Thứ Tư, 28/06/2023, 16:06 [GMT+7]

Dự thảo Thông tư quy định chế độ điều dưỡng trong Công an nhân dân

Để nâng cao việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cán bộ, chiến sĩ sau thời gian làm việc, công tác, chiến đấu căng thẳng, nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, Bộ Công an đang dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 105/2020/TT-BCA ngày 05/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ điều dưỡng trong Công an nhân dân gồm 03 Chương 15 Điều để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Quy định đối với 06 trường hợp được thực hiện chế độ điều dưỡng


Theo đó, dự thảo Thông tư quy định đối với 06 trường hợp được thực hiện chế độ điều dưỡng gồm:

(1) Cán bộ, chiến sĩ công tác, chiến đấu, lao động thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Bộ Lao động thương binh và xã hội; cán bộ, chiến sĩ có sức khỏe kém mà cơ sở y tế cùng cấp đề nghị cần thiết phải đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe;

(2) Cán bộ, chiến sĩ sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi;

(3) Cán bộ, chiến sĩ đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc sau khi điều trị tại cơ sở y tế mà sức khỏe chưa phục hồi;

(4) Cán bộ, chiến sĩ nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi;

(5) Cán bộ, chiến sĩ có đủ điều kiện nghỉ công tác chờ hưởng chế độ hưu trí mà có vấn đề về sức khỏe cần thiết phải đi điều dưỡng trước khi nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí; (6) Người có công với cách mạng đang công tác trong Công an nhân dân.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định các trường hợp không được thực hiện chế độ điều dưỡng gồm:

(1) Cán bộ, chiến sĩ thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thực hiện chế độ điều dưỡng tập trung: Các trường hợp tổn hại sức khỏe do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định; Có thời gian công tác và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 03 tháng; Có bệnh đang điều trị tại các cơ sở y tế; Đang trong thời hạn chấp hành kỷ luật; Bị tạm đình chỉ, đình chỉ công tác; đang trong thời gian xác minh, xem xét, kết luận đơn, thư khiếu nại, tố cáo hoặc đang chờ xét kỷ luật (cả về Đảng, Chính quyền). Sau khi xác minh, nếu kết luận không có sai phạm thì ngay sau khi có kết luận được thực hiện chế độ điều dưỡng theo quy định; nếu xác minh có sai phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì thực hiện chế độ điều dưỡng vào năm tiếp theo (nếu có);

(2) Các trường hợp hưởng chế độ điều dưỡng tại chỗ (tại nhà) thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động.

Quy định tăng thời gian điều dưỡng tối đa 10 ngày

Đáng chú ý, dự thảo Thông tư có quy định tiêu chuẩn tăng thêm thời gian điều dưỡng, phục hồi sức khỏe đối với cán bộ, chiến sĩ gồm ba mức:

Mức 1: Tối đa 10 ngày đối với cán bộ, chiến sĩ sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau điều trị tại cơ sở y tế do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; cán bộ, chiến sĩ nữ sinh một lần từ hai con trở lên; người sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên; cán bộ, chiến sĩ công tác, chiến đấu, lao động thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Bộ Lao động thương binh và xã hội.

Mức 2: Tối đa 07 ngày đối với cán bộ, chiến sĩ sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau phải phẫu thuật tại cơ sở y tế; cán bộ, chiến sĩ nữ sinh con phải phẫu thuật; người sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa hồi phục có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%; cán bộ, chiến sĩ công tác, chiến đấu, lao động thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Bộ Lao động thương binh và xã hội.

Mức 3: Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp thai sản khác; người sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa hồi phục có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%; Bằng 05 ngày đối với cán bộ, chiến sĩ sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau điều trị tại cơ sở y tế; cán bộ, chiến sĩ có sức khỏe kém mà cơ sở y tế đề nghị cần thiết phải đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe và các trường hợp cán bộ, chiến sĩ có đủ điều kiện nghỉ công tác chờ hưởng chế độ hưu trí mà có vấn đề về sức khỏe cần thiết phải đi điều dưỡng trước khi nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư quy định: Cán bộ, chiến sĩ đi điều dưỡng tập trung được bố trí phương tiện đưa đón. Trường hợp không bố trí được phương tiện đưa đón hoặc có bố trí nhưng không đáp ứng được nhu cầu thì cán bộ, chiến sĩ tự túc phương tiện đến cơ sở điều dưỡng và được thanh toán tiền phương tiện đi lại tại Công an đơn vị, địa phương nơi cán bộ, chiến sĩ đó công tác. Mức thanh toán khi cán bộ, chiến sĩ tự túc phương tiện đi lại: thanh toán theo giá vé thực tế nhưng không quá giá vé tàu, xe chất lượng cao (ngồi mềm, điều hòa hoặc giường mềm, điều hòa) quy định từ địa phương nơi cán bộ công tác, đóng quân đến cơ sở điều dưỡng. 

Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng (nội dung chi tiết xem tại tệp đính kèm). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.

 

 

.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

.