Kinh tế xã hội
Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm đặc biệt đến người nghèo và các đối tượng chính sách. Trong đó, việc đẩy mạnh thực hiện chương trình vốn tín dụng chính sách đã trở thành một trong những nguồn lực quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và tiếp sức cho nhiều ý tưởng khởi nghiệp.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân đã phát triển mô hình sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: Nguyễn Hoa |
Theo đó, đầu năm nay, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã tích cực tranh thủ nguồn vốn cấp từ Trung ương, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc huy động vốn tại địa phương. Qua đó, cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD) và phục vụ nhu cầu thiết yếu về đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Tính đến ngày 31/3, tổng nguồn vốn quản lý của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 7.497 tỉ đồng, tăng 285 tỉ đồng so với năm 2017. Trong đó, một số chương trình tín dụng có doanh số cho vay lớn là: Cho vay hộ cận nghèo 264 tỉ đồng, hộ nghèo 127 tỉ đồng, hộ mới thoát nghèo 110 tỉ đồng; hộ SXKD vùng khó khăn 88 tỉ đồng; nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 82 tỉ đồng; nhà ở cho hộ nghèo 14,5 tỉ đồng.
Tại nhiều địa phương miền núi, nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả to lớn trong việc tạo lập cuộc sống mới cho bà con thông qua việc hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi phù hợp với thực tế địa phương. Mô hình SXKD của chị Hà Thị Đào ở bản Hội 3, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu là điển hình như thế.
Chị Đào là thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn Hội Nông dân bản Hội 3. Được bình xét để vay vốn Ngân hàng CSXH huyện với số tiền 10 triệu đồng, chị quyết định đầu tư vào chăn nuôi trâu bò và từng bước thoát nghèo. Sau đó, được Nhà nước cấp thêm đất rừng để canh tác, với nguồn vốn vay 30 triệu đồng dành cho hộ SXKD vùng khó khăn từ Ngân hàng CSXH, chị đã trồng cây keo và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Đến nay, gia đình chị trở thành hộ khá của toàn xã và là một trong những hộ SXKD tiêu biểu của toàn huyện, với mức thu nhập bình quân mỗi năm từ 170 - 190 triệu đồng.
Xác định nguồn vốn là yếu tố quan trọng hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua nguồn vốn của Ngân hàng CSXH. Thông qua đó, hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, tiến bộ khoa học kỹ thuật và phương thức SXKD hiệu quả; qua đó từng bước thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Từ miền xuôi lên miền ngược, dấu ấn của chương trình tín dụng chính sách thể hiện rõ trên nhiều mô hình SXKD đa dạng. Điển hình như các mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi ở huyện Quỳ Hợp; mô hình chế biến hải sản, phát triển kinh tế hộ ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu… Để các đối tượng thụ hưởng tiếp cận nguồn vốn đạt hiệu quả, Ngân hàng CSXH các huyện đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Hội Nông dân để xây dựng hợp đồng ủy thác, tiến hành rà soát, xác định đối tượng chính sách vay vốn; từ đó xây dựng mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn ở từng thôn, xóm, với nhiệm vụ đưa vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Cũng trong thời gian qua, việc nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác, tránh để xảy ra hiện tượng tiêu cực, chiếm dụng nguồn vốn ủy thác trong quá trình thực hiện luôn được các cấp hội Nông dân đặc biệt chú trọng. Nhờ vậy, công tác bình xét cho vay nhìn chung đảm bảo đúng đối tượng, các đối tượng được thụ hưởng sử dụng vốn vay đúng mục đích. Không chỉ góp phần giảm nghèo và giải quyết việc làm, nguồn vốn vay tín dụng chính sách còn giúp các đối tượng thụ hưởng giải quyết nhiều vấn đề khác như chăm lo cho con cái học hành, cải thiện điều kiện sinh hoạt, cải tạo công trình nước sạch, vệ sinh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống...
Bên cạnh chương trình tín dụng chính sách phục vụ SXKD, hiện, Ngân hàng CSXH tỉnh đang phối hợp với Sở Xây dựng tiếp tục triển khai tốt chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2 với doanh số giải ngân trong quý I đạt 14 tỉ 475 triệu đồng/579 hộ nghèo được vay để xây mới, sửa chữa, cải tạo nhà ở. Cùng với đó, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh triển khai cho vay phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085 ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020, với doanh số giải ngân trong quý I đạt 2.628 triệu đồng/86 hộ gia đình được vay vốn.
Để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả bền vững và sâu rộng hơn nữa, thời gian tới, cần tiếp tục củng cố hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, song song với tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng dịch vụ ủy thác. Qua đó, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cũng như phục vụ tốt sự phát triển của địa phương.
Thùy Dương