(Congannghean.vn)-Trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình thế giới và trong nước, Nghệ An vẫn nỗ lực triển khai và đạt những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư. Đó là những nền tảng quan trọng để thúc đẩy địa phương tạo những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội.
Theo số liệu thống kê, kết quả năm 2020 (tính đến ngày 30/11/2020), trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) cho 72 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 7.707,11 tỉ đồng (số lượng dự án giảm 19,1%, tổng mức đầu tư đăng ký tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái). Điều chỉnh 89 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 25 dự án (tăng 7.403,13 tỉ đồng). Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 15.110,24 tỉ đồng. Đó là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến toàn bộ các mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.
Cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội |
Thực tế nhiều năm qua, đặc biệt là thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã thường xuyên tổ chức gặp mặt, trao đổi, xúc tiến để “gia tăng” cơ hội thu hút các nhà đầu tư vào Nghệ An. Đó là Hội nghị với các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, là cách quảng bá rộng rãi về lợi thế của địa phương cũng như tinh thần đồng hành, chủ động của lãnh đạo tỉnh trong cam kết hỗ trợ, đồng hành với các nhà đầu tư. Nghệ An là địa phương giàu tiềm năng, lợi thế về diện tích, dân số, giao thông kết nối cũng rất thuận lợi. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Trung ương và sự năng động, quyết liệt nên hạ tầng, cơ sở vật chất đã có sự thay đổi đáng kể. Các khu công nghiệp đang ngày càng hoàn thiện.
Nhiều dự án trọng điểm được khởi công, hoàn thành đưa vào hoạt động như các nhà máy gỗ MDF, các nhà máy ximăng; Tổng kho và cảng xăng dầu DKC, Nhà máy Hoa Sen Nghệ An; các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của nhà đầu tư nước ngoài (BSE, Emtech, Luxshare ICT…). Các dự án trong KKT, KCN hàng năm đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế, vẫn còn những tồn tại mà tỉnh cần tập trung tháo gỡ. Nghệ An vẫn thiếu các dự án lớn, mang tính lan tỏa. Nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động gây khó khăn chung trong toàn bộ nền kinh tế. Vì thế, thời gian tới, những giải pháp đột phá, tạo “làn gió mới” cho thu hút đầu tư cần được khẩn trương triển khai. Trong đó, phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Đồng thời, ưu tiên các nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông, cảng biển, đô thị.
Mục tiêu mà tỉnh hướng đến là thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn nắm công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn, trong đó ưu tiên các dự án gắn với chuyển giao công nghệ, thân thiện môi trường. Trong ngắn hạn, tiếp tục thu hút FDI vào các ngành mà Nghệ An vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày, sản xuất thực phẩm..., góp phần giải quyết nguồn nhân lực lao động, song cần tập trung nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa…Năm 2021, Nghệ An phấn đấu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tập trung thu hút đầu tư vào KCN, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, KCN WHA, KCN Hoàng Mai I, KCN Đông Hồi, KCN Nghĩa Đàn.
Dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An (1030 - 2020) và đón Bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt đình Hoành Sơn tại TP Vinh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng rằng, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và quê hương xứ Nghệ nói riêng sẽ là nguồn sức mạnh và động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An biến “Khát vọng sông Lam thành kỳ tích sông Lam”.
Chỉ ra những vấn đề trọng tâm đối với Nghệ An, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tỉnh cần tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, cung ứng nguồn lao động có chất lượng để thu hút các dự án đầu tư lớn mang tính động lực với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghệ An phải xác định đến năm 2025 đứng trong tốp 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính. Bên cạnh đó, cần tăng cường hỗ trợ, đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong toàn tỉnh để nâng cao năng suất lao động, tạo ra những đột phá mới trong sản xuất và phát triển thị trường; tận dụng tốt thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường.
.