(Congannghean.vn)-Năm 2003, để thay đổi cơ cấu sản xuất, UBND xã Quỳnh Xuân (nay là phường Quỳnh Xuân), TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An “rải thảm đỏ” mời gọi đầu tư. Ông Nguyễn Viết Đa, Giám đốc Công ty Hoàng Long đã về khảo sát, chọn thuê 8.100 m2 đất nông nghiệp xứ đồng Ao Thiên để xây nhà máy giấy. Tuy nhiên, nhà máy không được xây dựng mà đất lại sang tên cho doanh nghiệp khác, dẫn đến tình trạng người lao động không có việc làm và hàng chục hộ nông dân rơi vào cảnh điêu đứng.
Khu đất xứ đồng Ao Thiên |
Diễn biến vụ việc
Theo “Đơn đề nghị” ngày 14/5/2016 của nhân dân khối 12, phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai do ông Lê Khắc Trung, Bí thư Chi bộ đại diện ký tên, “Danh sách nhận tiền bồi thường” và “Biên bản hội nghị” từ năm 2003 mà xóm trưởng cũ Lê Tiến Trình còn lưu lại được thì: Sau khi ông Đa trú tại số 12 Làng Bè, quận Lê Chân, TP Hải Phòng “ưng mắt”, ngày 15/10/2003, UBND xã Quỳnh Xuân có “Biên bản hội nghị” họp với 23 hộ dân xóm 12 thống nhất: “Đây là đất nông nghiệp được chia theo Nghị định 64 nên các hộ dân cho thuê đến năm 2016 với mức bồi thường 200 kg lúa/năm/sào, thanh toán một lần. Mỗi hộ dân được gửi 1 lao động vào nhà máy”. Biên bản này do Chủ tịch UBND xã Cao Xuân Thắng ký và đóng dấu.
Tiếp đó, ngày 5/1/2014, ông Thắng ký vào “Danh sách nhận tiền thỏa thuận bồi thường thành quả lao động, trên diện tích đất thu hồi tại xứ đồng Ao Thiên xóm 12 của 13 năm (2004 - 2016) xây dựng nhà máy giấy Hoàng Long” cho 23 hộ được nhận đền bù số tiền 79.855.360 đồng. Từ đó, mảnh đất được bao quanh rồi... bỏ hoang.
Năm 2015, doanh nghiệp Dương Long Loan (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đến đây định xây dựng nhà kho. Khi ông Trung ra hỏi thì được trả lời: “Đất này Công ty Hoàng Long nhượng lại cho doanh nghiệp Dương Long Loan 50 năm”. Đang bán tín bán nghi thì cán bộ khối 12 được mời lên UBND phường nghe phổ biến về việc dồn điền đổi thửa theo Nghị quyết 8 của Tỉnh ủy. Các hộ dân trên không được chia đất thêm vì đã “Mua đứt bán đoạn”. Qua tìm hiểu, người dân được biết: UBND xã ký cho Công ty Hoàng Long thuê thửa đất trên từ năm 2004 với thời gian 50 năm.
Trước bức xúc của người dân, ông Cao Xuân Thắng (hiện là Bí thư Đảng ủy phường Quỳnh Xuân) có tờ trình gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, cho rằng: “Phường Quỳnh Xuân, UBND huyện Quỳnh Lưu và UBND TX Hoàng Mai đều không biết mảnh đất được Công ty Hoàng Long chuyển nhượng cho doanh nghiệp Dương Long Loan và được cấp GCNQSD từ lúc nào? Ai chịu trách nhiệm đền bù số tiền thành quả trên đất 64 từ năm 2017 về sau?”.
Hồ sơ lên tiếng
Để làm rõ vấn đề, chúng tôi đã liên hệ với Công ty Hoàng Long và được trực tiếp nhìn thấy 2 bản gốc: “Bản thỏa thuận” lập ngày 2/1/2004 giữa UBND xã Quỳnh Xuân do ông Thắng đại diện bên A và ông Đa đại diện bên B thống nhất: “Chuyển nhượng toàn bộ lô đất cho bên B, thời hạn 50 năm bắt đầu từ ngày 29/1/2004. Bên B thanh toán tiền đền bù cho bên A 13 năm còn lại “đất canh tác” của 17 hộ dân là 128.223.000 đồng... Từ năm thứ 14 trở đi, bên B bồi thường thành quả lao động từng năm cho bên A 200 kg thóc/500m2/năm”. GCNQSDĐ do Sở TN&MT ký ngày 25/6/2007 cấp cho Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hoàng Long, diện tích 8.245 m2, thời gian sử dụng đến ngày 22/3/2047.
Như vậy, đã xuất hiện sự lệch pha cả về thời gian, diện tích lẫn tiền đền bù. Biên bản hội nghị với các hộ dân thống nhất 13 năm, 8.100 m2; còn bìa đỏ là 8.245 m2, thời gian 40 năm, trong lúc “Bản thỏa thuận” lại 50 năm và có thêm một điều khoản dân không được bàn là: Từ năm thứ 14 trở đi... Còn Công ty Dương Long Loan thì có GCNQSDĐ được cấp ngày 28/11/2014 do Công ty Hoàng Long chuyển nhượng. Họ còn có “Biên bản giao đất trên thực địa” ngày 15/7/2014 có dấu đỏ của UBND xã. Ông Nguyễn Xuân Mậu, Phó Chủ tịch và Nguyễn Công Đương, cán bộ địa chính, đại diện cho phường Quỳnh Xuân cùng ông Hoàng Duy Linh, đại diện Sở TN&MT trực tiếp giao đất Ao Thiên cho bên nhận là Công ty Dương Long Loan. Vậy không thể nói rằng: Chuyện sang tên đổi chủ, UBND phường không biết.
Trao đổi với chúng tôi, xóm trưởng cũ Lê Tiến Trình khẳng định: “Tôi đại diện cho 23 hộ dân tham gia ký mọi hợp đồng về khu đất này. Chúng tôi chỉ ký cho thuê đến năm 2016”.
Lời kết
Hiện nay, người dân khối 12 đã tổ chức nhiều cuộc họp và có kiến nghị tập thể, yêu cầu làm rõ: Vì sao người dân chỉ cho thuê đất đến năm 2016 mà công ty tư nhân lại được cấp bìa đến năm 2047? Quan trọng hơn, đất 64 là nguồn sống duy nhất của người nông dân nhưng nay lại không thuộc về họ và không ai chịu trách nhiệm? Câu hỏi này xin chuyển đến các cơ quan chức năng TX Hoàng Mai và UBND tỉnh Nghệ An.