Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201503/dung-de-tai-nan-lao-dong-la-ganh-nang-cua-xa-hoi-595408/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201503/dung-de-tai-nan-lao-dong-la-ganh-nang-cua-xa-hoi-595408/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đừng để tai nạn lao động là gánh nặng của xã hội - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 23/03/2015, 08:06 [GMT+7]

Đừng để tai nạn lao động là gánh nặng của xã hội

(Congannghean.vn)-Mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng, chống cháy nổ, tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp chấp hành chưa nghiêm, cộng với sự chủ quan của người lao động nên tai nạn lao động  (TNLĐ) vẫn còn xảy ra.
 
Những hệ lụy sau TNLĐ
 
Năm 2014, theo thống kê toàn tỉnh xảy ra 26 vụ TNLĐ, làm 9 người chết, 14 người bị thương; xảy ra 57 vụ cháy, tăng 25 vụ so với năm 2013, 3 vụ nổ khiến 7 người chết, 10 người bị thương, thiệt hại gần 16 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, số vụ tai nạn cũng như thiệt hại về kinh tế và sức khoẻ của người dân có thể còn cao hơn nữa. Hậu quả từ những vụ TNLĐ rất nặng nề, bởi nó không chỉ đơn thuần lấy đi tính mạng và ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn gây thiệt hại về kinh tế.
Lao động không được trang bị thiết bị bảo hộ lao động là nguyên nhân dẫn tới TNLĐ
Lao động không được trang bị thiết bị bảo hộ lao động là nguyên nhân dẫn tới TNLĐ
Người lao động mất khả năng làm việc, đồng nghĩa với việc gia đình họ cũng “khốn đốn” do mất người thân hoặc mất trụ cột lao động. Chủ sử dụng lao động cũng phải chịu thiệt hại do tốn kém chi phí y tế, giám định thương tật, bồi thường, trợ cấp cho người bị TNLĐ. Uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất bị gián đoạn do phải ngừng công việc để khắc phục hậu quả, phục vụ điều tra nguyên nhân gây tai nạn… Tuy nhiên, thiệt thòi nhất vẫn là người lao động, nhất là những lao động không được ký hợp đồng lao động. 
 
Cần giải pháp mạnh
 
Để hạn chế TNLĐ, việc đầu tiên là phải nâng cao ý thức của người sử dụng lao động, người lao động trong việc tuân thủ các quy định, quy chuẩn ATVSLĐ. Bên cạnh đó, phải tổ chức bộ phận chuyên làm công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp. Đặc biệt, các ngành chức năng phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp để xảy ra TNLĐ gây chết người hay cố tình vi phạm quy định về ATVSLĐ và không khai báo, báo cáo các vụ TNLĐ.
 
Ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Qua thanh, kiểm tra việc thực hiện ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ, phát hiện còn không ít doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này. Có doanh nghiệp không hề xây dựng các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và môi trường xung quanh. Không có bảng chỉ dẫn ATVSLĐ hoặc có nhưng lại để ở vị trí khuất tầm nhìn. Có doanh nghiệp không trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế để có thể ứng cứu, sơ cứu kịp thời khi xảy ra TNLĐ.
 
Các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn không được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng hoặc không được kiểm định định kỳ. Để nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ, trước hết cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra từ Trung ương đến địa phương việc thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về ATVSLĐ và các chế độ bảo hộ lao động của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Kiên quyết đình chỉ những cơ sở vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATVSLĐ. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp tới tất cả các cấp, ngành, doanh nghiệp về công tác đảm bảo ATVSLĐ.
 
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức và kiến thức cho doanh nghiệp và người lao động trong việc thực hiện ATVSLĐ. Những giải pháp đồng bộ và sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cấp, ngành và doanh nghiệp trong các hoạt động tuyên truyền về ATVSLĐ sẽ góp phần nâng cao nhận thức, từng bước xây dựng văn hoá an toàn lao động trong doanh nghiệp, đưa công tác ATVSLĐ vào nề nếp.
 
Tại nhiều doanh nghiệp, hoạt động của công đoàn cơ sở còn mờ nhạt, chưa bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người lao động. Mặc dù pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong công tác ATVSLĐ, nhưng dường như chưa được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng không thường xuyên kiểm tra lại việc khắc phục hậu quả của những doanh nghiệp để xảy ra TNLĐ.  
 
Để giảm thiểu TNLĐ, ngoài ý thức tự bảo vệ, chấp hành kỷ luật, quy trình lao động của người lao động thì vẫn rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các ngành, các cấp và các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động trong vấn đề quản lý, tổ chức, tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc các chính sách, quy định pháp luật về ATVSLĐ. 
.

Cao Loan

.