Đụng độ giữa 2 lợi ích
Sau nhiều năm đối đầu Mỹ-Trung hết sức nóng bỏng ở khu vực Biển Đông, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Michael Shanahan dự kiến sẽ công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Lầu Năm Góc tại Đối thoại Shangri-La vào hôm 1/6/2019.
Đáng lưu ý, chỉ một ngày sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tướng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) theo kế hoạch sẽ phát biểu về vai trò của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là viên tướng cấp cao nhất của Trung Quốc xuất hiện tại hội nghị quốc phòng hàng đầu này của châu Á trong 8 năm.
Tàu tấn công lưỡng cư Mỹ Wasp. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Sự hiện diện của hai quan chức này có ý nghĩa lớn. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi lý đối với gần như toàn bộ 1,3 triệu km2 Biển Đông và bất chấp tất cả để thiết lập vị thế của mình ở đây. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố không chịu nhượng dù chỉ là một ly của cái gọi là “chủ quyền” của họ ở khu vực này.
Trong khi đó các quan chức quân sự Mỹ đã cam kết mạnh sẽ tiếp tục bảo đảm một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở.
William Choong, nghiên cứu viên cao cấp tại Đối thoại Shangri-La, cho hay trong một đoạn tweet đăng tải hôm 28/5/2019 rằng sự có mặt của cả ông Ngụy và ông Shanahan sẽ tạo ra “một cuộc đụng độ giữa 2 tầm nhìn, đó là chủ trương “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở” của Mỹ-Nhật Bản và chủ trương “châu Á dành cho người châu Á” của Trung Quốc”.
Nhà phân tích Carl Schuster, cựu giám đốc tại Trung tâm Tình báo Liên hợp của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, nói với CNN: “Các lãnh đạo Trung Quốc giờ nhận ra giá trị của các diễn đàn quốc phòng đa phương và muốn tước đi của Mỹ thế độc tôn về ảnh hưởng cường quốc”.
Thế trận hùng hậu và toàn diện của Mỹ ở Biển Đông
Ý đồ của Mỹ đối với khu vực Biển Đông đã được truyền tải đi một cách mạnh mẽ.
Lầu Năm Góc đã đẩy mạnh hoạt động tự do hàng hải với mức độ thường xuyên là hàng tuần. Và tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ trong tháng 5 này có nói rằng các máy bay phản lực của không quân Mỹ đã bay bên trong và xung quanh Biển Đông gần như hàng ngày.
Mỹ đã triển khai nhiều vũ khí khí tài hiện đại tới vùng này. Trong các cuộc tập trận song phương với Philippines trong tháng 4/2019, Mỹ đã đưa 10 chiếc phi cơ tiêm kích tàng hình F-35B lên tàu đổ bộ đường biển USS Wasp – số lượng máy bay như thế là vượt mức bình thường tới 4 chiếc, rồi cho tàu này tiến vào Biển Đông.
Pháp đã đưa một tàu đi qua eo biển Đài Loan trong năm 2019 này. Pháp hiện đang phô diễn tàu sân bay Charles de Gaulle bên lề hội nghị Shangri-La. Riêng trong tháng 5/2019, chiến hạm của Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines và Mỹ đã tham gia một cuộc tập trận đa phương ở Biển Đông. Singapore - nước chủ nhà sự kiện Shangri-La, đã tổ chức tới 5 cuộc diễn tập bắn đạn thật với Ấn Độ ở khu vực này. Một đội tàu hải quân Australia cũng viếng thăm các nước quanh khu vực này trong một hải trình 3 tháng vừa kết thúc vào tuần này.
Mỹ dự kiến tung thêm nhiều “quân bài” nữa
Về phía Mỹ, giới chức nước này còn có những kế hoạch khủng hơn nữa cho năm tới.
Trong một cuộc họp báo trong tháng 5 này, Tư lệnh các chiến dịch hải quân của Mỹ Đô đốc John Richardson tái khẳng định kế hoạch triển khai tới Singapore trong năm nay hai tàu chiến nhanh và cơ động chuyên hoạt động ở vùng biển nông. Đây sẽ là các tàu Mỹ đóng ở cự ly gần nhất với Biển Đông.
Hồi tháng 3/2019 tư lệnh các lực lượng lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Tướng Robert Brown, công bố kế hoạch huấn luyện 10.000 lính Mỹ cho thực chiến trong “một kịch bản Biển Đông”. Philippines và Thái Lan được đề cập có thể là điểm đến của lực lượng binh sĩ này.
Áp lực của Mỹ lên Bắc Kinh dâng lên ở cả thủ đô Washington, nơi nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ vào tuần trước đã trình dự luật áp đặt lệnh trừng phạt lên các công ty và cá nhân Trung Quốc giúp đỡ xây dựng thế trận của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong một thông cáo, Thượng nghị sĩ phe Dân chủ Mỹ Ben Cardin khẳng định: “Trung Quốc là bên bắt nạt ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông, xâm phạm và hăm dọa các nước láng giềng. Không thể khoanh tay trước cách cư xử đó”./.