Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201609/dien-luc-yen-thanh-co-lam-kho-khach-hang-698364/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201609/dien-luc-yen-thanh-co-lam-kho-khach-hang-698364/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Điện lực Yên Thành: Có làm 'khó' khách hàng? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 11/09/2016, 16:00 [GMT+7]

Điện lực Yên Thành: Có làm 'khó' khách hàng?

Tính điện kinh doanh cho xưởng mộc

(Congannghean.vn)-Những ngày qua, anh Nguyễn Hồng Sơn (SN 1991) trú tại xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An rất bức xúc trước việc áp giá điện của Điện lực Yên Thành, bởi theo thông tư của Bộ Công thương quy định thì xưởng mộc nằm trong khung giá điện sản xuất. Tuy nhiên, Điện lực huyện này lại tính theo giá điện kinh doanh.

Anh Sơn đang làm việc trên máy CNC trong xưởng tại gia đình
Anh Sơn đang làm việc trên máy CNC trong xưởng tại gia đình

Theo đó, anh Sơn phản ánh: Cuối tháng 6/2016, anh mở một xưởng mộc chuyên làm tranh, ảnh, hoành phi câu đối… bằng máy CNC (còn gọi là máy in 3D). Để phục vụ công việc của xưởng, anh Sơn đăng ký lắp đường điện 3 pha.

Vừa qua, khi xem công tơ để dự tính tiền điện tháng thứ 2, anh Sơn mới tá hỏa khi biết tiền điện của xưởng mộc được tính theo mức giá điện kinh doanh. Anh cho biết: “Do tháng thứ nhất tiền điện chỉ hơn 100 nghìn đồng nên tôi không để ý. Tuy nhiên, đến tháng thứ hai thì hết hơn 1 triệu đồng, giá điện sản xuất và điện kinh doanh lệch nhau hơn 500 nghìn đồng. Bỏ ra hơn 300 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình, tiền lời không đáng là bao mà giờ điện lực áp giá như thế thì quá thiệt thòi”.

Sau khi nhận được phản ánh của anh Sơn, Điện lực Yên Thành đã cử nhân viên đến cơ sở để xử lý. Theo đó, phía Điện lực đã có 3 lần thỏa thuận với anh Sơn: Lần 1, xưởng mộc chịu 100% giá điện kinh doanh; lần 2, xưởng mộc chịu 50% giá điện kinh doanh; lần 3, xưởng mộc chịu 20% giá điện kinh doanh. Tuy nhiên, anh Sơn đều không đồng tình với thỏa thuận trên.

“Lần thứ 3, nhân viên Điện lực Yên Thành xuống cùng đoàn thanh tra của Điện lực Nghệ An. Họ nhìn vào 1 bức tranh gỗ mà tôi vừa làm xong đang đặt ở phòng rồi nói tôi trưng bày sản phẩm để buôn bán nên có dính đến kinh doanh. Tôi nói đó là sản phẩm mới làm xong, không để ở xưởng thì biết để ở đâu. Trong khi đó, theo thông tư của Bộ Công thương thì xưởng mộc được tính giá điện sản xuất”, anh Sơn bức xúc.

Khoản 10, Điều 7, Chương II, Thông tư 16/ 2014/ TT-BCT của Bộ Công thương, quy định về thực hiện giá bán điện như sau: “Giá bán lẻ điện cho sản xuất áp dụng đối với bên mua điện sử dụng vào sản xuất thuộc các ngành: Các cơ sở dệt vải, chăn nuôi, ấp trứng gia cầm, xay xát, làm đá đông lạnh, hàn, xì, cửa xẻ, đồ mộc, sấy thóc (lúa), bảo quản nông sản sau thu hoạch”.

Thông tư không… chi tiết

Trước thực tế này, ông Hồ Sỹ Vĩnh, Giám đốc Điện lực Yên Thành cho biết: Máy CNC mới có mà Thông tư 16 của Bộ Công thương chưa có hướng dẫn chi tiết nên phải áp dụng cho những cái tương tự. Trường hợp anh Sơn, người khác đưa gỗ đến, anh Sơn chỉ nhận làm đẹp tấm gỗ đó rồi lấy tiền công mà chưa thành 1 sản phẩm. Anh ấy cũng tận dụng mua một số tấm gỗ giá rẻ về làm thành các sản phẩm rồi trưng bày, ai mua thì bán. Như vậy, anh Sơn đang dùng điện làm dịch vụ mà khung điện dịch vụ nằm trong khung giá dịch vụ và kinh doanh.

Còn về việc nhân viên Điện lực Yên Thành thỏa thuận áp các mức phần trăm giá điện cho anh Sơn, ông Vĩnh khẳng định: “Các nhân viên xuống làm việc với anh Sơn về chỉ báo cáo là anh Sơn không đồng ý với khung giá mà Điện lực Yên Thành đưa ra. Mãi đến hôm trước, tôi điện thoại cho anh Sơn mới biết là nhân viên điện lực thỏa thuận áp các mức phần trăm. Việc áp giá phần trăm là sai, rất may là anh Sơn không đồng ý nên chưa thực hiện được. Muốn áp giá phần trăm thì phải có hồ sơ thống kê máy nào dùng cho mục đích kinh doanh, máy nào dùng cho mục đích sản xuất… để tính tỉ lệ phần trăm”.

Còn bà Đậu Thị Giang, Phó phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Nghệ An cho biết: Điện lực Yên Thành áp giá kinh doanh cho xưởng mộc của anh Sơn là hoàn toàn đúng bản chất sự việc. Cụ thể, anh Sơn chỉ có ki-ốt nhỏ, có máy CNC dùng để tiện, khắc họa… tranh ảnh lên tấm gỗ với hình thức nhỏ lẻ. Nếu như sản xuất thì phải có xưởng mộc có nhập thành phẩm, làm rồi xuất ra thành phẩm để cơ sở khác bán sản phẩm đó.

Ở quê với nguồn vốn, tiềm lực và khách hàng nhỏ lẻ thì làm sao người dân có thể làm được quy mô lớn để thành sản xuất? Bà Giang cho biết thêm: Do Thông tư 16 của Bộ Công thương quy định về thực hiện giá điện không hướng dẫn chi tiết, cụ thể nên cũng rất khó cho ngành điện. Thông thường, những trường hợp như thế này được áp dụng vào khung giá điện sản xuất. Việc anh Sơn bị áp điện kinh doanh là trường hợp đầu tiên của huyện Yên Thành và vùng.

Về hướng giải quyết, bà Giang cho hay: Sắp tới, Phòng sẽ có văn bản báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An để đưa ra hướng giải quyết hợp tình hợp lý; đồng thời, chúng tôi sẽ có văn bản gửi Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương để có hướng dẫn chi tiết.

.

Xuân Thống

.