Kinh tế xã hội
Hợp tác quốc tế trên lĩnh vực kinh tế - xã hội: Toàn diện, hiệu quả
(Congannghean.vn)-Xác định hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng phục vụ sự phát triển bền vững, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tăng cường các mối quan hệ hợp tác với bạn bè quốc tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là KT-XH. Qua đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của địa phương.
Các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu cơ hội hợp tác tại thị trường Nghệ An |
Hiệu quả hợp tác quốc tế của Nghệ An thể hiện rõ nét nhất trên lĩnh vực kinh tế. Là tỉnh có nguồn tài nguyên đa dạng, nguồn lực lao động dồi dào, Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Trong những năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh ta đã có sự cải thiện đáng kể, từ vị trí 46 năm 2012 từng bước vươn lên đứng thứ 21 cả nước năm 2017. Tuy nhiên, theo đánh giá, có 4 chỉ số vẫn chưa được cải thiện, thậm chí giảm như: Gia nhập thị trường, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và thiết chế pháp lý. Tiềm năng phát triển kinh tế có sẵn, song vị thế mà tỉnh ta đạt được chưa thật sự tương xứng. Trong đó, riêng về hoạt động đầu tư kinh doanh vẫn chưa có sự đột phá mạnh mẽ, mà nguyên nhân đến từ những nút thắt thể chế.
Trước thực tế trên, thời gian qua, tỉnh ta đặc biệt chú trọng tới việc hợp tác quốc tế trên lĩnh vực cải cách thể chế, đặc biệt là tăng cường hợp tác với Bỉ. Đơn cử như việc triển khai Dự án “Hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được” của nước bạn. Ngoài lĩnh vực trên, Nghệ An cũng tăng cường hợp tác trên lĩnh vực kinh tế. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ta sang thị trường Bỉ đạt 5,9 triệu USD với các mặt hàng: Dệt may, bật lửa gas, tôn lợp. Bỉ cũng hỗ trợ nguồn vốn ODA cho Nghệ An để thực hiện các dự án như: “Hệ thống thoát nước thải và xử lý nước thải TX Cửa Lò giai đoạn II” với nguồn vốn viện trợ 9,5 triệu Euro; Dự án “Giảm nghèo thông qua tăng cường năng lực thể chế tại huyện Quỳ Châu và cấp tỉnh Nghệ An”…
Các dự án ODA do Chính phủ Bỉ tài trợ đã góp phần nâng cao năng lực thể chế, bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả thiết thực đối với chính quyền cũng như người dân tỉnh nhà. Sự hợp tác giữa tỉnh ta với Bỉ còn được tăng cường trên lĩnh vực cải cách hành chính hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư.
Cũng trên lĩnh vực kinh tế, với lợi thế có nhiều tiềm năng để phát triển ngành logistics (lĩnh vực tối ưu hóa dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng), tỉnh ta luôn chú trọng tăng cường hợp tác với các nước bạn có chung đường biên giới để khai mở hướng phát triển này. Nghệ An hiện có 16 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn với chiều dài 1.768 km và 32 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 662,1 km. Hệ thống giao thông, hạ tầng thiết yếu gồm: Đường bộ, đường sắt, đường hàng không, cảng biển và hệ thống kho bãi, dịch vụ vận tải cũng đáp ứng yêu cầu. Ngoài cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Nghệ An cũng có 1 cửa khẩu chính, 3 cửa khẩu phụ và 4 lối mở trên khu vực biên giới với nước bạn Lào.
Bên cạnh lợi thế có tuyến đường bộ chạy song song với đường sắt, thuận lợi cho dịch vụ vận tải phát triển, các cửa khẩu, hệ thống cụm cảng biển, cảng hàng không, nhà kho, bến bãi ở Nghệ An cơ bản đáp ứng yêu cầu của ngành logistics. Thời gian qua, những lợi thế trên đã mở ra cơ hội phát triển thương mại, nâng cao kim ngạch xuất khẩu giữa tỉnh ta và Trung Quốc. Trong đó, Hồ Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) là 2 tỉnh có mối quan hệ hợp tác khá toàn diện với Nghệ An. Tính đến ngày 26/4, trên địa bàn tỉnh có 8 dự án do các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư với số vốn 102,36 triệu USD, hoạt động trên lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ…
Song song với tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực kinh tế, thời gian qua, việc củng cố quan hệ với nhiều nước bạn nhằm góp phần giải quyết các vấn đề xã hội cũng được Nghệ An đặc biệt quan tâm. Đơn cử như “vấn nạn” làm giấy tờ giả, visa giả để sang các nước châu Âu. Trong đó, riêng tại Vương quốc Bỉ, có khoảng 4 - 5% là lao động Nghệ An xin làm visa nhưng bị từ chối cấp bởi giấy tờ không đầy đủ và hợp pháp.
Trước thực tế trên, thời gian tới, Bỉ sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan đầu mối tại các địa phương để thẩm định, xác minh giấy tờ khi công dân Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng muốn xuất cảnh sang nước này lao động; đồng thời, Nghệ An cũng sẽ phối hợp tích cực nhằm ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép, từng bước xóa bỏ mạng lưới môi giới lao động bất hợp pháp. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi người lao động cũng như giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự ATXH trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực tế cho thấy, việc tăng cường hợp tác quốc tế một cách toàn diện, đặc biệt là trên lĩnh vực KT-XH đã mang lại hiệu quả to lớn trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và giải quyết các vấn đề xã hội. Vấn đề đặt ra là, để hợp tác quốc tế phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, công tác cải cách hành chính cần được đẩy mạnh hơn nữa, để Nghệ An thực sự là đối tác, bạn bè cởi mở và tin cậy với cộng đồng quốc tế.
Thùy Dương