Thứ Tư, 17/07/2019, 15:19 [GMT+7]

Cảnh báo tình trạng tội phạm công nghệ cao người nước ngoài gây án tại Việt Nam

Giữa năm 2019, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với Công an các địa phương (Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa) đã triệt phá một tổ chức cờ bạc xuyên quốc gia, liên quan đến các đối tượng người nước ngoài và Việt Nam với tổng số đại lý lên đến gần 300 đối tượng, lôi kéo hàng nghìn người tham gia đánh bạc.
 
Đây chỉ là một trong những nhóm tội phạm người nước ngoài hoạt động phạm tội sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam được phát hiện trong thời gian qua…
 
Những thủ đoạn tinh vi của tội phạm ngoại
 
Mới đây, Công an TP Đà Nẵng đã làm rõ 156 đối tượng người Trung Quốc tại khách sạn Beach Light và tòa nhà Conroy Tower có dấu hiệu thuê địa điểm, đường truyền Internet để tổ chức hoạt động quảng cáo sản phẩm, mời chào khách hàng dụ dẫn người khác tham gia sàn giao dịch chứng khoán, hưởng lợi bất chính và bán các sản phẩm thương mại điện tử Trung Quốc; quản trị, điều hành hoạt động tổ chức cho công dân Trung Quốc đánh bạc trực tuyến.
 Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai triệt phá tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng Internet.
Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai triệt phá tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng Internet.
Công an TP Đà Nẵng đã tiến hành xử lý hành chính đối với các đối tượng về hành vi người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
 
Cá biệt, nhóm tội phạm người nước ngoài đã nhập cảnh vào Việt Nam thuê địa điểm, thiết lập, quản trị, điều hành các trang web đánh bạc, cá cược thể thao trên mạng Internet. Một số thiết lập, điều hành các trang web có nội dung đồi trụy, phim ảnh khiêu dâm...
 
Trường hợp khác, đối tượng gốc Phi hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội hoặc sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản ngân hàng để nhận các khoản tiền bất hợp pháp.
 
Ngày 18- 4, lực lượng chuyên trách của Bộ Công an phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương gồm Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện 3 công dân Hàn Quốc có hành vi đánh bạc và điều hành, tổ chức hoạt động đánh bạc qua mạng Internet cho người dân Hàn Quốc tham gia đánh bạc với hàng nghìn tài khoản chơi; tổng số tiền cá cược khoảng 8,6 tỷ won (tương đương 170 tỷ đồng).
 
Qua kiểm tra đã thu giữ 32 máy tính để bàn, 2 máy tính xách tay, 20 điện thoại di động, nhiều thiết bị điện tử, tài liệu liên quan đến vụ án. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã bàn giao đối tượng cho Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc tiếp tục điều tra, xử lý…
 
Tuy nhiên, đó chỉ là hai trong số nhiều vụ đã bị lực lượng Công an triệt phá trong thời gian qua. Theo đại diện của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thời gian gần đây, trộm cắp thông tin thẻ (Skimming) là một trong những thủ đoạn tội phạm người nước ngoài thực hiện ở Việt Nam.
 
Các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam sẽ sử dụng thiết bị trộm cắp thẻ ngân hàng (Skimming) nhỏ, mỏng gắn vào phía trong của khe cắm thẻ. Một số trường hợp, làm giả thiết bị anti- skimming của cây ATM hoặc lắp bàn phím giả dùng để thu mã pin gắn ở phía trên bàn phím của máy ATM để lấy mã pin.
 
Sau khi lấy được thông tin thẻ ngân hàng và mã pin, các đối tượng sử dụng thiết bị để làm giả thẻ ngân hàng bao gồm phần mềm chuyên dụng và thiết bị đọc, in dữ liệu thẻ từ. Khi các thẻ giả được làm thành công, các đối tượng sử dụng để rút tiền tại các máy ATM.
 
Hiện nay, hoạt động của các nhóm đối tượng người nước ngoài chuyên nghiệp hơn. Các đối tượng chia thành nhiều nhóm nhỏ, phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng. Trong đó có nhóm gắn thiết bị, nhóm lấy thiết bị, thu thập thông tin thẻ sau đó gửi cho nhóm công nghệ (IT) để làm thẻ giả, nhóm đi rút tiền.
 
Nhiều vụ Skimming lấy dữ liệu ở một tỉnh, sau đó lại sang địa bàn tỉnh khác để thực hiện rút toàn bộ tiền trong tài khoản. Khi một nhóm bị bắt, các đối tượng sẽ xuất cảnh và thay bằng các đối tượng khác vào Việt Nam để tiếp tục thực hiện.
 
Ở phía Bắc, nhóm đối tượng phạm tội chủ yếu là người Trung Quốc, Indonesia, Malaysia. Ở phía Nam và miền Trung, là các đối tượng ở các nước Đông Âu như Bungari, Ruamani, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Anh..., hoạt động chủ yếu tại các thành phố lớn, khu du lịch như Hà Nội, Hội An, Quảng Nam, Nha Trang Khánh Hòa, Mũi Né, Phan Thiết Bình Thuận, Ninh Thuận, Vũng Tàu, Tp Hồ Chí Minh...
 
Trường hợp thứ hai, các đối tượng đã làm giả thẻ ngân hàng, thực hiện thanh toán "khống" hàng hóa, dịch vụ qua POS để chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này, các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, móc nối với các đơn vị chấp nhận thẻ làm giả thẻ, thanh toán "khống" qua POS để chiếm đoạt số tiền lớn của ngân hàng và chủ thẻ.
 
Trong trường hợp này, các đối tượng người nước ngoài móc nối với người Việt để thỏa thuận về việc thanh toán "khống" hàng hóa, dịch vụ qua máy POS, dưới danh nghĩa đầu tư làm ăn tại Việt Nam để yêu cầu thành lập công ty; ký hợp đồng làm đơn vị chấp nhận thẻ với các ngân hàng thương mại Việt Nam.
 
Các đối tượng yêu cầu đăng ký, sử dụng POS không dây để làm giả thẻ, thanh toán khống tại khu vực chống lấn sóng, khu vực biên giới để che giấu, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của ngân hàng và các cơ quan chức năng.
 
Khi móc nối thành công, các đối tượng đến đơn vị chấp nhận thẻ để tiến hành làm giả thẻ và thanh toán "khống" qua POS hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp này, ngay khi tiền được ngân hàng báo "có" vào tài khoản của đơn vị chấp nhận thẻ, chủ tài khoản sẽ lập tức ra ngân hàng rút tiền, chia phần trăm với các đối tượng người Trung Quốc.
 
Sau khi nhận được tiền, các đối tượng người Trung Quốc sẽ chuyển tiền qua các cửa hàng vàng (tín dụng đen) hoặc yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản có sẵn của các "chợ đổi tiền" ở khu vực biên giới như Móng Cái, Lạng Sơn, Cao Bằng để chuyển về Trung Quốc.
 
 Tương tự, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng mạng viễn thông thiết lập tổng đài VoIp (gọi điện thoại trên nền Internet) để lừa đảo công dân Việt Nam cũng rất tinh vi.
 
Trong trường hợp này, thủ đoạn của các đối tượng thường là sang Việt Nam thuê nhà, thuê đường truyền, thiết lập tổng đài lừa đảo công dân tại nước sở tại. Đối với các vụ án này, người bị hại đều là công dân nước ngoài (thông thường là người Trung Quốc), các đối tượng chỉ "mượn" đất Việt Nam làm địa bàn phạm tội.
 
Một số trường hợp đã tổ chức đánh bạc qua mạng Internet cho người dân ở nước sở tại. Trong trường hợp này, thủ đoạn của các đối tượng là thuê nhà, thuê đường truyền, xây dựng, quản lý các trang web tổ chức đánh bạc cho người dân nước sở tại đánh bạc trực tuyến. Và cũng giống như hoạt động sử dụng dịch vụ VoIP lừa đảo qua mạng viễn thông, các đối tượng thường thuê nhà biệt lập, chung cư cao cấp với nhiều lớp bảo vệ, nhiều camera bảo vệ, ít ra vào giao tiếp với người bên ngoài.
 
Không để tội phạm người nước ngoài lợi dụng Việt Nam làm nơi phạm tội
 
Với chính sách cởi mở, phong cảnh đẹp, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, một số nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao người nước ngoài cũng lợi dụng chính sách mở cửa để trà trộn, nhập cảnh vào Việt Nam để hoạt động. Đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Các đối tượng hoạt động trên tất cả các lĩnh vực.
 
Việc phát hiện, đấu tranh với các đối tượng này hiện nay gặp không ít khó khăn do thủ đoạn tinh vi của các đối tượng phạm tội. Cụ thể, các đối tượng thường thuê các địa điểm biệt lập, khép kín hoặc những căn nhà ở các khu đô thị mới, nơi ít người để ý, khó quan sát; thường khai báo tạm trú đối với một vài thành viên, các đối tượng khác khi nhập cảnh vào Việt Nam thường khai báo tạm trú tại khách sạn. Sau đó, các đối tượng này di chuyển về địa điểm hoạt động mà không khai báo tạm trú với chính quyền địa phương nhằm tránh bị để ý, giám sát.
Hiện trường vụ đánh bạc tại Lào Cai.
Hiện trường vụ đánh bạc tại Lào Cai.
Để phòng ngừa tội phạm trên, cần sự vào cuộc không chỉ riêng của lực lượng Công an. Người dân và chính quyền địa phương cần nâng cao ý thức cảnh giác. Đối với các chủ căn hộ, khi ký hợp đồng cho thuê nhà cần phải biết người thuê nhà sử dụng vào mục đích gì.
 
Trong trường hợp phát hiện các dấu hiệu nghi vấn như một căn hộ có sinh hoạt tập trung đông người nước ngoài; ngoài cổng nhà thường xuyên đóng kín cửa, che rèm để tránh sự quan sát của người xung quanh; ít ra ngoài và tiếp xúc với những người xung quanh..., cần phải thông báo cho Công an và chính quyền địa phương nơi sở tại. Về phía lực lượng Công an cấp sơ sở cần phải thường xuyên kiểm tra địa bàn.
 
Trong đó tập trung vào những đối tượng có biểu hiện bất minh về thời gian và kinh tế. Lực lượng Công an cơ sở cần phải nắm rõ những biểu hiện bất thường, ngoài nơi ở, còn là bất minh trong quan hệ và sinh hoạt. Có như vậy mới ngăn chặn được tội phạm "ngoại" lợi dụng lãnh thổ Việt Nam thực hiện hành vi phạm tội.
.

Nguồn: Xuân Mai/CAND

.