Thứ Hai, 24/08/2020, 08:28 [GMT+7]

Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động công chứng

(Congannghean.vn)-Trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và tại tỉnh Nghệ An nói riêng, tình trạng vi phạm trong hoạt động công chứng vẫn còn xảy ra; đặc biệt là có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa một số tổ chức hành nghề công chứng. Trước tình hình đó đặt ra yêu cầu cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm. Đây cũng là chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh tại Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng được tổ chức vừa qua.
Đồng chí Lê Hồng Vinh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực            UBND tỉnh trao Bằng khen cho 4 tập thể có thành tích xuất sắc                                trong thi hành Luật Công chứng
Đồng chí Lê Hồng Vinh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao Bằng khen cho 4 tập thể có thành tích xuất sắc trong thi hành Luật Công chứng
Luật Công chứng năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015. Qua đánh giá cho thấy, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, hoạt động công chứng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, kịp thời, tạo điều kiện cho các văn phòng công chứng thành lập và hoạt động, vừa đảm bảo sự tuân thủ pháp luật trong quản lý Nhà nước.
 
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 34 tổ chức hành nghề công chứng với 68 công chứng viên; trong đó có 2 phòng công chứng và 32 văn phòng công chứng được phân bố tại 15 đơn vị cấp huyện. Có 24 văn phòng công chứng đang hoạt động được thành lập theo Luật Công chứng 2006 và 8 văn phòng công chứng được thành lập theo quy định Luật Công chứng 2014.  Trong 5 năm triển khai Luật Công chứng 2014 (2015 - 2019), các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công chứng 398.826 vụ việc, chứng thực 677.773 hồ sơ, phí công chứng thu được hơn 100 tỉ đồng, phí chứng thực thu được 2,5 tỉ đồng, thù lao công chứng thu được 4,6 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 14,2 tỉ đồng.
 
Theo đánh giá, thời gian qua, các Văn phòng công chứng, công chứng viên trên địa bàn tỉnh ngày một phát triển về số lượng và chất lượng, phù hợp với lộ trình phát triển chung. Hàng năm, công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các công chứng viên luôn được UBND tỉnh quan tâm chú trọng. Trong 5 năm đã tổ chức 5 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ với sự tham gia của công chứng viên và một số nhân viên nghiệp vụ tại các tổ chức hành nghề công chứng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng và đạt nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2015 - 2019, toàn tỉnh tiến hành thanh, kiểm tra 70 lượt tổ chức hành nghề công chứng; giải quyết 7 vụ khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hành chính 19 trường hợp. Trong đó, xử lý 8 trường hợp vi phạm hành chính đối với công chứng viên và 11 trường hợp đối với tổ chức hành nghề công chứng.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Điển hình như việc các văn phòng công chứng phân bố không đồng đều ở các địa phương đã ảnh hưởng đến các đối tượng thụ hưởng, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hành nghề công chứng vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của các văn phòng công chứng, công chứng viên, gây ra nhiều hệ lụy; vi phạm trong hoạt động công chứng xảy ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn...
 
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng được tổ chức vào ngày 18/8 vừa qua, các đại biểu tham dự đã tập trung phân tích những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Đặng Thị Kim Hoa, Cục phó Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Nghệ An trong công tác triển khai Luật Công chứng thời gian qua; đồng thời, yêu cầu các cấp, ngành cần  chỉ rõ những bất cập để kịp thời khắc phục. Phát huy những kết quả đạt được, đồng chí đề nghị trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đội ngũ công chứng có chất lượng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Công chứng và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, chức năng của công chứng. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng để phục vụ người dân ngày càng nhanh chóng, hiệu quả hơn nữa.
 
Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Vinh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao đối với ý kiến chỉ đạo của đồng chí Cục phó Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp. Đồng thời, yêu cầu các cấp, ngành trong thời gian tới cần tham mưu cho phép thành lập các văn phòng công chứng đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định Luật Công chứng và Quy định về tiêu chí do UBND tỉnh ban hành; khuyến khích, tạo điều kiện cho việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ở các địa bàn cấp huyện chưa thành lập được tổ chức hành nghề công chứng. Đặc biệt, để hạn chế các hành vi vi phạm trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh, cần tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.
 
Với những thành tích xuất sắc trong 5 năm thi hành Luật Công chứng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2014 - 2020, tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 7 cá nhân.
.

Ngọc Anh

.