Kinh tế xã hội
Tập trung phát triển công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn
09:21, 13/05/2018 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Hội tụ nhiều tiềm năng và thế mạnh về ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chủ trương thúc đẩy lĩnh vực này phát triển và đã mang lại hiệu quả bước đầu. Qua đó, góp phần quan trọng đưa tỉnh ta trở thành tỉnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
Theo Quyết định 5441 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2015, có tính đến năm 2030, các mũi nhọn công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như: Sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng; chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm gắn với nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình chuỗi giá trị; công nghiệp cơ khí; sản xuất dược liệu; năng lượng và công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn sẽ được tập trung nguồn lực phát triển.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp năng lượng là hướng phát triển mới và nhiều tiềm năng, với định hướng tập trung phát triển thủy điện, các dạng năng lượng khác như gió, mặt trời để cung cấp điện tại chỗ và khu vực chưa có điện lưới, hoặc điện lưới không thể vươn tới; đồng thời xây dựng nhà máy nhiệt điện tại xã Quỳnh Lập, nằm trong Khu công nghiệp Đông Hồi, TX Hoàng Mai thành trung tâm nguồn điện của cả nước. Trên lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, mục tiêu đặt ra là đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ bản trên địa bàn, tạo nguồn hàng vững chắc, ổn định để cung ứng cho thị trường ngoài tỉnh và phục vụ xuất khẩu, nhất là xi măng, gạch ngói và các chất phụ gia. Một thế mạnh khác của Nghệ An là công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.
Đối với vùng ven biển, công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu thuyền sẽ là một trong những định hướng phát triển chính |
Tuy nhiên, ngành này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, bởi phần lớn mới chỉ dừng lại ở khâu chế biến thô là chính, dẫn đến doanh thu xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng thấp, trong khi nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt. Do vậy, mục tiêu phát triển sắp tới là ưu tiên công nghiệp chế biến sâu khoáng sản; với việc tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình chế biến. Bên cạnh những định hướng phát triển các ngành công nghiệp nói trên, tỉnh cũng sẽ chú trọng phát triển có chọn lọc một số ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ và tỉ trọng giá trị gia tăng cao như: Công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, công nghệ sinh học, năng lượng và năng lượng tái tạo theo hướng xanh, không gây ô nhiễm môi trường.
Để các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn phát triển, vấn đề cần đặc biệt quan tâm là nguồn nhân lực. Theo đó, yêu cầu đặt ra là phải tiến hành khảo sát nhu cầu lao động hàng năm đối với từng ngành để có kế hoạch đào tạo phù hợp; song song với việc hỗ trợ đào tạo cho cán bộ, công nhân của các doanh nghiệp và có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, nhiệm vụ khác cũng cần sớm hoàn thiện là xây dựng các chính sách chung về đất đai, xúc tiến thương mại, hoạt động nghiên cứu, triển khai, hỗ trợ tư vấn về thiết bị, công nghệ mới hiện đại; tạo lập và phát triển thị trường công nghệ thông qua việc tổ chức các hội chợ công nghệ, thiết bị trên địa bàn tỉnh để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và lựa chọn. Riêng đối với ngành công nghiệp ưu tiên thuộc lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản là thế mạnh truyền thống của tỉnh nhà, cần tập trung phát triển và ổn định vùng nguyên liệu cũng như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ quá trình khai thác, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, bởi đây là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững.
Để ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, việc phân bố không gian công nghiệp hợp lý cũng cần được nghiên cứu đảm bảo hợp lý, tạo thành các dải tăng trưởng nhằm tăng cường sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất. Đơn cử như đối với TP Vinh và vùng ven biển (TX Cửa Lò, TX Hoàng Mai và dải ven biển dọc theo QL1A), với lợi thế về hạ tầng giao thông, cảng biển, hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam, các KCN tập trung và nguồn lao động có trình độ, sẽ tập trung phát triển các ngành nghề như công nghiệp cơ khí, sản xuất thiết bị điện - điện tử, công nghiệp chế biến thủy sản, đóng tàu và sửa chữa tàu thuyền. Cùng với đó, phát triển khu vực Nam Cấm - Thọ Lộc và Hoàng Mai - Đông Hồi thành các dải công nghiệp tập trung có quy mô khu vực, trên cơ sở ưu tiên thu hút đầu tư một số ngành công nghiệp công nghệ cao, vật liệu mới, công nghiệp nặng ít gây ô nhiễm và không ảnh hưởng đến tiềm năng du lịch biển…
Thùy Dương
Thùy Dương