(Congannghean.vn)-Thương hiệu là một trong những yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững của các cơ sở, doanh nghiệp. Do vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, ngành, bản thân các cơ sở, doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức xây dựng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, đảm bảo uy tín và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Sản phẩm cam Vinh được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường |
Tính đến cuối tháng 11/2019, Nghệ An có 1.037 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 955 nhãn hiệu, 59 kiểu dáng, 11 giải pháp hữu ích và 12 sáng chế. Năm 2019, tăng 76 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 70 nhãn hiệu, 2 kiểu dáng, 2 giải pháp hữu ích và 2 sáng chế. Trong số văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của tỉnh, đối tượng quyền là nhãn hiệu chiếm đa số, với 955 nhãn hiệu, chiếm 92%.
Điều đáng ghi nhận là, nhiều sản phẩm làng nghề nổi tiếng đã được bảo hộ và phát triển tốt; các sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể đã góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản, truyền thống của Nghệ An. Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực đã được nhiều địa phương quan tâm thực hiện. Đơn cử như huyện Yên Thành, với gần 300 ha trồng cam, chủ yếu là cam Xã Đoài lòng vàng đã từng bước khẳng định được thương hiệu. Một tín hiệu vui khác là mới đây, 5 xã trên địa bàn là Minh Thành, Trung Thành, Nam Thành, Đồng Thành và Xuân Thành vừa được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh. Như vậy, những hộ có điều kiện trồng cam theo quy trình an toàn, VietGAP đã được đăng ký dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh nhằm nâng cao giá trị.
Ngoài các sản phẩm nông sản, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được bảo hộ khá đa dạng như vật liệu xây dựng, các dịch vụ mua bán hàng tiêu dùng, dịch vụ nhà hàng, dịch vụ dạy nghề, đào tạo, môi giới quảng cáo... Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của Sở Khoa học và Công nghệ, trong 1.037 đối tượng được bảo hộ, chỉ có khoảng 30% đối tượng được các chủ sở hữu quyền khai thác và mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển sản xuất.
Để hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2017- 2020 với tổng kinh phí 40 tỉ đồng. Đến nay, đã có một số sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, nhiều sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc và được cấp nhãn hiệu tập thể. Cụ thể, ở Nghệ An đã được cấp văn bằng bảo hộ: 1 chỉ dẫn địa lý Cam Vinh, 2 nhãn hiệu chứng nhận Nước mắm Vạn Phần, dê Tân Kỳ, 23 nhãn hiệu tập thể (chè Nghệ An, mực Quỳnh Lưu, gà Thanh Chương, gạo Mường Nọc, bơ Nghĩa Đàn, bò giàng Tương Dương…). Dự kiến đến năm 2020 sẽ xây dựng thêm 5 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, 5 nhãn hiệu chứng nhận, 5 nhãn hiệu tập thể.
Để tạo lập giá trị sản phẩm có thương hiệu bền vững, việc kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cần được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, dù đã được cấp văn bằng bảo hộ nhưng nhiều sản phẩm vẫn chưa đủ điều kiện để lưu thông trên thị trường, như chưa được cấp giấy đủ điều kiện cơ sở sản xuất thực phẩm, chưa công bố tiêu chuẩn áp dụng, chưa thực hiện tự công bố chất lượng sản phẩm, không thực hiện ghi nhãn hoặc ghi nhãn không đúng, không đầy đủ; không thực hiện thử mẫu kiểm soát định kỳ theo quy định; bao bì sản phẩm hàng hóa không đảm bảo; chất lượng sản phẩm không đồng đều, không đảm bảo.
Trên thực tế, hiện vẫn còn nhiều DN chưa nhận thức rõ ràng ý nghĩa giữa việc “xây dựng thương hiệu” và “đăng ký nhãn hiệu hàng hóa”. Đây cũng là một khó khăn trong quá trình hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Theo đó, đăng ký nhãn hiệu là bước đi cần thiết về mặt luật pháp để hợp thức hóa và công nhận nhãn hiệu của sản phẩm, hàng hóa. Song “xây dựng thương hiệu” đòi hỏi cả quá trình gây dựng uy tín sản phẩm và uy tín doanh nghiệp, do đó thường mất một thời gian dài với rất nhiều chi phí, trí tuệ, công sức… So với việc đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu là quá trình gian nan, khó khăn. Do vậy, quá trình xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của DN cần gắn liền với công tác quản lý chất lượng hàng hóa. Bởi chất lượng là yếu tố đảm bảo chắc chắn nhất cho chiến lược phát triển thương hiệu của bất cứ sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ nào.