Kinh tế xã hội
Hiệu quả phát triển lâm nghiệp bền vững
(Congannghean.vn)-Với diện tích rừng lớn, tài nguyên rừng được xem là lợi thế của tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này vẫn còn nhiều hạn chế. Trước thực tế trên, tỉnh đã và đang đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020; qua đó ghi nhận nhiều kết quả quan trọng.
Thời gian qua, công tác trồng rừng được nhiều hộ dân thực hiện hiệu quả (Trong ảnh: Công tác chuẩn bị trồng rừng của người dân huyện Quế Phong) |
Thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 886 ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng rừng, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng gắn với nhiệm vụ bảo vệ rừng, trồng mới rừng..., kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống lâm nghiệp.
Cùng với đó, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm lâm nghiệp; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Mục tiêu rộng hơn là đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội gắn với nhiệm vụ phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; hỗ trợ, xúc tiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực trồng, khai thác, vận chuyển và chế biến các sản phẩm lâm nghiệp.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ được Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 chú trọng thực hiện là tổ chức tuần tra bảo vệ rừng. Trong năm 2017 và quý I năm 2018, đã chỉ đạo phối hợp tổ chức 4.532 đợt tuần tra rừng, 9.265 đợt tuần tra tuyến ngắn, tuần tra kiểm tra, kiểm soát lâm sản. Qua đó, phát hiện 902 vụ vi phạm lâm luật, xử lý hành chính 901 vụ.
Tính đến ngày 15/4, trên địa bàn tỉnh có 26 dự án thuộc danh mục thực hiện Chương trình; 13 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và 5 công ty lâm nghiệp được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng cùng nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển rừng, tạo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ.
Bên cạnh đó, công tác trồng và chăm sóc rừng cũng được thực hiện hiệu quả, với việc huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Toàn tỉnh đã trồng 18.111 ha rừng tập trung; giao khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, tổ chức, cá nhân với tổng diện tích trên 426.705 ha. Trong đó, 3 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh trồng được 4.885/17.000 ha rừng tập trung; tạo hơn 30 triệu cây giống lâm nghiệp. Cùng với đó, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có.
Đặc biệt, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy. Đây là năm duy nhất trong 10 năm gần đây được đánh giá là kiểm soát tốt an toàn về PCCCR.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Chương trình vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Đơn cử như công tác quản lý, bảo vệ rừng tại gốc tại một số nơi còn có sự buông lỏng trong kiểm tra giám sát, dẫn đến sai phạm và gây thiệt hại lớn. Cùng với đó, công tác giám sát, theo dõi và đánh giá hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp vẫn chưa tiến hành thường xuyên, thiếu kiên quyết trong xử lý thu hồi đất, rừng đối với các trường hợp vi phạm…
Với diện tích rừng lớn, trong đó phần lớn là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, qua đó giảm phát thải khí nhà kính là yêu cầu cấp thiết và quan trọng. Thực hiện Quyết định số 2859 ngày 21/6/2016 của UBND tỉnh về Kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các-bon rừng” tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020, thời gian qua, nhiều giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đã và đang được tích cực thực hiện.
Theo ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Để giảm phát thải khí nhà kính, tỉnh sẽ tăng cường PCCCR; hạn chế tình trạng mất rừng và suy thoái rừng do khai thác lâm sản; đồng thời bảo tồn và tăng cường trữ lượng các-bon rừng thông qua việc tuyển chọn, nhân giống trội các loại cây lâm nghiệp trồng ở địa phương.
Có thể khẳng định, phát triển rừng bền vững là xu thế tất yếu hiện nay. Thực hiện hiệu quả mục tiêu trên, địa phương sẽ có nguồn thu cho ngân sách, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực lâm nghiệp có điều kiện phát triển, tài nguyên rừng và môi trường sinh thái được bảo vệ. Bởi vậy, ngoài sự nỗ lực của các cấp ngành, mỗi người dân cũng cần nêu cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong việc trồng và bảo vệ rừng. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường sống và phục vụ đắc lực sự phát triển của tỉnh nhà.
Thùy Dương