(Congannghean.vn)-Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ được tổ chức trong năm 2020. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Ngày 30/5/2019, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng họp phiên đầu tiên, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việc chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp có nhiều nội dung quan trọng, đòi hỏi các cấp uỷ, tổ chức Đảng phải đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ. Trước hết, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của Đại hội để chuẩn bị thật tốt và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp. Mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên phải xác định, Đại hội là dịp để chỉnh đốn đội ngũ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần dân chủ, sáng tạo và trách nhiệm để tham gia có hiệu quả nhất vào các quyết định của Đại hội.
Về công tác chuẩn bị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ trách nhiệm: Công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng phải thực hiện phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo và phát triển; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; coi trọng chất lượng, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, trước hết là người đứng đầu; đảm bảo hiệu quả, an toàn, thiết thực, không phô trương hình thức, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực. Thông qua Đại hội Đảng bộ các cấp, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; củng cố, tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo tổ chức thảo luận kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ cấp trên. Đồng thời, gắn từng nội dung của công tác chuẩn bị Đại hội với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, phát huy tính tích cực, chủ động và vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Tập trung chuẩn bị cho Đại hội là công việc quan trọng lúc này, tuy nhiên, không được làm ảnh hưởng đến các mặt công tác khác; phải lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, thực tế một số nhiệm kỳ gần đây cho thấy, có một số Đảng bộ chỉ tập trung lo cho đại hội mà có phần buông lỏng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, không hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, thậm chí gây ảnh hưởng không tốt cho nhiệm kỳ sau. Việc xây dựng báo cáo chính trị - văn kiện trung tâm của mỗi đại hội, phải thể hiện một cách tập trung nhất tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ, ý chí, sức mạnh đoàn kết của cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Báo cáo chính trị của đại hội là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, sự sáng tạo, tầm nhìn, khát vọng của đảng bộ và định hướng phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị. Quá trình xây dựng báo cáo phải bám sát cương lĩnh, các quan điểm, đường lối, định hướng lớn của Đảng, nhất là 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XII, bám sát định hướng chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và tình hình thực tế để đánh giá và xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và với tầm nhìn xa hơn.
“Hiện nay, Trung ương đang tích cực chỉ đạo xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Ý kiến đóng góp tại Đại hội Đảng bộ các cấp và của các tầng lớp nhân dân là hết sức quan trọng, thể hiện ý Đảng, lòng dân, có giá trị thực tiễn phong phú, sinh động để Trung ương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo các văn kiện. Ngược lại, thông qua thảo luận, đóng góp ý kiến, cấp uỷ cấp dưới có thêm gợi ý và định hướng để bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn kiện của cấp mình. Những ý kiến tâm huyết, xác đáng, hợp lý, có tính xây dựng phải được trân trọng nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu nghiêm túc”, Chỉ thị 15 chỉ rõ.
Bên cạnh đó, đối với các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau phải phát huy cao độ trách nhiệm, trí tuệ của tập thể, cá nhân, dành thời gian thoả đáng để thảo luận, tranh luận nhằm tìm ra phương án tối ưu nhất, đạt được sự đồng thuận. Có thể nói, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Việc tổ chức lấy ý kiến phải thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Căn cứ tình hình cụ thể của Đảng bộ để lựa chọn cách lấy ý kiến cho phù hợp, tiếp thu được nhiều ý kiến có chất lượng. Cần định hướng, gợi mở những nội dung quan trọng, những vấn đề mới, những vấn đề có nhiều phương án, đồng thời dành thời gian thỏa đáng cho thảo luận tại đại hội.
Liên quan đến nhân sự khóa mới, theo đó, số lượng ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ban Thường vụ khóa mới giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện so với số lượng tối đa đã được Trung ương xác định ở nhiệm kỳ 2015 - 2020 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII); không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy... Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) theo lộ trình phù hợp, Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương theo lộ trình, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương; cấp ủy cấp tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác.
Theo đó, về cơ cấu cấp ủy theo địa bàn, lĩnh vực, thực hiện chủ trương không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy; đồng thời, thống nhất quy định một số chức danh cụ thể có cơ cấu Ban Thường vụ, số cơ cấu còn lại do cấp ủy quyết định theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng của cán bộ. Về tỉ lệ cán bộ nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số trong cấp ủy, phấn đấu đạt tỉ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; tỉ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 10% trở lên; tỉ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân tộc và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Xác định rõ nhiệm vụ rất quan trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Khối lượng công việc rất lớn trong khi thời gian không còn nhiều, các cấp ủy phải đề cao hơn nữa trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, trên dưới đồng lòng, tích cực chuẩn bị và tổ chức thật tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, góp phần quan trọng vào sự thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
(Tổng hợp và trích lược)
.