Kinh tế xã hội

Đổi mới, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị Cần quyết tâm cao

09:02, 14/05/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế là chủ trương lớn đã được Trung ương cụ thể hóa bằng Nghị quyết. Tại Nghệ An, quá trình thực hiện cũng đang được đẩy nhanh. Theo đó, để công tác sắp xếp đảm bảo hợp lý và đồng bộ, mỗi đơn vị, địa phương cần xây dựng đề án cụ thể; trong đó thiết lập rõ tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đảm bảo cơ sở vật chất cũng như cơ chế tài chính.
 
Triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tại Nghệ An, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 111/KH-TU, trong đó xác định 43 nhiệm vụ cần làm ngay, 6 nhiệm vụ thí điểm và 12 nhiệm vụ theo hướng dẫn của Trung ương. Ngoài ra, Tỉnh ủy cũng đã chọn 12 đơn vị làm điểm, bao gồm 8 sở, ban, đoàn thể cấp tỉnh và 4 huyện, thành phố, thị xã. Đến thời điểm đầu tháng 5, đã có 6/43 nhiệm vụ cần làm ngay được triển khai đảm bảo đúng tiến độ và 5 nhiệm vụ đang chậm tiến độ. Với sự chỉ đạo toàn diện, sát sao của tỉnh, nhìn chung, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Riêng đối với 12 đơn vị được chọn làm thí điểm đã xây dựng đề án với kế hoạch, lộ trình thực hiện các công việc một cách cụ thể. 
Việc rà soát, tinh gọn đội ngũ hoạt động không chuyên trách cấp xã,                                           xóm đang được nhiều địa phương đẩy mạnh thực hiện
Việc rà soát, tinh gọn đội ngũ hoạt động không chuyên trách cấp xã, xóm đang được nhiều địa phương đẩy mạnh thực hiện
Một trong những vấn đề đáng lưu tâm trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy là việc bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cấp xóm. Đơn cử như tại TP Vinh, đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở đơn vị khối, xóm còn rất lớn, với gần 4.000 người; đồng nghĩa với phụ cấp mà thành phố phải chi trả lớn. Còn tại huyện Anh Sơn, số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã lên tới 354 người; trong đó có 13/21 xã, thị trấn bố trí 17 - 20 người và chỉ có 1 xã bố trí 13 người.
 
Còn ở cấp xóm, tổng số người hoạt động không chuyên trách là 2.437 người. Cùng với đó, việc bố trí những người không chuyên trách ở cấp phường, xã tại nhiều huyện, thành, thị vẫn chưa đồng đều. Thực tế trên đặt ra yêu cầu các địa phương cần quan tâm rà soát, tinh gọn lại đội ngũ hoạt động không chuyên trách cấp xã, xóm, vừa đảm bảo giảm số lượng, vừa cải thiện, nâng cao thu nhập cho đối tượng này. Cũng trong thời gian tới, nhiều địa phương cũng sẽ triển khai việc sáp nhập một số xã, phường có quy mô nhỏ và không đủ tiêu chí về diện tích, dân số theo quy định… nhằm đảm bảo sự phát triển đồng đều trên địa bàn.
 
Quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII và Kế hoạch số 111/KH-TU của BTV Tỉnh ủy, bên cạnh sự chủ động, quyết liệt của một số ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, vẫn còn nhiều đơn vị, địa phương có tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, thụ động trong việc rà soát, nghiên cứu để đưa ra các phương án triển khai chi tiết. Thực tế trên cũng đặt ra yêu cầu tỉnh cần sớm giao khung biên chế cho các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương để thuận lợi cho việc chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế hợp lý. “Bài toán” đổi mới, sắp xếp tổ chức theo hướng tinh gọn cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận liên quan đến chế độ, chính sách cho những người trong diện bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chủ trương sáp nhập, hợp nhất, tinh giản.
 
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII diễn ra vào chiều 4/5 vừa qua, chủ trương được Tỉnh ủy thống nhất là quá trình sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tuyệt đối không thực hiện theo phương pháp cơ học, mang tính chất “thanh lý” cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mà cần thực hiện theo nguyên tắc: Người về hưu hoặc chuyển công tác thì không tuyển thêm mới và người nào xung phong nghỉ thì có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để từng bước giải quyết dần số lượng biên chế.
 
Riêng về phương án xử lý lao động hợp đồng trong các đơn vị sáp nhập nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua, các đơn vị, địa phương cần nghiêm túc kiểm điểm và có phương án xử lý đảm bảo nguyên tắc theo quy định. Trong đó, cần lưu tâm đến việc chủ động thiết kế chính sách công khai, minh bạch để làm quy trình tuyển dụng, sắp xếp hợp lý đối với những lao động có năng lực, chuyên môn giỏi và phẩm chất tốt. Liên quan đến cấp trưởng các đơn vị trước khi sáp nhập, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo cần thực hiện một cách dân chủ, công khai theo tiêu chuẩn, người nào có tiêu chuẩn cao hơn thì bố trí là cấp trưởng và đối với cấp phó, sẽ giảm dần cho đến kỳ Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025 thì tiến hành sắp xếp lại theo đúng quy định.
 
Ngoài ra, để công tác sắp xếp tổ chức bộ máy đạt hiệu quả, thời gian tới, các đơn vị, địa phương sẽ phải thực hiện việc tự kiểm tra, rà soát lại toàn bộ công tác cán bộ từ năm 2012 đến nay. Đây được xem là cơ hội cuối cùng để thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị, địa phương phát hiện những trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm chưa đúng quy định để tự kiểm điểm, khắc phục. Nếu sau thời hạn báo cáo (ngày 30/6/2018), cấp trên phát hiện những trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm sai thì không chỉ xử lý cán bộ mà còn xử lý trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu tổ chức.

Thùy Dương

Các tin khác