(Congannghean.vn)-Như thông tin chúng tôi đã đưa, trên cơ sở ý kiến của Sở Nội vụ, ngày 7/3/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 749/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt phương án thành lập Ban quản lý dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An” (sau đó được đổi tên thành Ban quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trong đó quy định cơ cấu tổ chức bộ máy gồm: Lãnh đạo ban có giám đốc và không quá 3 phó giám đốc; 3 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và không quá 20 người làm việc... Đồng thời, tại Điều 2 của Quyết định trên, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT căn cứ Đề án được UBND tỉnh phê quyệt quyết định thành lập Ban quản lý dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An theo đúng quy định hiện hành.
Trụ sở của Ban quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại số 8, đường Trần Huy Liệu, TP Vinh |
Tuy nhiên, điều đáng nói là 3 tháng sau, ngày 26/7/2013, ông Hồ Ngọc Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 990/QĐ.SNN.QLXD về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án NN&PTNT, trong đó cơ cấu bộ máy tổ chức là 1 giám đốc ban và 4 phó giám đốc, tăng thêm 1 phó giám đốc. Đây là điều trái với Quyết định số 749/QĐ-UBND, ngày 7/3/2013 của UBND tỉnh trước đó. Chưa dừng lại, trong quá trình hoạt động của Ban quản lý dự án NN&PTNT từ năm 2013 đến nay, có thời điểm lên đến hơn 40 người làm việc, vượt số lượng tuyển dụng hơn 20 người so với định biên được phê duyệt?! Hiện tại, một số người đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác, số người làm việc của Ban quản lý dự án NN&PTNT đang có 38 người.
Ngày 11/12/2020, trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Phan Sỹ Đức, chuyên viên Phòng Tổ chức - Biên chế, Sở Nội vụ Nghệ An cho hay: “Xét về mặt tổ chức bộ máy biên chế nói chung, nếu có sự thay đổi thì Sở chuyên ngành phải xin ý kiến của UBND tỉnh, thông qua Sở Nội vụ thẩm định, trước khi trình UBND tỉnh. Tuy nhiên, ngày 7/3/2013, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt về phương án thành lập Ban quản lý dự án khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An có quy định số lượng cấp phó là 3, đến ngày 26/7/2013, Sở NN&PTNT ban hành Quyết định số 990 về quy chế tổ chức hoạt động của ban này thì quy định cấp phó là 4, rõ ràng đây là sai so với quyết định của UBND tỉnh”, ông Đức khẳng định.
Ông Phan Sỹ Đức cho biết thêm, về chỗ biên chế người làm việc, trong Quyết định của UBND tỉnh cũng giao rất rõ, không quá 20 biên chế và quy định là yêu cầu đơn vị được phê duyệt phải thực hiện theo đúng văn bản đã được UBND tỉnh ban hành. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nếu có yêu cầu về nhiệm vụ công tác, nhiệm vụ chuyên môn cần thêm biên chế, người lao động thì cơ quan đơn vị đó và cấp trên quản lý cơ quan đơn vị phải trình cơ quan có thẩm quyền xin cho phép được ký hợp đồng và hợp đồng là bao nhiêu người. Đối với các đơn vị ký hợp đồng sau thời điểm 2013, nếu không được UBND tỉnh phê duyệt là sai so với quy định hiện hành. Ông Phan Sỹ Đức cho hay, theo thông báo chính thức hàng năm của Sở Nông nghiệp thì không thấy thể hiện con số này (Ý nói số hợp đồng lao động tăng thêm - PV)”.
Trên thực tế hiện nay, ngoài 20 biên chế người làm việc được UBND tỉnh giao, hiện tại Ban quản lý dự án NN&PTNT hiện có 38 người làm việc. Trong số những người làm việc ngoài số biên chế được giao, có những hợp đồng được ký trực tiếp với Sở Nội vụ, có những hợp đồng được ký với Ban quản lý dự án NN&PTNT.
Khi được hỏi, vì sao trong các đợt thanh, kiểm tra về công tác nội vụ trong những năm qua lại không phát hiện ra sai phạm trên? Vấn đề này, ông Phan Sỹ Đức cho biết: “Mỗi năm Sở Nội vụ chỉ thực hiện công tác thanh, kiểm tra khoảng 3 - 4 đơn vị theo kế hoạch. Riêng Sở Nông nghiệp, công tác thanh, kiểm tra được thực hiện vào năm 2012 (trước thời điểm thành lập Ban quản lý dự án NN&PTNT), năm 2021 mới có kế hoạch kiểm tra tiếp. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, dù Sở Nội vụ không kiểm tra, song các cơ quan khác như Thanh tra tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh... vẫn có các hoạt động kiểm tra về công tác cán bộ, nhân sự tại Sở Nông nghiệp”.
Về nội dung này, sau khi đến Phòng Tổ chức hành chính, Sở NN&PTNT để làm việc, chúng tôi được ông Nguyễn Quốc Sơn, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Sở NN&PTNT Nghệ An yêu cầu đề xuất rõ các nội dung làm việc bằng văn bản và hẹn sau 1 tháng mới trả lời?!
Hiện nay, ngoài số biên chế được tăng thêm, số tiền quản lý dự án hơn 20 tỉ đồng hiện Ban quản lý dự án NN&PTNT đã chi tiêu hết từ năm 2019. Thế nhưng dự án trên đang kéo dài đến năm 2023!
Dự án khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An, gồm các hạng mục: Nâng cấp hệ thống tưới: Đập dâng Đô Lương, cống Tràng Sơn, kênh chính, kênh nhánh cấp 1, 2, 3, các công trình trên kênh và lắp đặt hệ thống SCADA và nâng cấp hệ thống tiêu: Nạo vét 3 trục tiêu và mở rộng cống Diễn Thành. Tổng mức đầu tư hợp phần 1 là 5.205 tỉ đồng, do Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư. Dự án hoàn thành bảo đảm tưới ổn định cho 27.656 ha đất nông nghiệp; tạo nguồn cấp nước cho công nghiệp 1,89m3/s và sinh hoạt 1,59m3/s (900.000 nhân khẩu) cho các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và TX Hoàng Mai. Cùng đó nâng cấp, mở rộng cống Diễn Thành để tiêu úng, giảm ngập cho 1.920 ha vùng trũng 2 huyện Yên Thành và Diễn Châu; tập trung nạo vét hệ thống kênh tiêu Vách Bắc giảm ngập úng…
.