Bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ
Theo Bộ Công an, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhiều hoạt động của CSCĐ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật xây dựng theo hướng tách nhiệm vụ và quyền hạn của CSCĐ thành 2 điều, bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ để đảm bảo đầy đủ hơn nữa những nhiệm vụ, quyền hạn mà CSCĐ đang thực hiện.
Cụ thể, bổ sung thêm nhiệm vụ tham gia phối hợp với các lực lượng trong CAND đấu tranh triệt phá các chuyên án có tính chất phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác của Cảnh sát cơ động.
Đồng thời bổ sung thêm quyền hạn được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thủy trong trường hợp tác chiến theo chức năng, nhiệm vụ của CSCĐ; ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác và các mục tiêu bảo vệ; các quyền hạn khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và luật khác có liên quan.
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định cụ thể nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ; quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh CSCĐ tham gia một chuyên án bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm tại Sơn La. |
Quy định rõ hơn việc sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ
So với Pháp lệnh CSCĐ, dự thảo Luật CSCĐ đã quy định rõ hơn về các biện pháp công tác và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tại Khoản 14 Điều 16 Luật CAND có quy định CAND được áp dụng 7 biện pháp công tác để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất, tránh trùng dẫm về mặt nội dung của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật CSCĐ xây dựng theo hướng quy định CSCĐ phải kết hợp chặt chẽ biện pháp vũ trang với các biện pháp công tác khác của lực lượng CAND trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao tại nguyên tắc hoạt động của CSCĐ.
Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với CSCĐ đã được quy định rõ hơn trong dự thảo Luật. Đặc biệt là thẩm quyền ra mệnh lệnh sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khi thi hành nhiệm vụ có tổ chức là do người chỉ huy trực tiếp phương án tác chiến quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
CSCĐ phối hợp với cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ
Theo dự thảo Luật, các quy định về việc phối hợp của CSCĐ với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ gồm quy định về nguyên tắc phối hợp, nội dung phối hợp và giao Chính phủ quy định chi tiết việc phối hợp của CSCĐ với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết việc phối hợp giữa CSCĐ với các lực lượng khác thuộc Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự thảo Luật cũng quy định về việc bố trí sử dụng cán bộ, chiến sĩ CSCĐ phù hợp với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động của từng lực lượng của CSCĐ; bổ sung trách nhiệm của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với CSCĐ cụ thể gồm quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với CSCĐ; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với CSCĐ; trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với CSCĐ.
Ngoài ra, theo dự thảo Luật, thẩm quyền điều động của Tư lệnh CSCĐ được điều chỉnh theo hướng quyết định điều động các đơn vị CSCĐ thực hiện nhiệm vụ theo phương án tác chiến để đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong việc điều động CSCĐ, phù hợp với các tình huống cụ thể nhưng vẫn đảm bảo sự chặt chẽ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.