Kinh tế xã hội
Dự án xây dựng các điểm xử lý nước thải cho bệnh viện tuyến huyện
Vì sao chưa bàn giao hồ sơ hoàn công, quyết toán?
08:19, 15/05/2018 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Được hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2012, tuy nhiên, đến nay hồ sơ hoàn công, quyết toán dự án xây dựng các điểm khu xử lý nước thải cho 4 bệnh viện tuyến huyện vẫn chưa được chủ đầu tư là Sở Y tế Nghệ An bàn giao cho các đơn vị thụ hưởng! Dư luận không khỏi băn khoăn, thắc mắc vì sao lại có sự bất thường này?
Hệ thống xử lý nước thải tại BVĐK TX Cửa Lò không có mái che, khiến công trình nhanh chóng xuống cấp |
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó vào năm 2012, tổ chức Lien Aid Singapore đã tài trợ cho UBND tỉnh Nghệ An số tiền gần 10 tỉ đồng, xây dựng thí điểm 4 khu xử lý nước thải y tế cho 4 bệnh viện tuyến huyện. Ngay sau đó, dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 2039, giao cho Sở Y tế làm chủ đầu tư. Các bệnh viện tuyến huyện được chọn để xây dựng gồm: BVĐK Nghi Lộc, BVĐK Thanh Chương, BVĐK Yên Thành và BVĐK TX Cửa Lò.
Theo đó, vào tháng 9/2012, các công trình ở 4 bệnh viện này được đồng loạt khởi công xây dựng. Chỉ chưa đầy 1 năm sau, vào tháng 3/2013, các công trình xử lý nước thải bệnh viện được đưa vào vận hành, bàn giao cho các đơn vị sử dụng đến nay. Tuy nhiên, đã hơn 5 năm trôi qua, không hiểu vì lý do gì, đến nay chủ đầu tư là Sở Y tế Nghệ An vẫn chưa bàn giao hồ sơ hoàn công, quyết toán cho các bệnh viện thụ hưởng dự án Lien Aid. Việc làm chậm trễ này của chủ đầu tư khiến một số đơn vị chưa thể thoát khỏi danh mục “cơ sở ô nhiễm môi trường”.
Cụ thể, tại Trung tâm Y tế TX Cửa Lò, do chưa được bàn giao hồ sơ nên đến nay, đơn vị này vẫn chưa được xác nhận “Đơn vị đã hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để”. Ngày 15/3/2018 vừa qua, Trung tâm Y tế TX Cửa Lò đã có công văn yêu cầu bàn giao hồ sơ hoàn công công trình xử lý nước thải để được Sở TN-MT Nghệ An xác nhận, đảm bảo tiêu chuẩn xử lý ô nhiễm triệt để.
Trao đổi vấn đề trên, ông Trần Văn Thế, Giám đốc BVĐK TX Cửa Lò cho hay, sau nhiều năm sử dụng, nhìn chung hệ thống xử lý nước thải của dự án Lien Aid đã phát huy hiệu quả tích cực, xử lý nước thải bệnh viện đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do không được bàn giao hồ sơ hoàn công dự án này nên chúng tôi chưa được Sở TN-MT Nghệ An chứng nhận là đơn vị đã hoàn thành xử lý môi trường ô nhiễm triệt để. Vấn đề này, thông qua các cuộc họp với Sở Y tế và Sở TN-MT, chúng tôi đã nói nhiều lần nhưng vẫn chậm xử lý.
Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù chưa bàn giao hồ sơ hoàn công, chưa quyết toán vốn đầu tư nhưng tại hệ thống xử lý nước thải của BVĐK TX Cửa Lò có giá trị đầu tư khoảng 3 tỉ đồng đã xuất hiện nhiều vết nứt trên thân bồn cũng như trụ đỡ các bình chứa nước, sục khí. Với khối lượng hàng chục tấn, nếu không được sửa chữa kịp thời, các bể chứa chất thải này có thể bục vỡ hết sức nguy hiểm.
Ông Trần Văn Thế, Giám đốc BVĐK TX Cửa Lò bày tỏ, hệ thống xử lý nước thải của dự án Lien Aid hoạt động hiệu quả, song công trình này được xây dựng nằm trơ trọi giữa trời, không có hệ thống mái nhà che chắn nên nhanh bị xuống cấp, hư hỏng. Tuy nhiên, khi đề xuất làm mái che thì chủ đầu tư cho biết, trong dự án không được tài trợ xây dựng hệ thống mái che, ông Thế cho biết thêm.
Tương tự, tại BVĐK huyện Nghi Lộc, sau một thời gian đưa vào sử dụng, hệ thống xử lý nước thải do dự án Lien Aid tài trợ đã có dấu hiệu xuống cấp, công suất xử lý nước thải hiện tại của hệ thống này không đáp ứng nhu cầu, buộc đơn vị này sửa chữa, nâng cấp thêm.
Ông Nguyễn Huy Phúc, Giám đốc BVĐK huyện Nghi Lộc cho hay, sau hơn 5 năm đưa vào sử dụng, hệ thống xử lý nước thải của dự án (thiết kế chỉ 80 m3/h - P.V) nên không đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải của bệnh viện. Vì vậy, hiện nay bệnh viện đang đầu tư, mở rộng khu xử lý lên khoảng 160 m3/h mới đáp ứng đủ nhu cầu xử lý nước thải của bệnh viện. Việc thay màng lọc, mở rộng bể chứa có tổng giá trị đầu tư trên 2 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại hệ thống xử lý nước thải của dự án Lien Aid ở BVĐK huyện Thanh Chương và BVĐK huyện Yên Thành cũng đang nằm trong tình trạng tương tự.
Về tình trạng chậm quyết toán các công trình nói trên, phía Sở Y tế Nghệ An lý giải: “Do các công trình nằm rải rác, đi lại mất nhiều thời gian, kinh phí cho công tác quản lý dự án không được bố trí. Các đơn vị nhà thầu ở xa (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) dẫn đến khi chỉnh sửa hồ sơ phải chờ đợi. Mặt khác, bộ phận kế toán của chủ đầu tư kiêm nhiệm, bận quá nhiều việc nên chưa tập trung để hoàn thành công việc quyết toán”.
Cách lý giải của Sở Y tế Nghệ An về sự chậm trễ quyết toán công trình hoàn thành, sử dụng hơn 5 năm đã thực sự phù hợp?
V.Thành