Kinh tế xã hội

Phát triển kinh tế trang trại Hiệu quả cao

08:01, 17/05/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Tỉnh ta được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế về kinh tế trang trại. Để lĩnh vực này tạo được sự phát triển đột phá, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hướng tới mục tiêu tăng cường việc liên doanh, liên kết giữa các trang trại với các công ty, doanh nghiệp trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Đồng thời, xây dựng một số trang trại có thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm riêng, có giá trị cao để phục vụ xuất khẩu.
 
Thời gian qua, lĩnh vực kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh ghi nhận sự phát triển quan trọng. Đơn cử như tại TP Vinh, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nông dân các xã ven thành phố đã phát triển nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả kinh tế cao; mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp thành phố. Đơn cử như mô hình chăn nuôi gà theo phương pháp tự phối giống, sử dụng đệm lót sinh học; nuôi gà lai Ai Cập đẻ siêu trứng… Được biết bình quân mỗi năm, thành phố dành kinh phí khoảng 200 triệu đồng cho hoạt động khuyến nông. 
Mô hình nuôi gà cỏ lai do Trạm Khuyến nông huyện Anh Sơn triển khai                                             mang lại hiệu quả cao - Ảnh: Trang Khuyên
Mô hình nuôi gà cỏ lai do Trạm Khuyến nông huyện Anh Sơn triển khai mang lại hiệu quả cao - Ảnh: Trang Khuyên
Thời gian tới, cùng với xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tại các xã ven đô, thành phố ưu tiên đầu tư, hỗ trợ các mô hình gia trại, trang trại theo hướng an toàn và sạch, theo chuỗi cung ứng các hàng hoá có chất lượng và giá trị cao. Còn tại huyện Đô Lương, mô hình nuôi cua của ông Nguyễn Đình Tứ ở xã Nhân Sơn được nhiều người biết đến với sự sáng tạo. Với quyết tâm cao, ông đầu tư công sức cải tạo diện tích lớn đất xấu, trũng để làm trang trại đa canh và tiến hành nuôi cua. Để tránh tình trạng cua chết vì nắng nóng, ông nghĩ cách chia ô thả bèo hoa dâu để cua trú dưới mặt bèo. Ngoài nuôi cua, ông còn nuôi hàng trăm con gà Đông Tảo, vịt và trồng nhiều loại cây ăn quả.
 
Cũng trong thời gian qua, để khuyến khích kinh tế trang trại phát triển, nhiều địa phương đặc biệt quan tâm tới việc hoàn thiện quy hoạch vùng phát triển trang trại, gia trại gắn với xây dựng các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác để có chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật chăn nuôi, khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trang trại gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, công tác thông tin thị trường và xúc tiến thương mại cũng được tăng cường nhằm dự báo ngắn và dài hạn về xu hướng thị trường trong vùng và khu vực. Từ đó, có định hướng kịp thời về sản phẩm chăn nuôi cho người nông dân. Mặt khác, qua hoạt động của hợp tác xã, các hộ chăn nuôi trang trại tập trung sẽ hỗ trợ nhau trong đầu tư đồng bộ về con giống, chuồng trại, thiết bị và thức ăn chăn nuôi công nghiệp có chất lượng cao.
 
Nhằm khuyến khích kinh tế trang trại phát triển, ngày 20/12/2017, UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14 về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, đối với trang trại thành lập mới, đạt tiêu chí theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, sẽ được hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, với mức không quá 200 triệu đồng/trang trại mới. Đối với những dự án có tổng mức đầu tư từ 1 tỉ đồng trở lên, mỗi năm bố trí tối đa 5 trang trại. Cùng với đó, hỗ trợ một lần 50% kinh phí xây dựng các hạng mục công trình xử lý nước thải, ao lắng, nhưng không quá 300 triệu đồng/trang trại mới. Đối với những dự án xử lý nước thải, ao lắng, với tổng mức đầu tư từ 1 tỉ đồng trở lên tại các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; mỗi năm bố trí tối đa 5 trang trại. 
 
Mới đây, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1347 về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2018 - 2015.  Theo đó, ngoài các chính sách hiện hành, nhiều chính sách hỗ trợ mới sẽ được thực hiện. Đơn cử như đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, kỹ thuật cho chủ trang trại; chính sách về đất đai để chủ trang trại tích tụ, an tâm phát triển sản xuất; chính sách ưu đãi về tín dụng, huy động vốn sản xuất; hỗ trợ về thị trường, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, chủ trang trại còn được hỗ trợ khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh hoặc biến động xấu về giá sản phẩm. Đặc biệt, các mô hình kinh tế trang trại vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng cao, biên giới cũng sẽ được tính cộng chi phí hỗ trợ hoặc trừ nghĩa vụ đóng góp 30% theo mức quy định.
 
Không chỉ chú trọng tới việc mở rộng quy mô kinh tế trang trại, định hướng phát triển lĩnh vực này còn hướng tới việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật với mục tiêu đến năm 2030, tỉnh ta sẽ xây dựng 20% trang trại chăn nuôi bò thịt có ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, hình thành các trang trại lợn hạt nhân có nhiệm vụ lai tạo đàn giống gốc và cho ra đời lợn giống, lợn thương phẩm chất lượng cao. Theo đó, việc nghiên cứu tính khả thi để thành lập 1 nhà máy chế biến thực phẩm tại Nghệ An đang được Tập đoàn Mavin (Australia) thực hiện và có thể sẽ triển khai trong năm nay, với tổng mức đầu tư 25 triệu USD trên diện tích 5 ha.
 
Nhà máy sẽ có công suất 200.000 tấn/năm với các sản phẩm chế biến từ thịt, xúc xích, giăm bông và các thực phẩm thịt truyền thống. Việc phát triển các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với sự đầu tư, hỗ trợ của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài về vốn và công nghệ hứa hẹn sẽ tạo ra bước đột phá đối với sự phát triển kinh tế trang trại. Qua đó, góp phần khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh nhà trên lĩnh vực này.

Thùy Dương

Các tin khác