Thứ Ba, 13/08/2024, 10:50 [GMT+7]

Cảnh giác với tội phạm liên quan đến tiền giả

(Congan.nghean.gov.vn) Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tội phạm liên quan đến tiền giả có chiều hướng diễn biến phức tạp, hoạt động ngày càng tinh vi. Để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân.

Ngày 04/7/2024, Công an tỉnh Nam Định ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Hoàng Văn Quảng (sinh năm 1994), trú tại phường Đông Triều, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh về tội “làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”.

Trước đó, ngày 15/6/2024, Công an tỉnh Bình Thuận kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp để truy tố 02 đối tượng là Trần Đình Hưng (sinh năm 1995), trú tại quận 12, TP Hồ Chí Minh và Cung Đức Vy (sinh năm 1990), trú tại Quận 3, TP Hồ Chí Minh về tội “tàng trữ, lưu hành tiền giả”. Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận đã mang theo 30 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng từ TP Hồ Chí Minh đến Phan Thiết để lưu hành; thủ đoạn là sử dụng tiền giả mua hàng để được phụ lại tiền thật.

Qua các vụ việc trên cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng là sử dụng tiền giả có mệnh giá cao mua hàng hóa có giá trị thấp, để được phụ lại tiền thật. Địa bàn được các đối tượng chọn tiêu thụ tiền giả là khu vực đông người như chợ, khu du lịch, các địa điểm kinh doanh mà người giao dịch bận rộn, không kiểm tra kỹ tiền hoặc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người dân hạn chế hiểu biết về cách thức phát hiện tiền giả. Nhiều đối tượng còn tạo ra tình huống làm cho người tiếp xúc thiếu tập trung, mất cảnh giác để giao dịch tiền giả.

Tiền giả được một số đối tượng đăng bán trên mạng xã hội
Tiền giả được một số đối tượng đăng bán trên mạng xã hội

Từ các vụ việc trên, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi giao dịch, mua bán bằng tiền mặt. Khi thấy người mua hàng hoặc người tiếp xúc có các dấu hiệu khả nghi như dùng tiền mệnh giá lớn để mua hàng hóa giá trị rất nhỏ hoặc các hành vi, thái độ không bình thường khi giao dịch mua bán…, nhất là trong các bối cảnh về không gian, thời gian mà tội phạm thường lợi dụng để thực hiện hành vi tiêu thụ tiền giả như đã nêu ở trên thì cần cảnh giác, kiểm tra cẩn thận tiền do những khách mua hàng trả. Nhằm tránh bị phát hiện, các đối tượng còn để tiền giả, tiền thật xen lẫn khi mua hàng… Ngoài ra, trên một số hội, nhóm diễn đàn trên mạng xã hội, nhiều đối tượng còn rao bán, trao đổi tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau, gây khó khăn trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

Để phân biệt tiền thật, tiền giả, người dân có thể dùng tay bóp chặt tờ tiền rồi thả ra. Đối với tiền thật, khi thả ra thì tờ tiền không bị nhăn, bằng phẳng trở lại như ban đầu; đối với tiền giả, khi bóp rồi thả ra thì bị nhàu nhũ, không có sự đàn hồi. Ngoài ra, người dân có thể dùng tay kiểm tra các chi tiết in nổi trên tờ tiền như dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Quốc huy, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và số mệnh giá. Nếu tiền thật thì khi vuốt lên các chi tiết này, có cảm giác nhám, ráp, còn với tiền giả thì khi vuốt có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp…

Trường hợp phát hiện đối tượng nghi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì người dân nhanh chóng trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp xử lý.

Các hành vi mua bán, sử dụng, lưu hành tiền giả đều bị xử lý theo quy định pháp luật. Cụ thể, Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù cao nhất là chung thân nếu tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên.

Theo Khoản 1, Ðiều 18 Luật An ninh mạng năm 2018, hành vi rao bán tiền giả (hàng hóa thuộc danh mục cấm của pháp luật) trên không gian mạng bị nghiêm cấm và người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

 

                                   

 

.

Hồng Hạnh (Tổng hợp)

.