- Việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
- Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, lực lượng Công an là nòng cốt, chủ trì trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
- Nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy. Quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội.
- Mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy. Ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước, kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với VKSND cùng cấp tổ chức giám định số ma tuý thu giữ trong một chuyên án |
2. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong sửa đổi Luật Phòng chống ma túy
- Quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là tại Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 25 của Thủ tướng Chính phủ.
- Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy.
- Tổng kết đầy đủ, toàn diện về công tác phòng, chống ma túy trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống ma túy hiện nay và trong những năm tiếp theo.
- Đảm bảo phù hợp với thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là 03 Công ước quốc tế của Liên Hợp quốc về ma túy năm 1961, 1971, 1988, các cam kết quốc tế, khu vực và một số công ước quốc tế về quyền con người. Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn công tác phòng, chống ma túy của một số quốc gia trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
3. Sự cần thiết xây dựng Luật
3.1 Cơ sở chính trị, pháp lý
- Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế”.
Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về “tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đã đưa ra yêu cầu “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống ma túy. Sớm sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy…”
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng rất quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt nhấn mạnh đến công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy. Ngày 16/9/2016, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 295/TB-VPCP thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đồng chí Phó Thủ tướng giao Bộ Công an “Nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy…” Ngày 05/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về “Tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới”, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm là “Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy theo hướng đảm đồng bộ, thống nhất, tăng cường công tác phòng ngừa, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, đẩy mạnh công tác cai nghiện tự nguyện, giảm cai nghiện bắt buộc”. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an “Chủ trì tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy…”
Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 21/12/2019 của Chính phủ về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp thường kỳ tháng 12/2019, Chính phủ đã thống nhất cơ bản thông qua các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) do Bộ Công an trình.
Ngày 29/2/2020 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1562/VPCP-PL về việc chỉnh lý dự thảo Đề nghị Chương trình xây dựng pháp luật năm 2021, trong đó Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Nghị quyết số 106/2020/QH14 ngày 10/9/2020 của Quốc hội khóa XIVvề chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chính Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 đã bổ sung dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, theo đó dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 11 khóa XIV (tháng 3/2021).
Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2020 tổ chức vào ngày 12/8/2020, Chính phủ đã nhất trí trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
3.2. Cơ sở thưc tiễn
Việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy đi vào nền nếp và có hiệu quả; nhận thức của cán bộ, công chức các cấp và đông đảo người dân trong xã hội về tác hại của ma túy và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên; công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đã có sự đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức, huy động được sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, đông đảo quần chúng, nhiều mô hình tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy có hiệu quả được triển khai, nhân rộng; từng bước đổi mới công tác cai nghiện ma túy; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy đạt được nhiều kết quả; phát hiện, điều tra, khám phá nhiều tổ chức, đường dây tội phạm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy lớn trong nước và xuyên quốc gia, thu giữ lượng ma túy rất lớn. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo nền tảng pháp lý cho việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy. Những kết quả triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việc ban hành và thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy đã thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực thi các Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy cũng như các Nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên do sự phát triển nhanh và đa dang của nền kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, như: Chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Quy định về công tác cai nghiện còn nhiều bất cập; Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 còn một số nội dung chưa đảm bảo sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Ngoài ra còn một số vấn đề của thực tiễn đang đặt ra nhưng Luật Phòng chống ma túy hiện hành chưa đáp ứng được. Cụ thể:
Tội phạm ma túy trong nước tổ chức, câu kết với các đối tượng người nước ngoài ngày càng chặt chẽ, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia phần lớn sinh sống ở nước ngoài. Cán bộ trong lĩnh vực phòng, chống ma túy luôn đứng trước các hiểm nguy, hy sinh, nguy cơ lây nhiễm HIV…nhưng Luật Phòng, chống ma túy hiện hành chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho cơ chế phối hợp điều tra của lực lượng điều tra trong nước với các nước, các tổ chức phòng, chống ma túy quốc tế; chưa có chính sách ưu đãi đối với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Một số hoạt động chưa được đưa vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy như tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, đây là hoạt động trên thực tiễn diễn ra thường xuyên, rất dễ bị các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội về ma túy. Một số loại thuốc có chứa chất ma túy, tiền chất cũng chưa được quy định kiểm soát. Thực tế các đối tượng đã lợi dụng sản xuất ma túy tổng howpk từ các loại thuốc này. Tính đến nay trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ 44 vụ sản xuất trái phép chất ma túy (trong đó có 1 vụ sản xuất Heroine, 43 vụ sản xuất ma túy tổng hợp), 15 vụ sản xuất ma túy tổng hợp bằng cách chiết xuất tiền chất từ thuốc tân dược.
Xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nên trên, việc xây dựng Luật Phòng, chông ma túy (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.
4. Một số nội dung cơ bản về dự án Luật phòng chống ma túy (sửa đổi)
Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và cụ thể hóa 03 nhóm chính sách được Chính phủ thông qua trong hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật, gồm 8 chương, 69 điều, tăng 13 điều so với Luật hiện hành; trong đó có 15 điều mới, sửa đổi, bổ sung 47 điều, giữ nguyên 7 điều. Cụ thể như sau:
Chương I. Những quy định chung, gồm 5 điều (từ Điều 1 đến 5). Ngoài giữ nguyên quy định của Luật hiện hành, dự thảo Luật bổ sung các nội dung sau:
- Phạm vi điều chỉnh: quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
- Đối tượng điều chỉnh: Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống ma túy.
- Giải thích từ ngữ: đã tách khái niệm “tội phạm về ma túy” trong khái niệm “tệ nạn ma túy” nhằm xác định đúng tính chất của “tội phạm về ma túy” và “tệ nạn ma túy”; bổ sung khái niệm người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, thuốc tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
- Về chính sách phòng, chống ma túy: Bổ sung quy định để đảm bảo điều kiện cho công tác phòng, chống ma túy, tăng cường nguồn lực và năng lực cho các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Chương II. Trách nhiệm phòng, chống ma túy, gồm 7 điều (từ Điều 6 đến 12). Ngoài việc sắp xếp lại các điều khoản của Luật hiện hành cho phù hợp; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các nội dung sau:
- Trách nhiệm của cá nhân, gia đình: Dự thảo Luật đã quy định theo hướng cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giúp đỡ, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm ma túy.
- Bổ sung nội dung quy định để cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy xuyên quốc gia hiệu quả hơn. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vi địa bàn, khu vực quản lý được phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, đảm bảo đồng bộ với Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Chương III. Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, gồm 10 điều (từ Điều 13 đến 22). Về cơ bản nội dung Chương này được kế thừa các quy định của Luật hiện hành, trong đó có bổ sung các quy định về thuốc tiền chất; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; các hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập cần được kiểm soát, không để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động.
Chương IV. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, gồm 5 điều (từ Điều 23 đến 27). Đây là Chương được quy định mới trong dự thảo Luật. Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy, mục đích là ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng, từ đó góp phần làm giảm người nghiện ma túy, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính; dự thảo Luật đã quy định các nội dung: Xác định người sử dụng trái phép chất ma túy; cơ quan có thẩm quyền xét nghiệm xác định sử dụng ma túy; biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã; cơ quan, gia đình và cá nhân người sử dụng trái phép chất ma túy. Kinh phí xét nghiệm xác định người sử dụng trái phép chất ma túy. Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy từ 18 tuổi trở lên là 01 năm, dưới 18 tuổi là 06 tháng. Thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy.
Chương V. Cai nghiện ma túy, gồm 20 điều (từ Điều 28 đến 47). Nội dung của Chương V được sửa đổi cơ bản và toàn diện so với Luật hiện hành nhằm khắc phục những bất cập trong công tác cai nghiện, đảm bảo tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời bổ sung các quy định mới đảm bảo công tác cai nghiện có hiệu quả, cụ thể như sau:
Một là, về chính sách cai nghiện: Dự thảo Luật quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; quy định cụ thể trường hợp áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác cai nghiện bắt buộc, xây dựng các cơ sở cai nghiện công lập, hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác cai nghiện tự nguyện, khuyến khích thành lập các cơ sở cai nghiện tư nhân. Tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác cai nghiện được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. Không quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. Thay thế biện pháp quản lý sau cai bằng biện pháp hỗ trợ sau cai nghiện ma túy và phòng, chống tái nghiện. Cán bộ làm việc tại cơ sở cai nghiện công lập được sử dụng trang phục thống nhất theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hai là, về công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng do cơ quan chuyên môn thực hiện. Cơ sở cai nghiện ma túy công lập, cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân và các cơ sở y tế, xã hội khác có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ được phép cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn quản lý.
Ba là, về trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện từ đủ 18 tuổi trở lên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, dự thảo Luật quy định thực hiện theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền quyết định đưa người nghiện từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện trên cơ sở tham khảo ý kiến của cơ quan bảo vệ trẻ em cùng cấp và không coi là việc xử lý vi phạm hành chính.
Bốn là, bổ sung quy định về cai nghiện ma túy cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy.
Năm là, người đang cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu bị tòa án xử phạt tù thì người đó được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Sáu là, quy định cụ thể công tác thống kê người nghiện, giao Bộ Công an có trách nhiệm tổng hợp số liệu chung về người nghiện.
Chương VI. Quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy, gồm 13 điều (từ Điều 48 đến 60). Về cơ bản nội dung Chương trình này kế thừa các quy định của Luật hiện hành và bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành cho phù hợp với các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong luật. Theo đó, bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an về giám sát, quản lý, theo dõi người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng về phối hợp với cơ quan hữu quan của nước khác để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy và kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở khu vực biên giới và trên biển; trách nhiệm của Bộ Y tế trong quản lý thuốc tiền chất; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc; trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Quy định trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phù hợp với các nội dung về công tác cai nghiện ma túy được sửa đổi. Phân công trách nhiệm cụ thể cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy.
Chương VII. Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, gồm 7 điều (từ Điều 61 đến 67). Các quy định về hợp tác quốc tế phòng, chống ma túy được kế thừa quy định của Luật hiện hành. Trong đó có sửa đổi quy định về các trường hợp từ chối tương trợ tư pháp thực hiện theo pháp luật về tương trợ tư pháp để đảm bảo tính thống nhất pháp luật.
Chương VIII. Điều khoản thi hành: quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm quy định chi tiết tại các điều, khoản được giao trong luật.