Thứ Năm, 20/08/2020, 15:03 [GMT+7]

Tan nát kênh tiêu thủy lợi bản Mồng

(Congannghean.vn)-Dự án kênh tiêu thủy lợi bản Mồng được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, chưa hoàn thành, nghiệm thu thì bị sạt lở. Suốt 5 năm qua, dự án này đang được các cơ quan chức năng loay hoay chắp vá, không những không khắc phục được sự cố, mà việc sạt lở kênh còn uy hiếp đến người dân.
 
Bộ Công an vào cuộc dự án trăm tỉ chưa bàn giao đã sạt lở
 
Trước thực trạng kênh tiêu Châu Bình, thuộc dự án Hồ chứa nước bản Mồng chưa bàn giao đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng, kéo dài, tháng 7/2020, Cục Cảnh sát ĐTTP về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu, Bộ Công an đã vào cuộc để điều tra, làm rõ về vấn đề chất lượng công trình của dự án. Cụ thể, ngày 22/7, Cục Cảnh sát ĐTTP về Tham nhũng, Kinh tế và Buôn lậu, Bộ Công an đã có Công văn số 4291/CO3-P5 gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An.
Tan nát kênh tiêu trị giá 750 tỉ đồng tại dự án Hồ chứa nước bản Mồng
Tan nát kênh tiêu trị giá 750 tỉ đồng tại dự án Hồ chứa nước bản Mồng
Theo nội dung công văn này, để phục vụ công tác điều tra, thu thập tài liệu liên quan đến dự án kênh tiêu Châu Bình chưa bàn giao đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng, kéo dài, Cục Cảnh sát ĐTTP về Tham nhũng, Kinh tế và Buôn lậu đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định đầu tư, phê duyệt đầu tư, hồ sơ khảo sát, thiết kế và dự toán; hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu, tư vấn giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán dự án kênh tưới tiêu Châu Bình thuộc dự án Hồ chứa nước Bản Mồng để làm rõ chất lượng công trình của dự án.
 
Được biết, kênh tiêu Châu Bình là hạng mục nằm trong dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt vào tháng 10/2012 với số vốn 756 tỉ đồng, do Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư, Tổng công ty 36 là nhà thầu thi công. Đây là một trong những hợp phần nằm trong dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được Nhà nước đầu tư với tổng mức vốn hơn 4.400 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, khởi công xây dựng năm 2010. Đây là dự án trọng điểm của Bộ NN&PTNT, nằm trong chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An, quy mô lớn, gồm 4 hợp phần, được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư từ năm 2009. 
 
Tuyến kênh này dài gần 10 km, đi qua hai xã Châu Bình (Quỳ Châu) và Yên Hợp (Quỳ Hợp), được đầu tư để tiêu thoát lũ vùng trung tâm thị tứ Châu Bình, đồng thời cấp nước cho 180 ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt, chăn nuôi; cải tạo môi trường sinh thái trong khu vực, kết hợp phát triển du lịch, dân sinh, phòng, chống lũ hạ du. Dự án được khởi công vào tháng 10/2014, dự kiến sẽ bàn giao, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2017.
 
Tuy nhiên, năm 2016, khi dự án đã hoàn thiện được khoảng 93% thì bị sạt lở nghiêm trọng. Từ đó đến nay, chủ đầu tư là Sở NN&PTNT Nghệ An đã nhiều lần chỉ đạo Ban quản lý dự án bản Mồng (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An) và đơn vị thi công tìm cách khắc phục sự cố sạt lở, nứt lún tại kênh tiêu Châu Bình nhưng không có hiệu quả. Theo đại diện chủ đầu tư, nguyên nhân sạt lở là do mực nước ngầm gây ra trong quá trình thi công. Hiện tượng sạt lở mái tại một số vị trí kênh tiêu Châu Bình với mức độ khá lớn, nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân hai bên kênh nếu không được khắc phục kịp thời.
Sạt lở uy hiếp đến các cây cầu bắc qua kênh  và ảnh hưởng đến người dân
Sạt lở uy hiếp đến các cây cầu bắc qua kênh và ảnh hưởng đến người dân
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê bình
 
Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường vào những ngày giữa tháng 8/2020, một số máy múc vẫn đang được nhà thầu huy động để nạo vét, bạt các bờ mương thuộc kênh tiêu Châu Bình để khắc phục sạt lở. Tuy nhiên, khi vừa nạo xong một số đoạn kênh, các vết nứt đã lập tức xuất hiện, khiến nguy cơ lại tiếp tục sạt lở, thậm chí đe dọa đến các mố cầu bắc qua kênh. Ông Lê Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu cho biết, người dân rất bức xúc, nhiều lần tiếp xúc cử tri họ yêu cầu phải khắc phục sớm. Tình trạng sạt lở đang uy hiếp, nuốt trọn những tuyến đường giao thông chạy dọc bờ kênh, không những thế, nó còn uy hiếp đến cả nhà dân cũng như đất sản xuất.
 
Hiện nay, nhiều hạng mục như bờ kè, mặt kênh với các khối lượng bê-tông rãnh dọc, ngang gia cố mái, cống tiêu nước, bị nứt toác, đổ sập hoàn toàn. Tại một số vị trí chân cầu bắc qua kênh bị sạt lở, uy hiếp đến sự an toàn của các cây cầu. Đoạn kênh gần như khô cạn, chỉ sót lại nhiều điểm nước đọng, không thể chảy. Đứng từ trên cầu kênh nhìn xuống, đây như một bãi chiến trường nham nhở. Trong khi đó, tình trạng sạt lở ngày càng ăn sâu vào diện tích dọc 2 bên kênh. Suốt gần 5 năm qua, đã có nhiều cơ quan chức năng liên quan đến hiện trường xem xét, đánh giá nguyên nhân xảy ra sự cố để đưa ra hướng khắc phục. Tuy nhiên, việc khắc phục, xử lý những hư hỏng tại dự án này cứ ì ạch khiến đời sống của người dân sống theo tuyến kênh bị ảnh hưởng. 
 
Liên quan đến dự án này, tháng 9/2014, Ban quản lý dự án bản Mồng ký hợp đồng Bảo hiểm số 09/2014/BHXD với Tổng Công ty Bảo Việt - Công ty Bảo Việt Lâm Đồng (trụ sở tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Tổng mức phí là hơn 3,7 tỉ đồng cho giá trị bảo hiểm công trình tối đa hơn 605 tỉ đồng đối với dự án đập phụ, kênh thông hồ và kênh tưới tiêu Châu Bình. Tuy nhiên, khi sự cố sạt lở xảy ra, do một số vướng mắc nên việc xem xét bồi thường, khắc phục những hư hỏng tại dự án này rơi vào bế tắc. Đánh giá tình hình sạt lở, phía công ty bảo hiểm chỉ thống nhất bồi thường hơn 400 triệu đồng. UBND tỉnh, chủ đầu tư là Sở NN&PTNT Nghệ An đã yêu cầu nhà thầu tư vấn triển khai lập phương án thiết kế dự toán khắc phục thiệt hại để gửi cơ quan bảo hiểm thẩm định, thống nhất việc khắc phục thiệt hại và sửa chữa những vị trí sạt lở. 
 
Đồng thời, chỉ đạo Ban quản lý dự án bản Mồng làm việc với công ty bảo hiểm, các nhà thầu tư vấn, thi công thực hiện việc khắc phục sạt lở mái trên kênh tiêu Châu Bình theo đúng quy định, có giải pháp kỹ thuật, an toàn lâu dài. Mặc dù vậy, hiện nay việc khắc phục sự cố vẫn đang ì ạch, thậm chí dậm chân tại chỗ. Trước mắt, nhà thầu chỉ tập trung khắc phục, gia cố tại những điểm trọng yếu, sạt lở nhiều ảnh hưởng đến sự an toàn của nhà dân, còn lại chờ sạt lở tự nhiên, đến khi ổn định thì mới tính phương án khắc phục.
 
Trong một diễn biến khác, liên quan đến dự án này, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT về kết quả giải ngân vốn của Nhà nước cấp cho dự án trong 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, tiến độ giải ngân rất thấp đối với hợp phần đền bù, GPMB. Theo đó, tại dự án vốn trái phiếu Chính phủ, Sở NN&PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư hợp phần đền bù GPMB hồ bản Mồng có tỉ lệ giải ngân dưới 15%, tiến độ chậm, không đạt giải ngân như đã cam kết. Bộ NN&PTNT đã phê bình cá nhân người đứng đầu và tập thể lãnh đạo đơn vị do triển khai dự án, hợp phần dự án trong 6 tháng đầu năm chậm, kết quả giải ngân rất thấp, mặc dù đã được các cục, vụ và Bộ NN&PTNT tháo gỡ khó khăn. 
 
Xác định chủ đầu tư yếu kém là Sở NN&PTNT Nghệ An, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An rà soát năng lực và việc thực thi nhiệm vụ của đơn vị này, xử lý nghiêm thủ trưởng và tập thể lãnh đạo đơn vị nếu tiếp tục chậm trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hợp phần dự án được giao, như kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
.

THIỆN THÀNH

.