Thứ Tư, 10/06/2020, 10:53 [GMT+7]

Đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

(Congannghean.vn)-Trước hết, phải khẳng định rằng, trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc, bảo vệ trong mọi hoàn cảnh. Vì thế, những hành vi làm tổn hại đến thể xác và tâm hồn của trẻ đều phải bị lên án. Đó cũng chính là lý do giải thích vì sao, vấn nạn xâm hại trẻ em (XHTE) luôn khiến dư luận hết sức bức xúc, phẫn nộ và xem đây là một tội ác. Với hệ thống pháp luật ngày một hoàn thiện, các cơ quan chức năng đã và đang góp phần quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em nhằm ngăn chặn, chấm dứt vấn nạn nhức nhối này.

Các hành vi xâm hại trẻ em cần được ngăn chặn một cách kịp thời                  (Tranh minh họa)
Các hành vi xâm hại trẻ em cần được ngăn chặn một cách kịp thời (Tranh minh họa)
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 30/6/2019, Việt Nam có 24.776.733 trẻ em, chiếm 25,75% tổng dân số cả nước. Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho trẻ được phát triển toàn diện về trí tuệ lẫn thể chất. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình liên quan đến trẻ em vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, trong đó đáng chú ý là nguy cơ XHTE vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. 
 
Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống XHTE, hiện nay trẻ em có nguy cơ bị xâm hại rất lớn khi vẫn còn 8,3% trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học (trong đó 7,7% đã thôi học và 0,6% chưa bao giờ đi học). Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn nhiều với 1.773.112 trẻ, chiếm 7,16% tổng số trẻ em; số trẻ em có cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật còn lớn. Cũng theo số liệu thống kê, tính từ ngày 1/1/2015 - 30/6/2019, cả nước phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ XHTE với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó: Xâm hại tình dục: 6.432 trẻ em, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại; bạo lực trẻ em: 857 trẻ em (giết trẻ em: 191 trẻ, cố ý gây thương tích: 666 trẻ), chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại; mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em: 106 trẻ em, chiếm 1,22% tổng số trẻ em bị xâm hại... Ngoài ra, có 790.518 trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động; 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ em 15 tuổi tảo hôn.
 
Thực trạng nói trên đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về công tác bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại dưới các hình thức. Liên quan đến vấn đề này, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ngày 27/5 vừa qua, Quốc hội đã dành nguyên ngày để thảo luận trực tuyến về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE. Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại, các đại biểu cho rằng, do thiếu sự quan tâm, chia sẻ của phụ huynh và hạn chế trong quá trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đã dẫn đến việc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập.
 
Tại nhiều địa phương, việc thực thi pháp luật về phòng, chống XHTE và nhận thức, trách nhiệm, năng lực bảo vệ chăm sóc trẻ em của các cấp chính quyền vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, sự tác động của các nguồn thông tin độc hại trên mạng internet cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn. Đặc biệt, công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn khi nhiều vụ án xảy ra mà đối tượng là người thân quen, thậm chí là có quan hệ ruột thịt với nạn nhân nên gia đình không dám tố cáo hoặc lo sợ ảnh hưởng đến tương lai của con cái sau này. 
 
Từ những nguyên nhân cơ bản đó, để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, vấn đề quan trọng nhất đó là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng nặng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh XHTE; mở rộng hình thức phạt như “thiến hoá học”, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính đối tượng xâm hại để răn đe và hạn chế tình trạng tái phạm tội…
 
Tại Nghệ An, thời gian qua, việc thực hiện các chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em đã được các cấp, ngành và chính quyền các địa phương tăng cường thực hiện với nhiều giải pháp tích cực. Đặc biệt, nhiều vụ XHTE xảy ra trên địa bàn đã được lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, xử lý một cách kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, tình trạng XHTE vẫn còn diễn biến phức tạp, gây ra cho các em những tổn thất rất lớn về sức khỏe, thể chất và tinh thần. Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2015 đến tháng 6/2019, toàn tỉnh có 113 trẻ em bị xâm hại. Toà án hai cấp tỉnh Nghệ An đã thụ lý sơ thẩm 113 vụ/143 bị cáo, giải quyết xét xử 109 vụ/136 bị cáo.
 
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống XHTE" của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống XHTE vào năm 2019, các ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã chỉ rõ nguyên nhân và thực trạng công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là phòng, chống XHTE trong thời gian qua. Bên cạnh đó, cung cấp thêm về những bất cập phát sinh, đó là trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống XHTE nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách không còn phù hợp hay những bất cập từ thực tiễn vượt thẩm quyền cấp tỉnh; đồng thời có những đề xuất kiến nghị liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm XHTE.
 
Theo các cơ quan chức năng, trong thời gian tới, để hạn chế và kiểm soát tình hình XHTE, cần tăng cường và đổi mới hình thức thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn, vùng miền. Đặc biệt, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc thực thi chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em thì rất cần sự phối hợp hiệu quả giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương để công tác chăm sóc, giáo dục, quản lý trẻ em đạt được hiệu quả cao nhất.
.

Ngọc Anh

.