Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201609/rac-thai-tan-cong-song-lach-van-697858/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201609/rac-thai-tan-cong-song-lach-van-697858/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Rác thải 'tấn công' sông Lạch Vạn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 08/09/2016, 09:38 [GMT+7]

Rác thải 'tấn công' sông Lạch Vạn

(Congannghean.vn)-“Xác” của những con tàu cũ, túi ni lông, chai lọ, xác động vật chết cùng hàng trăm loại rác thải sinh hoạt, nước thải từ cơ sở chế biến bột cá và thuỷ, hải sản đang ngày đêm xả trực tiếp xuống dòng sông Lạch Vạn khiến dòng nước chuyển màu và bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Rác thải, nước thải “bức tử” dòng sông

Tình trạng rác thải “tấn công” sông Lạch Vạn đoạn qua xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An diễn ra từ nhiều năm nay. Cách khu bến thuyền chừng 1 km đã “cảm nhận” được mùi hôi thối của rác thải đang trong thời kỳ phân huỷ. Đặc biệt, khúc sông đoạn qua chợ cá Diễn Ngọc dài khoảng 500 m, nhìn xa chẳng khác gì một bãi tập kết rác thải.

Một đoạn cửa sông Lạch Vạn ngập chìm trong rác
Một đoạn cửa sông Lạch Vạn ngập chìm trong rác

Ông Cao Văn Lục (SN 1955) - một người dân địa phương cho hay: “Mấy năm trước, dòng sông Lạch Vạn này sạch lắm. Nước trong veo nên trẻ con vẫn hay xuống tắm. Tuy nhiên, vài năm gần đây, khi có nhiều tàu thuyền đánh bắt cá về neo đậu ở cảng cùng một số nhà máy chế biến thuỷ, hải sản, bột cá được xây dựng đã ngang nhiên xả rác, nước thải xuống sông làm cho dòng nước bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Bằng cảm quan cũng phát hiện được mùi hôi thối và màu đen do nước thải, rác thải gây ra”.

Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cùng với mùi hôi tanh nồng nặc từ chợ cá và các cơ sở chế biến bột cá đã diễn ra suốt nhiều năm nay khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh nên đành chấp nhận chịu đựng hàng ngày.

Một ống dẫn thải của cơ sở chế biến bột cá xả xuống lòng sông
Một ống dẫn thải của cơ sở chế biến bột cá xả xuống lòng sông

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực bãi neo đậu tàu thuyền của bà con ngư dân, rất nhiều “xác” tàu đang mục rữa kèm theo chai lọ, túi ni lông nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Trong khi đó, dọc mép bờ tiến ra vùng cửa biển, từng bãi vỏ ốc, vỏ sò kéo dài đang bốc mùi dưới ánh nắng. Cạnh đấy, dòng nước đen ngòm, đặc quánh từ các ống xả bên khu chợ đổ xuống dòng sông qua đường ống dẫn bằng nhựa loại đường kính 10 cm.

Lạch Vạn (còn gọi là Cửa Vạn) có chiều dài khoảng 1 km, là điểm cuối của sông Bùng - nơi tiếp giáp giữa sông và biển, là nơi neo đậu thông thương đi lại của tàu thuyền, đặc biệt là của ngư dân 2 xã Diễn Ngọc, Diễn Bích (thuộc huyện Diễn Châu). Trung bình mỗi ngày có khoảng 700 tàu cá ra vào khu vực cửa Vạn. Trong đó, xã Diễn Ngọc có khoảng 500 tàu, xã Diễn Bích có khoảng 200 tàu.

Chính quyền bất lực hay thờ ơ?

Lý do các loại rác ngang nhiên được đổ xuống vùng bờ sông là bởi, khu vực ven cảng này có rất đông dân cư nhưng lại không hề có một bãi tập kết rác thải nào. Trong khi “bài toán” rác thải của người dân trong vùng chưa có lời giải thì các cơ sở sản xuất bột cá tiếp tục là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường ở sông Lạch Vạn.

Theo phản ánh của người dân, trước đây, trên địa bàn có nhiều cơ sở sản xuất bột cá và chế biến thuỷ sản như nước mắm, mắm tôm xả thải trực tiếp ra sông nhưng vì bị người dân phản đối nên họ lắp đặt thêm hệ thống xử lý. Song, không ai dám chắc nước thải đó thực sự đạt tiêu chuẩn về môi trường hay không.

Ông Nguyễn Ngọc Vận, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc thừa nhận: Tình trạng ô nhiễm khu vực cửa Lạch Vạn diễn ra đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Nguyên nhân chính là do hoạt động chế biến thuỷ, hải sản của người dân làng nghề.

Ngoài ra, một số cơ sở chế biến thủy, hải sản ở địa phương do chưa có công nghệ xử lý nước thải, khói mùi đạt chất lượng đã làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm dòng sông. Được biết, năm 2006, làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc được thành lập trên diện tích 2,16 ha.

Cùng với đó, xã Diễn Ngọc còn được hỗ trợ hơn 1,8 tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải của làng nghề với bể chứa hơn 400 m3. Tuy nhiên, do bể xây dựng quá sâu kèm theo việc thiết kế chưa phù hợp như không có hệ thống chống thấm, không có nắp đậy nên nước thải sau khi lọc không thoát được ra ngoài mà đọng lại, bốc mùi hôi thối.

.

Thủy Lợi

.