Kinh tế xã hội

Xử lý nhiều điểm khai thác đất trái phép

14:22, 09/05/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng sự quản lý lơi lỏng của địa phương để khai thác đất trái phép mang đi bán nhằm thu lợi. Trước tình hình đó, Công an huyện Diễn Châu đã phối hợp với chính quyền các địa phương kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ khai thác đất trái phép trên địa bàn.

Một khu vực san lấp đất trái phép trên địa bàn xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu
Một khu vực san lấp đất trái phép trên địa bàn xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu

Nhiều vụ khai thác đất trái phép

Vào lúc 15 giờ ngày 12/4, Công an huyện Diễn Châu phát hiện anh Nguyễn Xuân Sơn (SN 1978) trú tại xóm 6 Bắc Lâm, xã Diễn Lâm sử dụng máy xúc khai thác đất trái phép tại khu vực đồi thuộc xóm 6 Bắc Lâm, xã Diễn Lâm, với khối lượng đất đã khai thác là 5,38 m3. Làm việc với cơ quan chức năng, anh Sơn khai nhận khai thác số đất trên để mang đi bán.

Tiếp đó, vào lúc 9 giờ ngày 13/4, Công an huyện phát hiện anh Nguyễn Đức Hồng (SN 1990) trú tại xóm 13, xã Diễn An, huyện Diễn Châu sử dụng máy xúc khai thác đất trái phép tại khu vực xóm 8, xã Diễn Lộc. Anh Hồng đã xúc 3,99 m3 lên xe ôtô BKS 37N-8528. Mới đây nhất, vào ngày 26/4, tại khu đất đồi thuộc xóm Hùng Sơn, xã Diễn Lâm, Công an huyện phát hiện anh Trần Văn Lộc (SN 1984) trú tại xóm 7, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu sử dụng máy xúc đang khai thác đất trái phép, với khối lượng đất đã khai thác là 38 m3.

Theo thống kê, chỉ trong tháng 3 và tháng 4/2018, Công an huyện Diễn Châu và chính quyền địa phương đã phát hiện 8 vụ việc liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển, san lấp đất trái phép. Hầu hết các vụ việc đều bị lập biên bản xử lý hành chính về lĩnh vực quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Phải được quản lý từ cơ sở

Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng phục vụ các công trình, dự án và nhu cầu dân sinh rất lớn, nên tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Không chỉ bạt đồi, xẻ núi, đào khoét ao hồ, thậm chí đối với các công trình thủy lợi cũng bị lấy đất bán phục vụ san lấp mặt bằng, sản xuất gạch, ngói. Điều này là mối đe dọa đối với một số công trình hồ đập, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần. Trước thực trạng trên, Công an huyện Diễn Châu đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, kịp thời phát hiện các vụ việc liên quan đến khai thác, san lấp đất trái phép.

Xe ôtô đang vận chuyển đất san lấp lấy từ địa điểm khai thác trái phép
Xe ôtô đang vận chuyển đất san lấp lấy từ địa điểm khai thác trái phép

Trung tá Nguyễn Duy Thanh, Trưởng Công an huyện Diễn Châu cho biết: Lực lượng Công an và các ngành chức năng của huyện đã tăng cường công tác phối hợp để kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến khai thác đất, đá trên địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng khai thác đất trái phép vẫn còn xảy ra. Phần lớn vụ việc được phát hiện chỉ là khai thác nhỏ lẻ của các hộ gia đình để lấy vật liệu san lấp mặt bằng, làm vườn…, nên chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính. Để kiểm soát tình trạng này, thời gian tới, lực lượng Công an sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc tương tự.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh cho biết, hiện tỉnh có quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cấp để quản lý việc khai thác tài nguyên, khoáng sản. Những đơn vị được tỉnh cấp phép khai thác thì Sở kiểm tra; còn các trường hợp khác (hộ gia đình đào đất để san lấp mặt bằng, còn dôi dư ra mang đi bán…) thì địa phương phải nắm để quản lý. Các trường hợp này chủ yếu là do Công an địa phương phát hiện, xử lý theo quy định.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra Sở TN-MT phối hợp với một số ngành, địa phương thanh, kiểm tra công tác quản lý khoáng sản tại một số huyện. Sau các cuộc thanh tra, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo và giao cho cấp huyện quản lý. Đối với thẩm quyền xử lý các vụ khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép, chủ tịch UBND huyện có thẩm quyền xử phạt ngang với Chánh Thanh tra Sở; đồng thời có quyền đình chỉ, chỉ đạo các nội dung liên quan khác.

Vì vậy, thẩm quyền của cấp huyện rất lớn trong việc quản lý, giải quyết các vụ việc liên quan. Đối với cấp sở, chỉ có thể xử phạt khi có kết luận thanh tra. Cụ thể, khi phát hiện sai phạm sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan thanh tra, sau đó Chánh Thanh tra ra quyết định xử phạt. Nếu vượt quá thẩm quyền, Thanh tra Sở sẽ trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt đối với các cá nhân, đơn vị sai phạm.

Cao Loan

Các tin khác