Thứ Ba, 12/05/2020, 09:12 [GMT+7]

Thách thức tham vọng phi pháp ở Biển Đông

Khi Trung Quốc càng leo thang trong việc đòi chủ quyền phi lý và phi pháp ở Biển Đông, càng thấy những phản ứng và hành động răn đe mạnh mẽ hơn của cộng đồng quốc tế nhằm thách thức tham vọng độc chiếm vùng biển chiến lược này.

Máy bay trinh sát E-2C Hawkeye luyện tập trên tàu sân bay USS Nimiiz triển khai hoạt động ở Thái Bình Dương
Máy bay trinh sát E-2C Hawkeye luyện tập trên tàu sân bay USS Nimiiz triển khai hoạt động ở Thái Bình Dương

Thông điệp bước ngoặt của Mỹ ở Biển Đông

Mỹ đang có những triển khai hải quân được xem là sự phô trương lực lượng hiếm thấy ở Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông - nơi trở nên căng thẳng bởi những hành động quân sự hóa, dùng sức mạnh đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Đô đốc Mike Gilday, chỉ huy các chiến dịch Hải quân Mỹ, ngày 10-5 thông báo 6 trong số 11 tàu sân bay của nước này, gồm các tàu: Truman, Eisenhower, Ronald Reagan, Nimitz, Lincoln và Ford đang được triển khai, trong đó 3 tàu Lincoln, Nimitz và Ronald Reagan hiện hoạt động ở Thái Bình Dương.

Đô đốc Mike Gilday không cho biết cụ thể hơn về khu vực hoạt động của các tàu sân bay Mỹ tại Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các thông tin và hình ảnh của Hải quân Mỹ cho thấy các máy bay chiến đấu F/A-18C Hornet cũng như máy bay tuần thám điện tử E-2C Hawkeye liên tục có những hoạt động luyện tập trên tàu sân bay USS Nimitz đang hoạt động trên biển.

Trước đó chỉ một ngày, ngày 9-5, Hạm đội 7 - Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ cũng thông báo vừa điều động 3 tàu ngầm để tập trận cùng một số tàu chiến nổi, máy bay chiến đấu của nước này từ ngày 2 đến 8-5 ở khu vực biển Philippines. Không công bố chi tiết về 3 tàu ngầm cũng như địa điểm tiến hành tập trận, nhưng quan chức Hạm đội  7 cho biết nội dung tập trận bao gồm cả hoạt động trên mặt biển lẫn phía dưới mặt nước, cũng như tiến hành đổ bộ.

Theo giới phân tích quân sự, hoạt động diễn tập của nhóm tàu ngầm Mỹ ở khu vực vùng biển Philippines rất đáng chú ý, cho thấy Washington đang tăng cường sự hiện diện của lực lượng hải quân - gồm cả tàu chiến nổi, tàu ngầm và máy bay chiến đấu, tức là từ trên mặt biển, dưới lòng biển và vùng trời trên biển - trong khu vực. Điều đó là chỉ dấu về việc các lực lượng Mỹ tiến hành hoạt động nhiều hơn tại khu vực mà Hải quân Trung Quốc cùng các hoạt động khác của Trung Quốc đang ở thế mạnh áp đảo so với các quốc gia khác trong khu vực.

Việc Mỹ triển khai một lúc 3 tàu ngầm tham gia tập trận ở vùng biển Philippines cũng rất được chú ý bởi Washington đã công khai nhiều hoạt động của tàu chiến mặt nước, kể cả nhóm tàu sân bay hay tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường, tàu đổ bộ chở máy bay tàng hình F-35… song đây là lần hiếm hoi thông báo về hoạt động của nhóm tàu ngầm. Trong bối cảnh, Trung Quốc đang gia tăng mạnh các hoạt động để tìm cách kiểm soát khu vực trong lòng biển ở Biển Đông, việc điều động tàu ngầm tập trận ở vùng biển Philippines có thể xem là bước ngoặt mới của Mỹ trong việc gửi thông điệp đến Trung Quốc về sự can dự của nước này vào tình hình an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng. 

Một động thái rất đáng chú ý khác là việc mới đây Mỹ đã triển khai hoạt động của tàu tác chiến cận bờ USS Montgomery gần sát giàn khoan dầu khí West Capella của Philippines ở khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Philippines ở phía Nam Biển Đông. Khu vực này, Trung Quốc cũng đang triển khai nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8, những hoạt động mà Mỹ từng chỉ trích là tiến hành các hoạt động hăm dọa và bắt nạt ở Biển Đông.

Răn đe toàn diện với tham vọng độc chiếm Biển Đông

Những hoạt động đáng chú ý, mang tính bước ngoặt của Mỹ tại Biển Đông diễn ra khi mà vùng biển chiến lược này trở nên căng thẳng bởi việc quân sự hóa của Trung Quốc và đi liền với đó là những hành vi hung hăng, gây hấn nhằm đòi chủ quyền phi lý theo yêu sách “đường lưỡi bò” và thuyết “Tứ Sa” - điều mà Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã bác bỏ trong phán quyết đưa ra với vụ kiện Trung Quốc của Philippines hồi tháng 7-2016. Bất chấp đòi hỏi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông đã bị bác bỏ, Trung Quốc những năm qua đã ồ ạt tiến hành quân sự hóa trên vùng biển này.

Nhiều hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và các thực thể bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và xây dựng, bổi đắp, xây dựng thành các căn cứ quân sự quy mô lớn mà các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã cho luyện tập triển khai tới đây các máy bay chiến đấu hiện đại nhất, cũng như hệ thống tên lửa phòng không, tên lửa diệt hạm, radar… Đây thực sự là những bàn đạp quân sự để Trung Quốc sử dụng nhằm hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông.

Các quốc gia khu vực, các nước có lợi ích chiến lược liên quan tới Biển Đông, trong đó có Mỹ - quốc gia từng tuyên bố là quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và có lợi ích sống còn ở vùng biển này, đã có những tiếng nói và hành động phản đối, ngăn chặn tham vọng đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Tuy nhiên, tất cả những điều đó cho tới nay vẫn chưa khiến Trung Quốc chùn bước, lơi tay về cả hành động và tham vọng đòi độc chiếm Biển Đông.

Tiếp sau các hoạt động nằm trong khuôn khổ của việc “thực thi quyền tự do hàng hải” (FONOPS) ở Biển Đông mà được tiến hành từ năm 2018, việc Mỹ gia tăng hiện diện và hoạt động thời gian qua được xem như là thông điệp của Washington gửi đến Bắc Kinh về sự can dự vào tình hình Biển Đông. Trước hết, trong ngắn hạn, sự hiện diện của sức mạnh Mỹ cho thấy không “ngồi im” trước những hành vi gây lo ngại trên Biển Đông. Về trung và dài hạn, sự triển khai lực lượng Mỹ để muốn cho thấy rằng họ không để cho Trung Quốc mặc sức dùng sức mạnh để kiểm soát từ lòng biển, mặt biển cho tới vùng trời ở Biển Đông.

Với những tàu ngầm, tàu chiến, tàu sân bay và máy bay hiện đại nhất được triển khai tới Biển Đông, đồng thời phối hợp với các đồng minh, Mỹ đang hình thành một mạng lưới răn đe toàn diện nhằm vào những tham vọng chủ quyền phi pháp cùng hành động ỷ sức mạnh để gây hấn, bắt nạt trên vùng biển chiến lược quan trọng này.

.

Nguồn: ANTĐ