Thứ Hai, 21/09/2020, 14:38 [GMT+7]

Công trình không phép chính quyền đề nghị cắt điện,điện lực nói không!

(Congannghean.vn)-Trạm trộn bê tông không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp, hoạt động gây ô nhiễm môi trường, đã nhiều lần bị xử lý nhưng vẫn chây ỳ, hoạt động chui. Để kiên quyết xử lý, chính quyền địa phương có công văn đề nghị ngành Điện cắt điện để ngưng hoạt động nhưng điện lực không hợp tác.

Trạm trộn bê tông nhựa Asphalt không phép, không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường
Trạm trộn bê tông nhựa Asphalt không phép, không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường
Trạm trộn bê tông nhựa Asphalt của Công ty CP Xây dựng đầu tư 289, trụ sở tại TP Vinh thuê đất vườn của gia đình ông Đường Văn Hạnh ở xóm 1, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, hoạt động từ năm 2019 đến nay dù chưa được cấp phép, gây ô nhiễm môi trường. Từ đó đến nay, dù huyện Quỳnh Lưu đã nhiều lần kiểm tra, rà soát, lập biên bản sự việc, đồng thời yêu cầu phải di dời nhưng chủ đầu tư vẫn không hợp tác, ngang nhiên hoạt động. 
 
Trước sự thách thức này, ngày 31/8/2020, UBND huyện Quỳnh Lưu ban hành Công văn số 1928/UBND-KTHT xử lý trạm trộn bê tông nhựa Asphalt tại xóm 1, xã Quỳnh Tam. Theo nội dung công văn, huyện Quỳnh Lưu cho biết, trạm trộn bê tông nhựa Asphalt không phép, không phù hợp quy hoạch do Công ty CP Xây dựng đầu tư 289 lắp đặt đã được huyện Quỳnh Lưu chỉ đạo các phòng Kinh tế - Hạ tầng, Tài nguyên Môi trường, Tài chính - Kế hoạch và UBND xã Quỳnh Tam cùng Công ty CP Xây dựng đầu tư 289 xử lý, dừng mọi hoạt động và di dời trạm trộn ra khỏi vị trí nêu trên. Đến nay, Công ty thực hiện không nghiêm túc sự chỉ đạo này nên huyện Quỳnh Lưu tiếp tục yêu cầu Công ty dừng ngay mọi hoạt động và di dời trước ngày 15/9/2020. Đồng thời, huyện Quỳnh Lưu phê bình UBND xã Quỳnh Tam trong việc kiểm tra, giám sát, vận hành trạm trộn bê tông nhựa nói trên. Nếu sát thời điểm di dời mà công ty không chấp hành, xã Quỳnh Tam cần xây dựng phương án cưỡng chế. 
 
Ngay sau khi bị phê bình, cùng ngày, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tam Nguyễn Văn Quang đã ký Văn bản số 711, gửi Chi nhánh điện lực Nghĩa Đàn - Thái Hòa, nội dung: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Quỳnh Lưu, về việc xử lý trạm trộn bê tông Asphalt tại xóm 1, xã Quỳnh Tam. Theo chính quyền địa phương, trạm trộn bê tông Asphalt hoạt động không phép, không phù hợp quy hoạch, chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Mặc dù UBND xã đã lập biên bản đình chỉ hoạt động, các cơ quan chức năng và UBND huyện Quỳnh Lưu đã yêu cầu công ty ngừng mọi hoạt động và di dời ra khỏi vị trí nêu trên nhưng đến nay, Công ty vẫn cố tình hoạt động vào các buổi tối.
 
Để thực hiện tốt công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, căn cứ vào Khoản 3, Điều 7 của Thông tư số 30/2013/TT-BCT ngày 14/11/2013 của Bộ Công thương quy định điều kiện ngừng, giảm mức cung cấp điện, UBND xã Quỳnh Tam đề nghị Chi nhánh điện lực Nghĩa Đàn - Thái Hòa ngừng cấp điện kể từ ngày 31/8/2020 đối với trạm trộn bê tông Asphalt tại xóm 1, xã Quỳnh Tam, để chính quyền thực hiện tiếp các nội dung chỉ đạo của UBND huyện Quỳnh Lưu về việc xử lý vi phạm của trạm trộn này. 
 
Tại Văn bản phúc đáp số 231/ĐLNgĐTH ngày 5/9/2020, Chi nhánh Điện lực Nghĩa Đàn - Thái Hòa cho biết: Ngày 15/7/2020, Điện lực Nghĩa Đàn - Thái Hòa và Công ty CP Xây dựng đầu tư 289 đã ký Hợp đồng mua bán điện số 19/TH0002, địa chỉ tại xóm 1, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu. Mục đích sản xuất bê tông, được cấp điện qua Trạm biến áp Công ty CP Xây dựng đầu tư 289 và hiện tại, công công ty này đang thực hiện mua điện và thanh toán tiền điện phát sinh đầy đủ. Căn cứ vào Văn bản số 4608/BCT-TCTĐL ngày 27/5/2016 của Bộ Công thương và Văn bản số 2320/EVN-PC ngày 9/6/2016 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (hai văn bản này cho rằng, Luật Xây dựng 2003 quy định việc ngừng cấp điện khi cơ quan, tổ chức vi phạm trật tự xây dựng, nhưng khi Luật Xây dựng năm 2014 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, thay thế cho Luật Xây dựng năm 2003, lại không có quy định nội dung nêu trên.
 
Nên đã ban hành hướng dẫn, quy định “các đơn vị điện lực không thực hiện ngừng cấp điện theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Xây dựng quy định tại khoản 3, Điều 7 Thông tư 30/2013/TT-BCT”. Với hướng dẫn quy định nêu trên, Điện lực Nghĩa Đàn - Thái Hòa không thực hiện việc ngừng cấp điện đối với Công ty CP Xây dựng đầu tư 289, bất luận Công ty này vi phạm quy định của Luật Xây dựng.
Văn bản từ chối cắt điện của Chi nhánh điện lực Thái Hòa - Nghĩa Đàn
Văn bản từ chối cắt điện của Chi nhánh điện lực Thái Hòa - Nghĩa Đàn
Trao đổi vấn đề này với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Lợi, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cũng như ông Xuân Hùng, Trưởng phòng kinh doanh của Công ty đều cho rằng, vấn đề này xảy ra trên địa bàn Nghệ An cũng khá phổ biến, đặc biệt là các bến cát không có giấy phép tại các khu vực Hưng Nguyên, Nam Đàn và Thanh Chương. Chính quyền các địa phương này làm việc với ngành Điện, đề nghị cắt điện nhưng không thực hiện được, vì liên quan đến hợp đồng mua bán điện. Khách hàng không vi phạm bất cứ điều khoản nào trong hợp đồng thì bên điện lực không thể cắt điện. Trước khi được cấp điện, các đơn vị này đều có hồ sơ, đầy đủ tư cách pháp nhân, được cơ quan Nhà nước cấp phép hoạt động thì mới kí hợp đồng mua bán điện. “Nếu họ có đầy đủ giấy tờ và hợp đồng có hiệu lực thì bên anh không thể cắt điện của họ được. Nếu cắt điện, họ sẽ kiện ngược trở lại. Ngành điện chỉ cắt điện trong trường hợp không đảm bảo an toàn ngành Điện. Còn nếu cưỡng chế, di dời thì chính quyền chỉ được phép yêu cầu ngành Điện phối hợp để thực hiện”, ông Hùng cho biết thêm.   
 
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu điện lực Nghệ An đang có độ “vênh” nhất định trong việc phối hợp với chính quyền và cơ quan chức năng, xử lý sai phạm trong trật tự xây dựng và ảnh hưởng môi trường của cá nhân, tổ chức? Bởi, việc Công ty CP Xây dựng đầu tư 289 xây dựng trạm trộn bê tông nhựa Asphalt tại xóm 1, xã Quỳnh Tam là không đúng quy định của pháp luật. Khu đất này đang là đất nông nghiệp, đất ở, không thuộc đất quy hoạch sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, trạm trộn bê tông nhựa là loại công trình hoạt động có điều kiện, cần được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án, cấp phép xây dựng.
 
Do đó, khi kí hợp đồng mua bán điện với đơn vị này về hoạt động sản xuất bê tông, ngành Điện đã ký không đúng ngành nghề, không kiểm tra hồ sơ của khách hàng xem đã được chính quyền và cơ quan chức năng cấp phép hay chưa. Chính vì vậy, khi chính quyền đề nghị cắt điện để xử lý sai phạm, Điện lực Nghệ An dẫn văn bản hướng dẫn của cấp trên để cố tình không cắt điện, là đang cố bảo vệ cái sai ngay từ đầu của mình trong quá trình kinh doanh. Điều này đang gây khó khăn cho chính quyền và ngành chức năng trong việc xử lý vi phạm của cá nhân, cơ quan và tổ chức trong việc vi phạm trật tự xây dựng, môi trường.
Khoản 3, Điều 7, Thông tư số 30/2013/TT-TCT quy định trình tự, điều kiện ngừng, giảm mức cung cấp điện của Bộ Công thương, thì việc ngừng cấp điện được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Điện lực, Luật Xây dựng, pháp luật về bảo vệ môi trường. 

 

.

THIÊN THẢO

.