Nghị định 117 khiến một bộ phận không nhỏ anh em hay bị ép rượu mừng ra mặt. Các huynh đệ nhậu tối ngày thì âu lo vì quả thực nghị định làm anh em nhậu có phần chia rẽ đôi nơi.
Ép rượu cũng là tên một dạng văn hóa đang lan rộng. Tiền bối bảo "tửu bất khả ép", nhưng hậu sinh lại nói "ép bất khả từ". Theo quy định, người lôi kéo người khác uống rượu có hể bị phạt từ 1 triệu đồng tới 3 triệu đồng. Nghị định đi vào đời sống thì sẽ là ép mất cả tiền.
Thực trạng cũng có có nhiều chuyện đau lòng. Ở Tiền Giang. Ông Thanh ở Cai Lậy đến tìm ông Nhung và An để rủ nhậu. An đồng ý nhậu cùng với Thanh, còn Nhung thì từ chối và bỏ đi. Lúc này, bất ngờ Thanh dùng 1 tuýp sắt xông tới đánh và dùng chân đạp nhiều cái làm Nhung gục xuống đất và tử vong.
Tại tỉnh Vĩnh Long, ông Võ Thanh Tùng và anh trai là ông Võ Thanh Sơn nhậu với nhau. Sau khi uống 1,5 lít, Tùng không nhậu nữa nhưng Sơn không đồng ý. Hai anh em cự cãi đánh nhau ngã xuống mương. Tùng dùng tay kẹp cổ anh. Khi Sơn hết cử động thì Tùng buông tay.
Tại Kiên Giang, ông Dễ rủ ông Nhơn cùng nhậu, Ông Nhơn từ chối, dẫn đến cãi nhau. Dễ lấy dao đâm ông Nhơn thủng phổi khiến ông tử vong.
An Giang cũng vậy. Trong lúc nhậu, Chau Náth mời Chau Nhon uống bia nhưng Chau Nhon từ chối. Chau Náth tức giận liền dùng dao đâm Chau Nhon tử vong.
Ở mức độ ít đau lòng hơn nhưng mệt mỏi là ép rượu đoàn công tác. Về cơ sở mà không uống là không thật lòng với anh em. Mời là phải cạn. Cạn xong bắt tay. Mỗi khi có anh em về công tác thì địa phương hiếu khách phải chia người tiếp đón. Đoàn công tác về bao nhiêu người? 2 "mâm". Từ đó suy ra cần bao nhiêu cán bộ dự tiếp đoàn. Tiêu chuẩn tham gia là phải có tửu lượng tốt. Đoàn công tác thường gặp "xa luân chiến" với 1001 lý do. Uống với thủ trưởng, uống với đại diện đoàn thể. Liên tiếp mỗi người một chén thôi. Mới gặp lần đầu mà uống như huynh đệ Đào viên kết nghĩa, từ chối không hề dễ.
Bây giờ may quá, có Nghị định 117, lý do từ chối khá thuyết phục. Tuy vậy, làm thế nào để phạt. Toàn chuyện trong nhà chứ có rõ ràng như vượt đèn đỏ ngoài đường đâu. Sếp mời rượu mà từ chối bằng các lý do đang uống thuốc hay sắp đón con còn được, chứ lại bảo "Em không uống đâu, sếp ép em là em báo Công an phạt sếp 3 "củ"(triệu ) đấy...".
Có người bảo, có quý nhau mới rủ đi nhậu, mình mở miệng ra nói luật này chế tài nọ thì còn gì tình nghĩa. Uống là uống, không uống là thôi, đã không dám nói ra thì có ra luật cũng không dám nói đâu. Vụ ép này rất khó phạt vì: Làm thế nào phân biệt giữa mời, rủ rê với ép... rất mơ hồ. Làm sao dám nói "luật" với các mối quan hệ làm ăn, bạn bè, quan hệ thân tình.
Nhưng nếu một nhậu viên uống say rồi bị tai nạn giao thông thì huynh đệ bàn nhậu sẽ bị liên đới từ nhẹ đến nặng chứ không cần ai báo trước.
Chưa ai bị phạt không có nghĩa là hành vi không thay đổi. Nghị định là một quyết tâm và sự thay đổi đến từ ý thức từng người chứ không phải chờ tới khi bị phạt mới thay đổi. Ý thức lan rộng trong số đông thì hình thành văn hóa. Văn hóa gần với lệ hơn luật.
Văn hóa chi phối toàn bộ hoạt động xã hội. Thời đầu dịch COVID-19, nhiều nước không có văn hóa khẩu trang. Khi một số bang ở Mỹ ra chế tài phạt người không đeo khẩu trang khoảng 200 USD thì buồn thay, chính cảnh sát Mỹ không phạt. Bởi chính nhân viên cảnh sát nằm trong văn hóa phản đối khẩu trang.
Làm sao để thói quen ép rượu biến mất thực sự là vấn đề văn hóa. Văn hóa thì không có thưởng phạt mà chỉ là nếu lệch khỏi đám đông người ta sẽ thấy kỳ quặc. Hy vọng sau một thời không xa, cử chỉ ép rượu sẽ trở thành cứ chỉ kỳ quặc khiến những cá nhân kỳ quặc không có cách nào khác là thích ứng thay đổi theo cộng đồng.
.