ quan tình báo cấp thấp, ông đã gặp Aleksandr Aleksandrovich, một viên chức tình báo cấp cao vừa trở về Liên Xô sau một chiến dịch bí mật tại nước ngoài.
“Tôi đã hỏi ông ấy, liệu công việc này (ở KGB) có phải là một công việc bình thường hay không và ông ấy có muốn nhận nhiều hơn từ đất nước khi hoàn thành nhiệm vụ? Ông ấy đã nói rằng ông đã nhận được một lời đề nghị thăng chức nhưng từ chối, tôi hỏi tại sao, và ông ấy nói rằng: Tôi coi công việc này là một phần thưởng vì quê hương (Liên Xô) đã uỷ thác tôi làm điều mà không ai khác có thể làm được, tôi phải cảm ơn đất nước vì điều đó”, Tổng thống Putin nhớ lại. “Họ là những người có một không hai. Tôi mong họ sẽ luôn hạnh phúc và thành công. Tôi chắc chắn họ sẽ nghe thấy những lời tôi nói”.
Tổng thống Putin đã tạm “nghỉ hưu” khi KGB bị giải thể vì Liên Xô sụp đổ với hàm Trung tá. Ông được coi là một ứng viên sáng giá nhất cho vị trí người đứng đầu KGB thời bấy giờ và hoạt động tại Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), cơ quan kế nhiệm của KGB trong một thời gian ngắn.
Sự nghiệp chính trị của Putin chỉ thực sự bắt đầu vào năm 1991 với công việc đầu tiên là làm cố vấn cho ông Anatoly Sobchak - Thị trưởng thành phố St. Petersburg. Sobchak được đánh giá là một chính trị gia nổi tiếng vào thời đó. Nhiệm vụ đầu tiên của Putin là đưa ra những lời khuyên cho ngài thị trường về các vấn đề chính trị quốc tế.
Ông Putin thời kỳ làm Phó thị trưởng thành phố St. Petersburg. |
Chưa đầy một năm sau, nhờ kinh nghiệm phân tích tình hình sắc sảo ở KGB với khả năng thiên bẩm trong công tác lãnh đạo, ông Putin đã trở thành Phó thị trưởng thành phố St. Petersburg trong khi vẫn giữ chức Chủ tịch Ban đối ngoại của Văn phòng thị trưởng.
Tháng 8-1996, ông đạt được bước tiến xa hơn trong sự nghiệp khi được bổ nhiệm làm phó Phòng Quản lý tài sản cho Tổng thống Nga, giám sát các vấn đề liên quan tới luật và tài sản nước ngoài. Thời điểm này, ông Putin cũng chuyển tới thủ đô Moscow cùng gia đình.
Vào năm 1998, ông Putin được Tổng thống Nga khi đó Boris Yeltsin giao nhiệm vụ điều hành cơ quan FSB (tên gọi sau khi Liên Xô sụp đổ của KGB). Cần nhắc lại rằng, quãng thời gian này là lúc nước Nga non trẻ đang gặp phải rất nhiều khó khăn sau khi Liên Xô tan rã cùng những khoản nợ ngập đầu của các tổ chức quốc tế.
Ông Putin lên làm Tổng thống Nga năm 2000. |
Tới năm 1999, ông Yeltsin quyết định từ chức trước khi nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai kết thúc và lựa chọn ông Putin là quyền Tổng thống – một vị trí lý tưởng giúp cho ông dễ dàng thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống 1 năm sau đó. Nhiều người sau đó đã cho rằng, quyết định ủng hộ Putin lên làm Tổng thống Nga là hành động sáng suốt và đậm dấu ấn nhất của ông Yeltsin.
Bản đồ hiển thị Cuộc bầu cử tại Nga năm 2000 |
Vào ngày 26-3-2000, Nga tổ chức bầu cử sớm với 11 ứng cử viên tham gia và ông Putin giành chiến thắng chung cuộc với tỷ lệ 52,9% tỷ lệ ủng hộ. Với chiến thắng này, ông Putin chính thức trở thành người đứng đầu nước Nga.
Sự xuất hiện và nhanh chóng thăng tiến của ông Putin trên chính trường gây nhiều bất ngờ cho giới quan sát. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn nhậm chức, Tổng tự lệnh nước Nga đã chứng minh cho cả thế giới thấy khả năng “chèo lái” con thuyền nước Nga với những thành tựu rực rỡ.
Bản đồ hiển thị Cuộc bầu cử tại Nga năm 2004. |
Năm 2004, Tổng thống Putin tiếp tục đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 với tỷ lệ ủng hộ áp đảo, lên tới 71,9%. Do thời hạn của nhiệm kỳ tổng thống Nga bị giới hạn, Putin đã không tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 3. Từ năm 2008 đến năm 2012, ông giữ chức Thủ tướng Nga trong nhiệm kỳ của Tổng thống Dmitry Medvedev.
Từ năm 2008 đến năm 2012, ông giữ chức Thủ tướng Nga trong nhiệm kỳ của Tổng thống Dmitry Medvedev. |
Tuy vậy, dường như vận mệnh đã gắn ông với vai trò người dẫn đầu nước Nga. Vào năm 2011, Tổng thống Medvedev đề nghị đảng Nước Nga thống nhất mở đường cho ông Putin quay lại ghế tổng thống nhiệm kỳ thứ 3. Bên cạnh đó, Quốc hội Nga đã thông qua việc sửa Hiến pháp để nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài trong 6 năm, thay vì 4 năm.
Tháng 3-2012, ông Putin đắc cử Tổng thống Nga với gần 64% phiếu bầu của người dân. Ông Putin theo đó tiếp tục lãnh đạo nước Nga tới khi cuộc bầu cử vào năm 2018. Tháng 6-2018, lịch sử thêm lần nữa gọi tên Putin khi ông giành được hơn 76% số phiếu ủng hộ của người dân trong cuộc bầu cử có hơn 900 quan sát viên quốc tế.
Riêng tại Crimea, nơi được sáp nhập trở lại Nga năm 2014 sau cuộc đảo chính bạo lực ở Kiev, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông lên đến hơn 92%, một con số kỷ lục. Với kết quả này, ông Putin sẽ lãnh đạo đất nước đến năm 2024.
Thời kỳ lịch sử nào cũng tạo ra những con người lịch sử và ở thời nào cũng có những con người làm nên lịch sử. Với ông Putin trên cương vị lãnh đạo đất nước cách đây 20 năm, nước Nga và người Nga có được đúng người, ở đúng chỗ và vào đúng thời điểm. Nước Nga thay đổi cơ bản và nhanh chóng chưa từng có trong cả kinh tế-xã hội, đối ngoại và giành lại vị trí cường quốc hàng đầu.
Diện mạo nền kinh tế và đời sống của người dân Nga được nâng cao dưới thời Tổng thống Putin. |
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông chủ Điện Kremlin tự hào nhận định rằng, thành tựu lớn nhất của ông trong quãng thời gian lãnh đạo nước Nga chính là thay đổi diện mạo nền kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. “Thành tựu lớn nhất là nền kinh tế của chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn. Nền kinh tế đã tăng gần gấp đôi về quy mô. Số lượng người dân sống dưới mức nghèo đã giảm đi một nửa”, Tổng thống Putin tuyên bố.
Vào thời điểm Putin lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu tiên, Nga chỉ có 12 tỷ USD dự trữ ngoại hối với nợ công ở mức cao, tương đương 92,1% GDP. Tuy nhiên mọi con số đã thay đổi đáng kể trong gần 20 năm qua khi nợ công của Nga hiện giảm xuống chỉ còn 15,4% theo GDP và dự trữ ngoại hối tăng quá ngưỡng 500 tỷ USD. Dự trữ vàng của Nga đã tăng gần 600% kể từ năm 2000.
Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Nga đã mua vào 8,8 triệu ounce vàng, tăng lượng vàng dự trữ lên 67,9 triệu ounce. Cơ quan này cũng xác nhận rằng, riêng tổng trữ lượng vàng của Nga đã đạt 100,3 tỷ USD vào ngày 1-7-2019. Mua vàng là một phần trong kế hoạch lâu dài của ông Putin. Dự trữ vàng giúp nâng tầm vị thế của Nga và làm giảm tác động xấu từ hệ thống tiền tệ Mỹ cùng Liên minh châu Âu.
Về an sinh xã hội, nhà lãnh đạo Nga cho biết, trong những năm 2000, dân số Nga liên tiếp giảm sút do tỷ lệ sinh tự nhiên giảm và số lượng người tử vong trẻ tuổi tăng mạnh. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn trong gần 2 thập kỷ qua.
"Trở lại thời điểm năm 2000, dân số của chúng tôi giảm gần một triệu người mỗi năm. Bạn có thể tưởng tượng ra quy mô của thảm họa đó không? Gần 900.000 người. Nhưng chúng tôi đã đảo ngược xu hướng này. Chúng tôi thậm chí còn đạt được tỷ lệ tăng dân số tự nhiên", Tổng thống Putin nói.
"Chúng tôi hiện tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong rất thấp và đã giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ xuống gần như bằng không. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị và đang triển khai một chương trình quy mô lớn để hỗ trợ các bà mẹ và trẻ em. Tuổi thọ của chúng tôi cũng đang tăng lên với tỷ lệ cao”, ông Putin chia sẻ thêm.
Đó là về kinh tế - xã hội, còn về chính trị - đối ngoại, nhiều chuyên gia nói rằng, Tổng thống Putin chính là nhân vật đưa Nga trở lại vị trí chủ trốt trên các bàn đàm phán quốc tế - một cực mạnh trong thế giới đa cực.
Vào giai đoạn mới nắm quyền, ông Putin là một trong những người đầu tiên điện đàm với Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bush để bày tỏ sự cảm thông sau cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11-9. Ông Putin cũng giúp Mỹ đánh Taliban tại Afghanistan và cho phép Mỹ hiện diện quân sự tại vùng Trung Á - một trong những lãnh thổ quan trọng với an ninh địa chính trị của Nga.
Nhưng từ sau cuộc cách mạng Cam năm 2004 ở Ukraine, thái độ của ông Putin đã thay đổi. Điện Kremlin hiểu rằng các thế lực nước ngoài không thật sự tôn trọng sự hòa hảo của Nga, mà luôn tìm cách làm giảm ảnh hưởng của Nga tại đây. Cùng thời điểm đó, sự can thiệp của phương Tây tại Iraq không hề giúp cải thiện tình hình và lại khiến Moscow mất đi nhiều lợi ích quốc gia ở Trung Đông.
Tổng thống Putin tại Hội nghị an ninh Munich. |
Năm 2007, Tổng thống Putin khiến cả thế giới sững sờ khi là cường quốc đầu tiên chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ và sáng kiến về một thế giới đơn cực do Mỹ làm bá chủ tại Hội nghị an ninh Munich. Ông tuyên bố mô hình này cực kỳ nguy hiểm và không có gì gọi là đồng nhất với nền dân chủ mà Mỹ khẳng định.
“Chúng ta luôn được dạy về sự dân chủ… nhưng vì một số lí do nào đó, những người dạy chúng ta lại không muốn bản thân họ như vậy”, ông Putin lên án Washington. Kể từ đó, ông Putin luôn để lại ấn tượng về một chính khách rất mạnh mẽ trong các vấn đề quốc tế để bảo vệ lợi ích cốt lõi của Nga trước Mỹ, Phương Tây cũng như nhạy bén trong các cuộc đàm phán song phương và đa phương.
Tổng thống Putin chấp thuận cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea. |
Tới năm 2014, ông Putin đã khiến các nước phương Tây "không kịp trở tay" khi chấp thuận cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, qua đó sáp nhập bán đảo này về Nga. Việc này tuy khiến nền kinh tế của Nga phải gánh chịu những đòn trừng phạt từ Mỹ và châu Âu, song bản lĩnh của ông Putin đã được bộc lộ rõ qua cách ông chèo lái, xoay xở để đưa Nga vượt qua những khó khăn mà các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra.
Năm 2015, Nga bất ngờ triển khai quân đến Syria theo lời đề nghị của Tổng thống nước này Bashar al-Assad, đánh dấu lần đầu tiên Nga tham gia một chiến dịch quân sự quy mô lớn ở bên ngoài nước Nga. Chỉ sau hơn 2 năm, Tổng thống Putin tuyên bố với sự trợ giúp của quân đội Nga, lực lượng vũ trang Syria đã giải phóng gần như toàn bộ lãnh thổ Syria khỏi tay bọn khủng bố.
Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, chiến thắng ở Syria chính là món quà mà Tổng thống Putin dành cho nước Nga trên cả ba lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự. Đặc biệt, nó chính là lời khẳng định cụ thể nhất về vai trò của Nga trên trường quốc tế.
Quân đội Nga ở Syria. |
“Sự tham gia của chúng tôi tại Syria một lần nữa khẳng định vai trò của Nga như một cường quốc thế giới, mà không có chúng tôi, chẳng có vấn đề nghiêm trọng nào trên thế giới được giải quyết triệt để”, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko từng tự hào tuyên bố.
Những bức ảnh gần gũi của Tổng thống Nga. |
Có thể nói, những biến động của thế giới ngày nay mang đến cho nước Nga của ông Putin nhiều thách thức. Tuy vậy, hiện tại ở nước Nga vẫn chưa thấy bóng dáng của nhân vật nào có thể được coi là ngang tầm với ông Putin trên cương vị lãnh đạo đất nước. Ở thời điểm đánh dấu 20 năm cầm quyền thành công, nhiều người cho rằng Putin cần bắt đầu để tâm đến việc liệu ông sẽ tiếp tục cầm quyền sau năm 2024 hay tìm kiếm một nhân vật đủ năng lực đưa nước Nga tiếp tục phát triển mạnh mẽ và duy trì những di sản khổng lồ của ông.